Bộ Khoa học và Công nghệ: Cơ chế hậu kiểm đã sẵn sàng

author 07:30 10/12/2017

(VietQ.vn) - Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản hướng dẫn cho các bộ, ngành với các quy định cụ thể về khung pháp lý, các nghị định xử phạt trong từng lĩnh vực, phục vụ cho công tác hậu kiểm.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Với mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan trước tháng 6/2018. Đây được coi là một thách thức đối với các Bộ ngành trong khi rất nhiều hàng hóa không có tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh 

Riêng đối với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được Bộ rà soát. Cụ thể, có một loạt các Nghị định đã được rà soát và trình Chính phủ ban hành, một số Nghị định dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm nay.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh, nhằm thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ KH&CN đã chủ động ban hành Thông tư 02 quy định khung pháp lý để các Bộ, ngành chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm và Bộ cũng đã ban hành Thông tư 07 áp dụng cơ chế hậu kiểm đó cho các nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN.

“Về phía Bộ KH&CN, tất cả cơ chế hậu kiểm hiện nay đã sẵn sàng, đã triển khai thực hiện trong thời gian qua”, ông Linh cho biết.

Đề cập đến vấn đề hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để phục vụ công tác quản lý, thực thi. “Nếu sản phẩm hàng hóa không có tiêu chuẩn, quy chuẩn thì không chỉ hậu kiểm mà tiền kiểm cũng rất khó khăn. Về phía Bộ KH&CN, tất cả các nhóm sản phẩm hàng hóa nhóm 2 có nguy cơ gây mất an toàn đều được xác định rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn”, ông Linh cho biết.

Bộ cũng đã công bố danh sách 69 phòng thí nghiệm đủ điều kiện cấp chứng nhận chất lượng để các doanh nghiệp lựa chọn, việc này giúp tận dụng nguồn lực xã hội và tăng tính hiệu quả, cạnh tranh, không thể để tình trạng độc quyền của các cơ sở kiểm định được chỉ định tiếp diễn.

Bện cạnh đó, để bảo đảm thực thi đồng bộ, nhất quán, Bộ KH&CN đã có văn bản hướng dẫn cho các bộ, ngành với các quy định cụ thể về khung pháp lý, các nghị định xử phạt trong từng lĩnh vực, phục vụ cho công tác hậu kiểm.

Hậu kiểm công tác kiểm tra sẽ khó khăn hơn

Trước lo ngại thời gian kiểm tra đánh giá hàng hóa rút ngắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa, ông Linh khẳng định rằng, chất lượng của sản phẩm hàng hóa đầu tiên phải do chính doanh nghiệp chịu trách nhiệm và đảm bảo nó phù hợp hay không. Ở đây, công tác kiểm tra không phải giảm bớt đi hay cắt ngắn bớt đi mà đơn giản là thay vì phải kiểm tra tất cả các công đoạn đó trước khi thông quan thì nay được chuyển sang sau thông quan.

“Vì vậy, doang nghiệp sẽ được giảm bớt các chi phí như thuê kho, lưu bãi,... nhưng họ vẫn phải đảm bảo các bằng chứng kỹ thuật để chứng minh cho cơ quan quản lý nhà nước là sản phẩm này đáp ứng quy chuẩn", ông Linh lý giải.

Còn theo quan điểm của ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế Văn Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kiểm tra sau thông quan không có nghĩa là từ bỏ quản lý nhà nước mà chỉ chuyển trọng tâm từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nó đưa ra một thông điệp rất rõ là doanh nghiệp cứ kinh doanh, nhà nước sẽ giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp còn doanh nghiệp phải có trách nhiệm tuân thủ tốt.

Thông tư 07/2017 của Bộ KH&CN mới ban hành, quy định, doanh nghiệp nào 3 lần thông quan liên tiếp mà không vi phạm pháp luật được miễn kiểm tra trong vòng 1 năm.

“Đây là một xu hướng rất tốt, nó đưa ra một thông điệp rất quan trọng đối với doanh nghiệp là nếu anh làm ăn nghiêm túc, nếu anh nghiêm túc chấp hành thì thủ tục hành chính sẽ giảm, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cũng sẽ được giảm. Việc quản lý theo hình thức mới góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tuân thủ quy định pháp luật tốt hơn”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, cũng phải tính đến rủi ro. Những ngành hàng nào có nguy cơ vi phạm pháp luật cao, những doanh nghiệp nào có tiền sử vi phạm pháp luật cao thì cơ quan quản lý nhà nước phải đưa vào “tầm ngắm” và áp dụng hình thức kiểm tra chặt chẽ hơn.

Đề cập về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi chuyển kiểm tra chất lượng hàng hóa kể cả mặt kỹ thuật từ trước thông quan sang sau thông quan, Ông Nguyễn Hoàng Linh thừa nhận các công chức kiểm tra chuyên ngành sẽ vất vả hơn và gặp nhiều khó khăn hơn với tình hình thực tiễn hiện nay.

“Trước đây các doanh nghiệp chứng minh trước cho cơ quan quản lý mới được thông quan, bây giờ rất nhiều hàng hóa có thể có cam kết phù hợp các quy chuẩn quốc gia là có thể thông quan ngay…Cơ chế hậu kiểm trong thời gian tới các cơ quan kiểm tra cũng sẽ có thêm nhiều gánh nặng, tuy nhiên với mục đích đồng hành cùng doanh nghiệp, tôi cho rằng có khó chúng ta vẫn phải triển khai”, ông Linh nói.

'Rừng' thủ tục và nỗ lực cải cách của Bộ Khoa học và Công nghệ(VietQ.vn) - Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ KH&CN đã có những nỗ lực rất ấn tượng để đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu - vốn được đánh giá là "rừng" thủ tục đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang