Bỏ Tết cố truyền vì theo lịch Trung Quốc: Suy nghĩ thiển cận!

author 07:12 08/01/2014

(VietQ.vn) - Trước quan điểm nên ăn Tết ta theo Tết dương vì suy cho cùng, tết nguyên đán bấy lâu vẫn theo lịch Trung Quốc, đại diện ngành văn hóa nhận định đó là lối suy nghĩ thiển cận.

Xung quanh tranh luận nên gộp tết ta vào tết tây, ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), đã có cuộc trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam.

Gần đây, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình nên gộp kỳ nghỉ Tết ta vào Tết tây cho phù hợp với thời buổi hội nhập kinh tế. Ý kiến của ông về đề xuất này?

Có lẽ đây chỉ là quan điểm của một bộ phận nhỏ chứ không phải đại diện cho ý trí của cả dâ tộc. Không chỉ riêng tôi mà  đại bộ phận nhân dân đều không đồng tình quan điểm nhập 2 Tết tây với Tết ta là một. Tôi cũng khẳng định từ trước tới nay, ngành văn hóa cũng chưa bao giờ đặt ra vấn đề này, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta vẫn duy trì tết cổ truyền như nét đẹp của bản sắc văn hóa  bởi những yếu tổ sau:

Thực tế  người Việt nói riêng cũng như người phương Đông khởi nguồn của họ là cư dân nông nghiệp lúa nước. Cùng với lao động sản xuất, cuộc đời của họ gắn liền với nông lịch (lịch âm) . Chính vì thế nghi lễ của vòng đời con người  từ ma chay, cưới xin tới giỗ chạp, rồi những dấu ấn sinh lão bệnh tử....tất cả đều gắn với nông  lịch. Vòng thời gian theo tiết trời xuân-hạ-thu-đông đã  ăn sâu vào tiềm thức của người phương Đông, trở thành nét văn hóa đặc trưng. Trong khi đó Lịch Tây được sử dụng khi chủ nghĩa thực dân xâm nhập, đánh dấu chu kỳ sản xuất công nghiệp nên không thể gắn bó với người dân Việt như lịch âm được.

Ông Vương Duy Bảo, Cục Phó Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH-TT&DL)

Tết Nguyên đán cũng là mốc thời gian vô cùng quan trọng đánh giá thành quả một năm lao động sản xuất, một năm trưởng thành của con người về cả trí tuệ lẫn thể xác, một năm để gặp mặt sum họp gia đình. Đây còn  là dịp thể hiện đạo lý người Việt, uống nước nhớ nguồn, gia đình đoàn tụ hạnh phúc. Giữa những nếp nghĩ, quan niệm truyền đời như vậy, không thể nào áp đặt thay đổi nét  bản sắc văn hóa đặc trưng được .....

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên xác định lại bản sắc văn hóa Việt khi Tết cổ truyền của ta là theo lịch Trung Quốc...

Nói như thế thể hiện lối suy nghĩ thiển cận....Chúng ta không nên lồng nhãn quan chính trị vào bản sắc văn hóa. Văn minh Trung Quốc được cả thế giới công nhận là nền văn minh của nhân loại. Văn hóa là sự giao thoa và tiếp biến, chúng ta mở cửa hội nhập tiếp thu văn minh tiên tiến của nhân loại làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Mặt khác,  cách nói như trên cũng đi trái với quan điểm lịch sử. Nhìn lại lịch sử hình thành mảnh đất phía nam các nước dọc bờ biển Đông, đều thuộc nhóm Bách việt, xa xưa là một, chỉ tới khi xã hội phân chia giai cấp mới xuất hiện quốc gia, lãnh thổ có cương vực địa giới...

Tết Nguyên đán là dịp thể hiện đạo lý người Việt, uống nước nhớ nguồn, gia đình đoàn tụ hạnh phúc...(ảnh minh họa)

Nói về hội nhập, không chỉ có văn hóa mà cả về mặt kinh tế, phải chăng ta cũng nên để tâm tới bạn hàng nước ngoài, khi chúng ta nghỉ tết nguyên đán thì họ vẫn làm việc bình thường?

Đó chỉ là cách đặt vấn đề một chiều. Tại sao ta không hỏi người Tây được nghỉ  từ noel tới tết dương lịch mà  chúng ta cũng phải chấp nhận?  Tại sao họ không theo mình, và tại sao mình lại  phải theo họ?

Đã là văn hóa thì phải được đối xử bình đẳng. Quan điểm của Đảng đã khẳng định Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới, và một khi  là bạn thì phải xòng phẳng . Việc chúng ta trân trọng giữ gìn bản sắc văn hóa của mình chính là thể hiện ý thức tự hào dân tộc, về nét đẹp văn hóa truyền thống mà những nước khác không có...

Cho đến nay chỉ còn Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam còn duy trì  Tết âm lịch, các nước khác ở châu Á hiện đã gộp 2 tết là một, ông nghĩ sao?

Không nên đặt nặng vấn đề này. Tôi xin mượn lời của chính một vị tiến sĩ người Mỹ sang nghiên cứu văn hóa tại Việt Nam : "Trong thời đại ngày nay, nếu một dân tộc không hiểu biết về mình, dân tộc đó  sẽ sớm bị diệt vong". Điều này cũng có nghĩa nếu mình không có bản sắc dân tộc không hiểu về văn hóa của mình thì  cũng khó có vị thể để tồn tại.

Nhân đây, tôi cũng muốn nhắc lại thời khắc giao thừa tới nay vẫn được coi là thời khắc thiêng liêng của cả dân tộc. Dù ai có đi xa cũng không thể quê cảm giác trong đêm giao thừa được hít hà không khí năm mới ùa vào trong nhà, cùng với hình ảnh con cháu quây quần dưới bàn thờ tổ tiên … Chỉ từng đó thôi cũng đủ  gắn kết người Việt dù đang ở bất kỳ nơi đâu. Cũng nhờ tới thời khắc thiêng liêng ấy mà hàng triệu người Việt xa xứ vẫn nhớ về cội nguồn tổ tiên, về dân tộc....

Xin cám ơn ông!

Hoàng Vũ (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang