Bỏ trần lãi suất ngân hàng

author 08:49 08/11/2012

Nếu không quản lý được việc các nhà băng lách trần như hiện nay thì nên dỡ bỏ trần lãi suất để trả lại mặt bằng lãi suất theo cung – cầu và tránh việc đẩy các ngân hàng vào rủi ro pháp lý nghiêm trọng.

Đề xuất trên được Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - nêu lên tại buổi tọa đàm đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ 10 tháng đầu năm 2012 và khuyến nghị chính sách ở Hà Nội vừa qua.

Theo ông Nghĩa, hiện không còn dư địa nào để Ngân hàng Nhà nước có thể hạ thêm lãi suất. Sắp tới có nên tiếp tục duy trì trần lãi suất nữa không? Về câu hỏi này, ông Nghĩa cho rằng nên dỡ bỏ. Ông lý giải: "Nếu tiếp tục, sẽ đẩy hàng loạt ngân hàng thương mại đang huy động lãi suất cao hơn vào rủi ro pháp lý rất nghiêm trọng, làm tính minh bạch của hệ thống giảm xuống. Bởi chúng ta quy định nhưng họ không nghe và chúng ta lại không làm gì được thì tốt nhất nên bỏ".

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Mục đích của việc bỏ trần lãi suất theo các chuyên gia là để tạo lập lại cơ chế thị trường cho lãi suất. Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Mùi – giám đốc trường đào tạo nhân lực Vietinbank cho rằng cũng không thể ép cùng một trần lãi suất với nhiều ngân hàng. Bà Mùi nói: "Không thể có giá chung cho những ngân hàng phạm vi hoạt động khách nhau, năng lực khách nhau, vốn khác nhau được".

Về câu chuyện lách trần lãi suất vài tháng gần đây, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng nguyên nhân do một số nhà băng yếu kém đang thiếu thanh khoản, họ cần huy động nhiều tiền để bù đắp trạng thái. Tuy nhiên, không riêng gì ngân hàng nhỏ, không ít "ông lớn" cũng vào cuộc đua lãi suất huy động như trong thời gian qua. Về những trường hợp này, ông Nghĩa cho rằng, các ngân hàng lớn cũng phải làm vậy vì họ sợ mất khách. Ông Nghĩa lấy ví dụ, nếu anh là khách hàng lâu năm, đang gửi ngân hàng tôi một tỷ mà mãi anh không được tăng lãi suất trong khi các nhà băng khác thì tăng, rất có khả năng ngân hàng tôi sẽ mất khách.

Về những được, mất sau khi dỡ bỏ trần lãi suất, ông Nghĩa cho rằng cái được sẽ nhiều hơn. "Bởi chuyện trần, sàn lãi suất đã có từ trước, việc phá rào cũng có từ trước. Nếu kiên quyết giữ trần thì không có lực lượng thanh tra nào đủ để đi xử lý. Nếu phá bỏ trần nguy cơ lãi suất tăng lên nhưng cũng tăng theo cung cầu thị trường thôi chứ không thể tăng vô chừng được", vị chuyên gia này phân tích.

Để tránh những hậu quả sau khi dỡ bỏ trần lãi suất như các nhà băng đẩy lãi suất cao ồ ạt, ông Nghĩa cho rằng: "Ngân hàng Nhà nước cần tuyên bố chỉ có trách nhiệm bảo vệ lợi ích người gửi tiền chứ không có nghĩa vụ bảo vệ ngân hàng yếu kém dẫn đến phá sản". Điều này sẽ giúp người gửi tiền tự biết đâu là ngân hàng tốt nhưng lãi suất vừa phải để đem tiền đến gửi thay vì lao vào những nhà băng thanh khoản kém kêu gọi lãi suất cao ngất ngưởng.

Theo VnEconomy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang