Bỏ thi tốt nghiệp sẽ dẫn tới học lệch

author 14:13 01/08/2013

(VietQ.vn) - Nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, nền giáo dục của Việt Nam coi như hết mọi hy vọng, không còn gì để cứu được nữa.

Thời gian vừa qua, PGS Văn Như Cương cùng một số nhân sĩ khác đã từng đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, với lý do nó lãng phí và gần như 100% các em đều đỗ.

Trước các ý kiến đó, thầy giáo Bùi Việt Hà (nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, từng du học ngành Toán ở ĐH Tổng hợp Lomonosov, Nga), hiện đang là Giám đốc Cty Tin học và Nhà trường, từng viết SGK Tin học, luyện thi đội tuyển Olympic Tin quốc tế, cho rằng: Thi Tốt nghiệp THPT chỉ được bỏ đi khi Nhà nước đảm bảo cho tất cả học sinh có quyền được học và tốt nghiệp THPT ở quy mô toàn quốc gia (giống như phổ cập giáo dục tiểu học). Đương nhiên, điều này chưa thể thực hiện ngay được.

Không nên bỏ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Petrotimes.
Không nên bỏ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Petrotimes.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT là kỳ thi về bản chất chỉ cần lấy bằng, tức là chỉ có kết quả "đỗ" hoặc "trượt". Kỳ thi này theo đúng nghĩa sẽ phải là kỳ thi nghiêm túc, không cạnh tranh và ganh đua để xếp loại, do đó kỳ thi này không tạo ra sự căng thẳng. Mặt khác người học cần 1 bằng chứng nhận tốt nghiệp THPT theo đúng nghĩa để dùng bằng này đi học, đi làm. Nếu không có nó thì sẽ ra sao?

Kỳ thi tuyển sinh ĐH là kỳ thi phân loại, rất căng thẳng. Chính kỳ thi này gây ra bức xúc xã hội, là nguyên nhân gây ra sự học thêm, dạy thêm lãng phí. Đáng lẽ cần bỏ kỳ thi này, tiến tới từng trường tuyển sinh thì lại giữ lại và bỏ kỳ thi kia đi.

Về khía cạnh vĩ mô của giáo dục trong xã hội, nhà nước không thể tổ chức các kỳ thi quốc gia theo kiểu xếp loại, gây căng thẳng (như kỳ thi vào 10, vào ĐH hiện nay), mà nhà nước chỉ nên tổ chức ở cấp quốc gia các kỳ thi lấy văn bằng chính thức, không gây căng thẳng và tạo ra sự công bằng khi đánh giá việc học của học sinh. Do vậy nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ kéo theo hệ lụy là sẽ không bao giờ bỏ được kỳ thi vào ĐH nữa, và sự căng thẳng xã hội sẽ vẫn còn tồn tại mãi.

Hiện tại nếu nhìn vào thực trạng, có 2 kỳ thi cách nhau 1 tháng, trong đó kỳ thi thứ nhất gần như đỗ 100%, kỳ thi thứ 2 căng thẳng quá, do vậy nhiều người đề xuất nên bỏ kỳ thi đầu tiên đi. Với đa số giáo viên, phụ huynh, học sinh,  họ sẽ giơ cả 2 tay đồng ý bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT! Nhưng đó chỉ là cách nhìn ngắn hạn, không xa. Nhìn xa hơn là chúng ta đã bỏ đi, thả lỏng một đầu ra quan trọng (đã bỏ thi THCS rồi), và siết lại đầu vào thi ĐH, đó là việc làm ngược đời.

Đáng lẽ việc cần làm là: bỏ kỳ thi ĐH, cho các trường ĐH tự tuyển sinh. Nhà nước chấn chỉnh lại căn bản kỳ thi tốt nghiệp THPT bằng cách qui định lại chuẩn kiến thức, chuẩn đề thi. Kỳ thi này sẽ được tiến hành nhiều lần trong năm học, cho phép bảo lưu các môn thi đạt yêu cầu. Tiến tới giao cho các công ty chuyên nghiệp lo việc thi này, độc lập với Nhà nước.

Nhà nước chỉ thanh tra, kiểm soát chất lượng. Khi đó việc thi tốt nghiệp THPT sẽ nhẹ nhàng, không căng thẳng và đúng thực chất. Nhà nước cho phép học sinh thi nhiều lần cho đến khi đỗ thì thôi. Học sinh tốt nghiệp THPT sẽ được đăng ký vào bất kỳ ĐH nào mình muốn, và phải trả qua kỳ thi tuyển của riêng trường này, sẽ không tạo ra căng thẳng xã hội nữa.

Nếu bỏ thi tốt nghiệp sẽ dẫn đến học lệch?

Bình luận về đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT, nhiều người lo lắng, nếu làm như vậy sẽ dễ dẫn đến tình trạng học lệch các môn thi ĐH, coi nhẹ các môn khác.

Ngay cả hiện nay, khi có kỳ thi này, nhiều học sinh vẫn coi thường các môn Văn, Sử, Địa. Nên nếu bỏ sẽ càng coi thường hơn.

Phương Linh

(ghi)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang