Bộ Tài chính ‘nghi chuyển giá sữa’: ‘Đổ lỗi không chuẩn’?

author 06:41 16/05/2015

(VietQ.vn) - “Bộ Tài chính đã công bố nghi sữa chuyển giá thì phải xác định làm rõ, căn cứ ở đâu, chuyển cách nào?”.

Trong cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá nhận định, giá bán sữa bột của Việt Nam cho trẻ dưới 6 tuổi đang cao hơn các nước trong khu vực và cũng hé lộ khả năng doanh nghiệp sữa có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài.

Nghi vấn chuyển giá sữa được vị này dựa trên thông tin giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới có xu hướng giảm nhưng tờ khai của doanh nghiệp nhập khẩu qua hải quan không thấy đánh giá tới tác động giảm này.

Ngoài ra, ông Tuấn cho biết, theo tài liệu từ Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ Ngoại giao) cung cấp, giá bán trung bình trên kilogram của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi bước 1 - bước 4 (tất cả các nhãn hàng) của Việt Nam là 16 USD/kg; trong khi Thái Lan là 14 USD/kg; Philippines là 12,9 USD/kg; Malaysia là 10,9 USD/kg và Indonesia là 9,5 USD/kg. Như vậy, giá sữa trong nước đang đắt hơn các nước trong khu vực.

Bộ Tài chính ‘nghi chuyển giá sữa’: ‘Đổ lỗi không chuẩn’?

Có hay không doanh nghiệp chuyển giá sữa? Ảnh minh họa

Nói về nhận định này của lãnh đạo Cục Quản lý giá, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: chưa có cơ sở.

“Cục Quản lý giá đã nghi thì phải làm rõ. Nếu lấy lý do giá sữa nội đang cao hơn giá sữa trong khu vực 15-60% hay nguyên liệu đầu vào không giảm trong khi thế giới giảm để đưa vào nghi vấn không chuẩn, không có căn cứ”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Ông Long nhấn mạnh, các doanh nghiệp nếu chuyển giá rất tinh vi. Còn nếu nói tờ khai doanh nghiệp nhập khẩu không thấy giảm là chuyển giá là không đúng. “Đó là kê khai thôi”, chuyên gia này khẳng định. Theo đó, để xác minh được hành vi chuyển giá, cần làm rõ, công ty con phụ thuộc vào công ty mẹ như thế nào. Ngoài ra phải trả lời được câu hỏi: Tại sao khi sữa ở nước khác về Việt Nam lại đắt thế? Họ đã chuyển giá thế nào, hành vi ra sao, chi phí vận chuyển, thuế đắt đỏ thế nào?...

Nghi vấn này của Cục Quản lý giá được chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thẳng thắn: “Bản thân đơn vị không có đủ năng lực kiểm tra nên chỉ biết dựa vào các thông tin về giá sữa từ các cơ quan khác đưa qua rồi nghi vấn”.

Nói về bất cập khác trong công tác quản lý giá sữa của Bộ Tài chính, chuyên gia này còn thẳng thắn chỉ ra, việc áp trần giá sữa chứng tỏ “không am hiểu về sữa”.

các công ty có hàng loạt khả năng đối phó với giá trần bằng những yếu tố được công nhận trong cách tính giá trần, nhưng khó xác định chính xác, như: Khai tăng giá nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu từ công ty mẹ hoặc trung gian nước ngoài; khai tăng giá các phụ phí...

Việc áp dụng trần giá sữa của Bộ Tài chính khiến các doanh nghiệp có cơ hội thể hiện sự tinh vi hơn bằng các chiêu lách ngoạn mục. Bằng chứng là họ đã thay đổi nhãn mác, thay đổi công thức, khai tăng giá nguyên liệu nhập khẩu và  tăng giá các phụ phí và vẫn được công nhận trong cách tính giá trần nhưng khó xác định. Cuối cùng, người tiêu dùng vẫn chịu thiệt.

“Việc áp trần chứng tỏ cơ quan này không hiểu về nó. Doanh nghiệp báo cáo bao nhiêu lại công bố lại bấy nhiêu là vô nghĩa. Không biết chất lượng ra sao, vi lượng thế nào thì làm sao mà quản nổi nó. Tất cả chỉ là ngụy biện, che giấu năng lực điều hành hạn chế”, ông Long thẳng thắn.

Có một sự mâu thuẫn ở đây được chuyên gia này chỉ ra là hiện thực tuy thực hiện áp trần nhưng chính cơ quan này lại không nắm rõ được chi phí cụ thể.

“Cơ quan quản lý nói bình ổn giá sữa nhưng thực ra là luôn bất ổn. Thị trường sữa là con ngựa bất kham mà cơ quan quản lý không cầm được cương”, ông Long ví von.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang