Bỏ ngỏ giám sát đình chỉ, thu hồi thuốc kém chất lượng?

author 08:47 30/09/2012

Khi thuốc bị đình chỉ lưu hành, thu hồi hoặc rút số đăng ký do có chứa hoạt chất gây nguy hiểm đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng, người tiêu dùng hầu như không được biết về kết quả của việc thu hồi. Doanh nghiệp cứ làm, cơ quan quản lý cũng chưa có động thái giám sát chặt chẽ mà doanh nghiệp báo cáo sao thì “biết vậy”.

1 năm, 900 loại thuốc bị thu hồi

Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi đến Sở Y tế các tỉnh, thành thông báo về quyết định rút số đăng ký của tất cả sản phẩm thuốc có chứa hoạt chất Buflomedil (gồm 42 mặt hàng) ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường thuốc Việt Nam do phản ứng có hại nghiêm trọng trên tim mạch và thần kinh, nguy cơ dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối và kinh doanh thuốc không được nhập khẩu, đưa vào sản xuất và sử dụng các nguyên liệu chứa hoạt chất Buflomedil.

Trước đó, Cục Quản lý dược cũng đã có hàng loạt các văn bản đình chỉ lưu hành và thu hồi trên phạm vi toàn quốc đối với một số loại thuốc không đạt chuẩn về chất lượng như: thuốc Omepro dùng điều trị loét dạ dày tá tràng, số đăng ký: VN-3379-07 do Công ty Maiden Phamaceuticals Limited (Ấn Độ) sản xuất, Công ty CP dược phẩm Hà Tây nhập khẩu; thuốc Nalidixic acid tablets BP 500mg, Neo-Pyrazon (diclofenac sodium 50mg), thuốc giảm đau hạ sốt Piroxicam capsules USP 20 mg (Ấn Độ), thuốc trị tim mạch - huyết áp Dospirin (Công ty Cổ phần S.P.M)…

Người tiêu dùng không biết thuốc được thu hồi như thế nào. Ảnh: Minh họa
Người tiêu dùng không biết thuốc được thu hồi như thế nào. Ảnh minh họa

Ông Đỗ Văn Dũng - Phó trưởng Phòng Quản lý dược (Sở Y tế TP.HCM), cho biết mỗi năm Việt Nam có gần 1.000 trường hợp phản ứng thuốc với các nguyên nhân do thuốc kém chất lượng, sự gian dối của nhà sản xuất, người bệnh tự mua thuốc sử dụng, nhân viên y tế kê toa vô tội vạ...

Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, mỗi năm lượng thuốc kém chất lượng tung ra thị trường được Cục Quản lý dược yêu cầu thu hồi, tiêu hủy ngày càng tăng lên. Nếu như từ tháng 6/2008 đến tháng 6/2009 chỉ có gần 200 loại thuốc bị thu hồi thì trong 1 năm từ tháng 6/2010 đến tháng 6/2011 có đến hơn 900 loại thuốc bị thu hồi. Các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng rất đa dạng, gồm cả thuốc nội lẫn thuốc nhập khẩu; từ kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, corticoid, giảm béo, đau dạ dày, tim mạch, đái tháo đường, tuần hoàn não đến các loại vitamin, đông dược…

Bệnh nhân... lãnh đủ

Thuốc kém chất lượng bị đình chỉ lưu hành ngày càng tăng, trong đó nhiều loại khi bị đề nghị thu hồi đã được bệnh nhân dùng hết. Các đơn vị, cá nhân liên quan vô can trong khi bệnh nhân lãnh đủ, ngay cả việc bồi thường cũng chưa ai tính đến.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương Trần Việt Hùng cho biết, thông thường, từ khi lấy mẫu đến lúc có kết quả kiểm nghiệm thuốc đã mất 3-7 ngày; từ khi trình kết quả lên sở y tế cho đến khi sở có quyết định đình chỉ lưu hành thuốc khoảng 15 ngày. Sau đó, mẫu kiểm nghiệm và công văn được gửi ra Cục Quản lý dược, mất thêm 15 ngày. Vậy nên, có khi phải mất 1 tháng nữa cơ quan chức năng mới có thông báo đình chỉ lưu hành thuốc tới các doanh nghiệp, bệnh viện và nhà thuốc. Vì vậy, trên thực tế đã xảy ra tình trạng nhiều loại thuốc trước khi có lệnh thu hồi đã được tung ra thị trường và đại bộ phận số thuốc này đã đến tay người tiêu dùng. Như vậy, thông tin thu hồi thuốc chỉ có giá trị văn bản chứ chưa có chế tài ràng buộc cả nhà sản xuất, phân phối lẫn cơ sở bán lẻ.

Chị Cao Vân Anh, một chủ quầy thuốc trong khu chợ thuốc Giảng Võ (một khu chợ thuốc lớn nhất miền Bắc, cung cấp đầy đủ về các chủng loại thuốc) cho biết mỗi tháng có hàng chục loại thuốc bị thu hồi, nên không thể nào nhớ hết được. Nếu tiếp tục bán thì cũng chẳng sao, vì từ hồi bán hàng ở đây đến giờ (đã 5 năm) nhưng chưa bao giờ thấy cơ quan quản lý nào đến kiểm tra các loại mặt hàng thuốc phải thu hồi.

Thuốc bị đình chỉ lưu hành nhưng khâu hậu kiểm bị bỏ ngỏ. Ảnh: Minh họa
Thuốc bị đình chỉ lưu hành nhưng khâu hậu kiểm bị bỏ ngỏ. Ảnh minh họa

Còn đối với các công ty dược, sau khi đã nhập phải loại thuốc không đạt chất lượng thì cũng chỉ ra thông báo thu hồi, cũng không có bất kỳ một công tác hậu kiểm nào sau những thông báo này.

Theo ông Nguyễn Văn Yên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, điều đáng nói là từ trước đến nay chưa từng có cơ quan nào bị kiện hay phải bồi thường cho bệnh nhân nếu chẳng may họ mua phải thuốc kém chất lượng. Trong khi chính doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu là nơi chịu trách nhiệm về sản phẩm thuốc và sẽ phải đi thu hồi.

Đặc biệt, tất cả những loại thuốc bị thu hồi trước khi đưa ra thị trường đều đã được thẩm định về chất lượng sau đó mới được cấp số đăng ký và cho phép lưu hành. Câu hỏi đặt ra là vì sao đã qua kiểm định chất lượng nhưng vẫn để lọt những sản phẩm thuốc kém chất lượng ra thị trường.

Thu hồi thuốc vốn đã khó, càng khó hơn một khi thuốc đã được đưa ra thị trường và người bệnh đã dùng. Rốt cục, chỉ có người bệnh thiệt cả đôi đường khi vừa mất tiền vừa gặp phải thuốc kém chất lượng.

 Theo HQ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang