Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu 3 thách thức trong thời gian tới

author 18:58 28/12/2018

(VietQ.vn) - Bộ trưởng NN&PTNT cho biết ngành nông nghiệp có 3 thách thức rất lớn là tính bền vững trước thiên tai, tính nhỏ lẻ trong chuỗi liên kết giá trị nông sản và vấn đề hàng rào thuế quan, chiến tranh thương mại trong xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp nêu 3 thách thức trong thời gian tới

 Ngoài những thuận lợi thì thời gian tới, ngành nông nghiệp cũng có rất nhiều thách thức. 

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 28/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nêu ra 3 thách thức của ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Cùng với đó, giải pháp được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra là làm sâu sắc hơn chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, đi vào thực chất hơn mục tiêu phát triển nông thôn mới và tập trung nhóm giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.

Trước đó, trả lời phỏng vấn trên báo Sài Gòn giải phóng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, để hóa giải những nút thắt do khó khăn, thách thức trong giai đoạn 10 năm tới của ngành nông nghiệp điều quan trọng nhất là chúng ta phải xác định được cơ hội và thách thức. Cơ hội lớn là những kết quả nền tảng trong giai đoạn vừa qua, là tiền đề tốt, hội nhập kinh tế vào đời sống toàn cầu rất tốt. Hiện nay, tiến bộ khoa học - công nghệ thời đại 4.0 đã mở ra một triển vọng cho phát triển kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, đây là cơ hội tốt để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam tiếp tục phát triển trong quá trình công nghiệp hóa kinh tế đất nước. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, nếu không có doanh nghiệp làm hạt nhân, rường cột để cùng tổ chức lại thì chúng ta không thể thành công.

Điều đáng mừng, trong giai đoạn vừa qua, bằng cơ chế chính sách, bằng sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn tới nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đã tập trung, ưu tiên vào khu vực nông nghiệp. Đây là tín hiệu rất tốt. Cùng với tín hiệu này, Chính phủ đã hoàn thiện các cơ chế, chính sách như: Nghị định 57 thay Nghị định 210 về ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Nghị định 98, sửa tiếp Nghị định 55 về cơ chế tín dụng, cho doanh nghiệp vay vốn làm ăn… để tháo gỡ các nút thắt cho nông nghiệp. Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là về đất đai, đề xuất sửa Luật Đất đai để tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp và phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang