Bổ thận tráng dương từ thần dược núi rừng không phải ai cũng biết

authorTrần Thanh 10:00 12/11/2016

(VietQ.vn) - Bổ thận tráng dương bằng những bài thuốc quý được làm từ củ mài không phải ai cũng biết.

Sự kiện: Sức khỏe sinh sản

Theo Gia đình và xã hội, cây củ mài thuộc họ dây leo quấn, thân nhẵn, hơi có góc cạnh, màu đỏ hồng, thường mang những củ nhỏ ở nách lá (dái mài). Rễ củ đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất đến hàng mét, hơi phình ở phía gốc, vỏ ngoài có màu nâu xám, thịt mềm màu trắng. Lá mọc so le hay mọc đối, hình tim, cụm hoa đơn tính gồm các bông khúc khuỷu, màu vàng. Để làm thuốc, bà con đào củ vào mùa hè - thu khi cây đã lụi, mang về rửa sạch, gọt vỏ cho vào lò xông lưu huỳnh 2 ngày đêm, sau đó phơi sấy cho đến khô.

Bổ thận tráng dương từ củ mài (Ảnh minh họa) 

 

 Củ mài trong Đông y gọi là Hoài sơn, mọc hoang trong rừng, cả Bắc Trung Nam đều có, cũng là một vị thuốc  bổ có vị ngọt, tính bình vào các kinh tỳ, vị, phế, thận (tụy, dạ dày, phổi, thận). Có tác dụng ích thận khí, bổ dưỡng tỳ vị phế và thận, thanh nhiệt và điều hòa khí huyết. Củ mài dùng để điều trị các bệnh: thận dương kém, dương sự yếu, đi tiểu đục, tỳ vị hư yếu, đại tiện lỏng. Khi kết hợp với mật mía thì có tác dụng bổ thận, bổ tỳ và có nhiều trong các bài thuốc Đông y.

Theo Người lao động, sau đây là các bài thuốc bổ thận tráng dương: 

Bài thuốc “Tư sinh Thận khí hoàn”

Thành phần: Thục địa 16 g, đan bì 8 g, hoài sơn (củ mài) 12 g, sơn thù 8 g, nhục quế 6 g, phục linh 12 g, trạch tả 8g, xa tiền tử 12 g, ngưu tất 8 g, phụ tử chế 6 g.

Các vị thuốc trên tán bột mịn quyện với mật mía, làm viên hoàn mỗi viên 5 g, ngày uống 2 lần mỗi lần 2 viên sau khi ăn sáng và ăn tối, uống với nước đun sôi để ấm. Bài thuốc có tác dụng điều trị chứng tỳ thận hư yếu, ăn ngủ kém, đau lưng, tiểu tiện không thông (hay đái rắt) nam giới dương sự kém, phụ nữ lãnh cảm tình dục.

Bài thuốc “Sơn dược hoàn”

Thành phần: Hoài sơn (củ mài) 16 g, cửu thái tử (hạt hẹ)12 g,  sơn thù 6 g, thỏ ty tử (hạt tơ hồng) 12 g, thục địa 12 g, xa tiền tử (hạt mã đề) 12 g, phụ tử chế 6 g, nhục quế 6 g.

Tán bột các vị thuốc trên với mật mía, mỗi viên 5 g, ngày uống 2 lần mỗi lần uống 2 viên trước khi ăn sáng và ăn tối. Đây là bài thuốc đại bổ thận tráng dương. Điều trị chứng hạ nguyên hư suy, thận suy dẫn đến vô sinh.

Bài thuốc “Sơn dược thang”

Thành phần: Củ mài 20 g, bạch truật 20 g, cam thảo 8 g, cát căn (sắn dây) 20 g, hoàng kỳ 20 g, đảng sâm 20 g. Mỗi ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày để trị bệnh tiểu đường.

Một số bài thuốc quý thường dùng

Cháo bổ tỳ: Củ mài 50g, khoai sọ 200g, gạo tẻ 50g, nấu cháo ăn trong ngày. Thường xuyên ăn món cháo này có tác dụng ích khí (tăng thể lực), bổ tỳ vị (tăng cường chức năng tiêu hóa), dùng chữa chứng đuối sức, mệt mỏi, kém ăn, miệng khát, hay phiền táo.

Chữa suy nhược cơ thể sau viêm đại tràng, loét dạ dày - tá tràng, rối loạn tiêu hóa kéo dài: Củ mài 12g, bố chính sâm 16g, bạch truật 12g, biển đậu 12g, ý dĩ 12g, vỏ quýt 6g, hạt sen 12g, hạt cau 10g, nam mộc hương 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 2 lần. Dùng 7-10 ngày.

Chữa chán ăn, khó tiêu do tỳ vị hư nhược: Củ mài 100g, khiếm thực 100g, xuyên tiêu 30g, gạo nếp 1.000g, đường trắng 30g. Gạo nếp ngâm một đêm, vo sạch, để khô, rang chín, tán bột. Củ mài, khiếm thực, xuyên tiêu đều sao qua, tán bột. Trộn đều hai thứ bột với nhau để sẵn. Mỗi lần ăn, lấy 30 - 60g pha với nước sôi và một ít đường trắng.

Chữa suy dinh dưỡng ở trẻ: Củ mài 20g, gạo 50g, biển đậu 10g, lòng đỏ trứng gà 1 cái, đường trắng 20g. Củ mài sấy khô. Gạo, biển đậu đều xay thành bột. Trứng gà luộc bóc lấy lòng đỏ, cho vào bột gạo dầm nát trộn đều. Tất cả cho vào nồi thêm 200ml nước đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín cho đường quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần, ăn liền 15 ngày.

Tẩm bổ gan, thận: Củ mài 15g, vừng đen 120g, đường đỏ 20g, sữa bò 200g, đường phèn 100g, gạo tẻ 30g. Củ mài thái nhỏ. Vừng và gạo rang chín vàng nghiền nhỏ rồi cho nước vào quấy đều, lọc lấy nước trộn với sữa bò, đường phèn, đun sôi cùng củ mài quấy chín. Ăn trong ngày.

Ngoài các bài thuốc trên, củ mài còn làm thức ăn bổ dưỡng như: nấu chè củ mài với mật mía ăn vào mùa đông xuân để bổ thận sinh tinh, ấm tỳ vị. Củ mài hầm với chim bồ câu, hạt sen, ý dĩ, gạo nếp, đại táo giúp phụ nữ sau khi sinh ăn vừa bổ khí, huyết vừa có nhiều sữa.

Trần Thanh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang