Bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường: Chuyên gia nói gì?

author 07:45 22/12/2019

(VietQ.vn) - Viện Dinh dưỡng Quốc gia và chuyên gia đều khẳng định, việc bổ sung 21 loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường là rất cần thiết

Bổ sung 21 vi chất là cần thiết

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1340/QĐ- TTg và Bộ Y tế ban hành Thông tư số 43/2014/TT- BYT quy định: “Bổ sung vi chất vào Chương trình Sữa học đường cần đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết và phải căn cứ cơ sở khoa học, giao Viện Dinh dưỡng chịu trách nhiệm về cơ sở khoa học”.

Với vai trò là đơn vị phải chịu trách nhiệm về cơ sở khoa học, Viện Dinh dưỡng đã có văn bản đề nghị bổ sung 21 loại vi chất với hàm lượng cụ thể của từng loại vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và đã khẳng định cơ sở khoa học được nêu ra nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em. Bộ Y tế cũng đã có một thời gian dài lấy ý kiến các doanh nghiệp và ý kiến của các nhà khoa học tạo một sự đồng thuận cao nhất để đưa ra được kết luận, việc bổ sung bao nhiêu vi chất là đủ.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc bổ sung 21 loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường là rất cần thiết và cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu về vitamin và khoáng chất hằng ngày của trẻ.

Trên cơ sở đề nghị này, ngày 5/12/2019, Bộ Y tế đã ký ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường. Quy định mới về sữa tươi dùng trong chương trình sữa học đường sẽ có hiệu lực từ ngày 20/1/2020.

Ngoài yêu cầu về hàm lượng của từng loại vi chất, Thông tư cũng yêu cầu nguyên liệu đầu vào của sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường phải bảo đảm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu ban hành kèm theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Bộ Y tế, Chương trình Sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt tại Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016.

Trong đó quy định các chỉ tiêu cần phải đạt được: Tăng tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40%; Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitaminD của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30%; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm; Chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 cm - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.

Ảnh minh họa 

Chuyên gia nói gì?

Mặc dù cơ sở khoa học đã có, cơ quan chức năng đã ban thành Thông tư, thế nhưng, nhiều thông tin trái chiều về việc liệu việc bổ sung 21 vi chất có là thừa khiến nhiều bậc phụ huynh vẫn mang một mối nghi ngại.

Tuy nhiên, trước những thông tin cho rằng, việc bổ sung 21 vi chất là thừa, là đang cho trẻ “uống thực phẩm chức năng”, một chuyên gia về dinh dưỡng khẳng định, theo khuyến nghị ngoài chất đạm, chất béo và đường bột, sữa học đường cần có các vitamin và chất khoáng khác gồm canci, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D và vitamin K2…, ngoài ra còn nhiều vitamin và chất khoáng khác nữa.

Trong Thông tư về Sữa học đường, hàm lượng của các vi chất dinh dưỡng được bổ sung đều ở mức chỉ khoảng 5-10% so với nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Như vậy, phải uống tới 10-20 hộp mới đạt được nhu cầu khuyến nghị/ngày. Và hơn nữa từ ngưỡng nhu cầu khuyến nghị này đến mức liều có thể gây hại thì lại càng rất xa.

Vị chuyên gia này cũng khẳng định, sản phẩm thực phẩm bổ sung khi đưa ra thị trường đều dựa trên nhu cầu khuyến nghị và các ngưỡng an toàn để bảo đảm các thực phẩm đem lại hiệu quả và an toàn cho người sử dụng.

Cũng ngay sau khi Thông tư 31 được ban hành, nhiều thông tin trên mạng xã hội lại tiếp tục thông tin bất lợi về nguồn nguyên liệu của một đơn vị lớn trong cung cấp Sữa học đường là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Đánh giá tin đồn này có thể gây ra sự hiểu nhầm, hoang mang cho người tiêu dùng, ngay lập tức, Vinamilk đã chính thức lên tiếng về nguồn nguyên liệu nhập khẩu và vùng nguyên liệu sữa tươi để sản xuất các sản phẩm sữa của công ty của công ty tại Việt Nam.

Vinamilk khẳng định để sản xuất các sản phẩm sữa bột (trẻ em và người lớn) và bột dinh dưỡng, ngoài việc sử dụng các nguyên liệu trong nước, Vinamilk đồng thời thực hiện việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Nguyên liệu sữa được Vinamilk nhập khẩu để sản xuất sữa bột đều có xuất xứ/nguồn gốc 100% từ các nước Mỹ, Australia, New Zealand, EU và Nhật Bản.

Về vùng nguyên liệu sữa tươi, theo ông Phan Minh Tiên, Giám đốc Điều hành Khối Marketing Vinamilk, để phục vụ sản xuất các sản phẩm sữa tươi, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu. Vinamilk hiện có 12 trang trại bò sữa, đồng thời công ty đang hợp tác và ký hợp đồng trực tiếp với gần sáu nghìn hộ chăn nuôi bò sữa.

“Đàn bò đang cung cấp sữa cho Vinamilk hiện có gần 130 nghìn con với sản lượng sữa tươi nguyên liệu bình quân từ 950 - 1.000 tấn/ngày. Theo kết quả nghiên cứu thị trường gần đây thì sản phẩm sữa tươi có nhãn hiệu Vinamilk 100% của công ty đang đứng đầu về sản lượng và doanh số bán ra trong phân khúc sữa tươi, ngành hàng sữa nước”, ông Tiên nói.

Với sự khẳng định rõ ràng và kịp thời của Vinamilk, những “người tiêu dùng thông thái” cũng nên cẩn trọng phân biệt thật giả trước các luồng thông tin trên mạng xã hội. Sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp và xa hơn là sự tồn tại của ngành chăn nuôi bò sữa, hơn lúc nào hết, đang trực tiếp gắn liền với sự hiểu biết của mỗi cá nhân chúng ta.

Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan sau năm năm triển khai Sữa học đường đã giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng, tăng chiều cao của trẻ em. Trẻ em Trung Quốc tăng thêm 2 cm và tại Thái Lan, trẻ em tăng thêm 5 cm sau khi uống Sữa học đường.

Năm năm qua, khi Việt Nam triển khai Chương trình Sữa học đường, nhiều tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỷ lệ trẻ em thoát suy dinh dưỡng đạt 21,7%, đặc biệt có trẻ cải thiện về chiều cao đạt 36,8%. Qua hai năm thực hiện tại tỉnh Kon Tum, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi giảm 3,55%, tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi giảm 0,97%.

Bảo Lâm (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang