Bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 - 2 con?

author 06:17 22/07/2013

"Việt Nam đang bước vào thời kỳ của xu hướng già hoá dân số và đứng trước nguy cơ "già nhưng chưa giàu". Việc quy định cứng nhắc về số con hiện nay là không cần thiết nữa".

GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên.

Chẳng ai dám đẻ nhiều nữa

Thưa ông, Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá gia đình đang tiến hành tổng kết công tác 10 năm chính sách dân số. Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi chính sách dân số cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Quan điểm của ông thế nào?

Chính sách kế hoạch hoá gia đình 50 năm qua đã tạo ra xu hướng giảm mức sinh của Việt Nam, đặc biệt là từ nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Năm 1970, mỗi phụ nữ Việt Nam có trung bình 6,8 con, đến năm 1990 đã giảm xuống còn 3,1 con và hiện nay là 2 con. Đã đến lúc phải có sự điều chỉnh về chính sách dân số cho hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Nhưng để thay đổi một chính sách lớn như vậy thì phải có nhiều lý do, chứ không chỉ một vài con số đó?


Đúng thế. Vấn đề là 50 năm nay chúng ta theo đuổi chính sách kế hoạch hoá gia đình mà từ năm 2003 chúng ta đã đạt được rồi. 10 năm nay chúng ta đã đạt được mức sinh thay thế. Thế hệ bước vào độ tuổi sinh đẻ hiện nay hầu hết là sinh năm 1975 trở lại đây, đó là một thế hệ hoàn toàn mới. Thế hệ đó được giáo dục tốt, học vấn cao, vị thế xã hội khẳng định, thậm chí ở bậc đại học và cao đẳng, tỷ lệ nữ còn nhiều hơn nam. Về kinh tế thì chúng ta là nước có thu nhập trung bình rồi. Khát vọng chung là nâng cao chất lượng cuộc sống, chứ không phải là con đàn cháu đống nữa. 

Nhưng nếu đông con thì người ta sẽ không thể có một chất lượng sống tốt?


Đúng là thế. Nhưng mà giờ chẳng ai dám đông con nếu điều kiện kinh tế yếu kém, nghèo khó, chất lượng sống thấp. Nên dù chính sách có cấm hay không thì cái nhận thức, ý thức tự giác của mỗi người cũng đã đạt đến độ tự điều chỉnh được rồi. Ý tôi muốn nói là chúng ta có các điều kiện phù hợp để thay đổi chính sách về dân số.

Thực tế là không ít người thích, muốn sinh nhiều con. Tâm lý có con nối dõi tông đường, con đàn cháu đống, vẫn còn phổ biến?

Thực ra số đó không nhiều đâu. Nếu có điều kiện kinh tế, có điều kiện nuôi dạy con tốt thì việc sinh nhiều con không phải là vấn đề lớn. Nhưng có mấy người có điều kiện như thế?

 

GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân.


Sợ nhất là người già không nhà, không của cải

Nếu xét từ mục tiêu giảm mức sinh từ năm 1989 chúng ta đặt ra thì bức tranh dân số hiện nay rõ ràng đang rất sáng sủa?


Thì như tôi vừa nói, mục tiêu này đã đạt được từ lâu rồi. Theo điều tra của Tổng cục Dân số thì tỷ lệ sinh con thứ 3 ở thành phố khoảng 9%, ở nông thôn là 14%. Trong 10 năm qua thì tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm dần, từ 24% xuống còn 14% trong cả nước.

Có được điều đó là vì ta đang thực hiện chính sách dân số?

Luật chúng ta quy định thế như thực ra thì không có chế tài kèm theo. Mới chỉ có các đảng viên bị xử lý khi sinh con thứ 3. Vậy thì nó cũng không khác gì một cuộc vận động. Thế thì cái kết quả ấy chính là sự tự giác trong nhận thức của người dân, chứ không phải do chế tài nào bắt buộc.

Thế thì sẽ có gì thay đổi nếu thay đổi chính sách dân số?


Thế giới người ta nhìn vào chúng ta để có những nhìn nhận đúng và chuẩn xác về chính sách dân số. Nghĩa là ở góc độ pháp luật, chúng ta phải hoàn thiện dần.

Một trong những vấn đề của dân số hiện nay là tỷ lệ người già bắt đầu cao, cụ thể thế nào thưa ông?


Tôi nói rằng đây là nguy cơ "già nhưng chưa giàu" của dân số. Nước ta rõ ràng chưa giàu, thu nhập nằm ở cận dưới trung bình mà đã có đến 10% người cao tuổi, nghĩa là đã bước vào quá trình già hoá dân số. Theo tính toán thì 17 năm nữa, chúng ta sẽ có 20% người cao tuổi, tức là đã nằm trong ngưỡng của dân số già. Nhưng liệu 17 năm nữa, nước ta đã thực sự trở thành nước phát triển, có thu nhập trung bình cao so với thế giới? Điều này là rất khó.

Có khả năng nào để chúng ta điều chỉnh, biến thành nước có dân số "giàu khi già"?

Có khả năng, nhưng kinh tế phải phát triển rất mạnh mới đạt được, nên cái khả năng đó là khó. Câu chuyện "già trước khi giàu" là một nguy cơ có thể nhìn thấy ngay bây giờ. Nếu một người 60 tuổi mà nhà không có, tiền tiết kiệm không có, đồ đạc không có, con cái không có công ăn việc làm ổn định... thì cảnh già thật là bi đát.

Ở góc độ xã hội thì bức tranh đó sẽ thế nào?

Xã hội cũng là bức tranh thu nhỏ của gia đình thôi. Giả sử có đến 20% người già mà đường xá chưa phát triển, nhà cửa chưa xây dựng, các phúc lợi xã hội không có... thì cuộc sống sẽ cực kỳ khốn khổ.

Nhiều chỉ báo đáng ngạc nhiên

Có người lo lắng rằng đa số người dân Việt Nam sinh sống ở các vùng nông thôn, miền núi. Việc tự xác định số con sẽ là một nguy cơ làm cho bùng nổ dân số?

Đúng là đa số người dân sống ở các vùng nông thôn, miền núi (gần 70%) nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 ở nông thôn thì  giảm rất nhiều, hiện chỉ khoảng 14% thôi. Rồi số đó còn bù cho những người vô sinh, rủi ro tai nạn giao thông, người 1 con. Thế nên tỷ lệ đó chưa phải là cao.

Vậy chính sách dân số phải thay đổi sẽ là gì?

Trước đây chúng ta quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 - 2 con. Theo tôi thì chúng ta không cần phải quy định như vậy nữa. Mô hình mỗi cặp vợ chồng 2 con rất phổ biến rồi. Thế hệ trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay không phải là thế hệ lạc hậu, quan niệm sinh đông con nhiều cháu mới tốt. Họ nghĩ đến nâng cao chất lượng cuộc sống nhiều hơn. Ta không quy định cứng nhắc mà tập trung tuyên truyền cho tốt, đảm bảo chất lượng cuộc sống cao. Cùng với đó là cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình có chất lượng cao nhất.

Nghĩa là mỗi người tự quyết định số con của mình?

Đúng thế. Mỗi người phải tự đảm bảo các điều kiện sống tốt nhất cho con mình và tự xác định số con của mình và khoảng cách giữa các lần sinh.

Liệu chúng ta sẽ tiến tới việc khuyến khích sinh con?

Việc khuyến khích sinh nhiều con là chưa phù hợp với điều kiện hiện nay ở Việt Nam. Ở những nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, một số nước phương Tây, họ khuyến khích sinh nhiều con vì xã hội họ đã phát triển ở mức cao.

Trong điều kiện kinh tế như thế nào thì người ta mới khuyến khích sinh?

Đó là những nước phát triển với mức sinh quá thấp. Phúc lợi xã hội lớn, người dân quan tâm nhiều đến nâng cao đời sống. Đó cũng là quy luật của xã hội. Càng phát triển thì càng có nhiều lựa chọn. Ví dụ như họ lựa chọn hoạt động xã hội, kinh doanh, du lịch, giao lưu... chứ không phải ở nhà nấu ăn, đẻ con.

Dân số Việt Nam đã bao giờ rơi vào tình trạng như hiện nay chưa thưa ông?

Theo tôi là chưa. Hiện có rất nhiều chỉ báo đáng ngạc nhiên. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh chưa bao giờ cao như hiện nay cả, 112 cháu trai/100 cháu gái, cá biệt có tỉnh như Hưng Yên 130 cháu trai/100 cháu gái. Chưa bao giờ Việt Nam đạt tới 10% người cao tuổi. Và cũng chưa bao giờ, mức sinh của Việt Nam lại thấp như 10 năm qua.

Xin cảm ơn ông! 

Theo Kiến Thức

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang