Bộ trưởng Công Thương: Tăng cường hợp tác nội khối, thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng ASEAN

author 19:16 04/06/2020

(VietQ.vn) - Là Chủ tịch Năm ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ trì 2 hội nghị trực tuyến đặc biệt của ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với đại dịch Covid-19, đạt được đồng thuận cao về việc tăng cường hợp tác nội khối, thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng ASEAN.

Sự kiện: CHUYÊN TRANG ASEAN 2020: TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG THÚC ĐẨY HỘI NHẬP KINH TẾ KHU VỰC

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi họp báo về các kết quả của 2 hội nghị trực tuyến đặc biệt của ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với đại dịch Covid-19 chiều ngày 4/6/2020 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trực tuyến đặc biệt về ứng phó đại dịch Covid-19 (AEM) đã chính thức thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng. 

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, với tư cách là Chủ tịch của Năm ASEAN 2020, Việt Nam đã tổ chức hàng loạt hội nghị ở nhiều cấp khác nhau, từ cấp Cao, cấp Bộ trưởng, cấp Vụ và cấp chuyên viên.

Trong ngày 4/6/2020, ASEAN cùng 3 nước đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (gọi tắt là ASEAN + 3) đã tổ chức hai hội nghị trực tuyến đặc biệt về ứng phó với đại dịch Covid-19 tại Hà Nội. Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc cùng chung tay hợp tác để đối phó và ngăn chặn đại dịch trong khu vực, góp phần ngăn chặn đại dịch trên toàn thế giới.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trực tuyến đặc biệt về ứng phó đại dịch Covid-19 (AEM) tổ chức sáng ngày 4/6/2020 với sự tham gia của Bộ trưởng Kinh tế 10 nước thành viên ASEAN và Tổng thư ký ASEAN, đã chính thức thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng.

Hội nghị đã đạt được một số kết quả quan trọng với việc thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường trong khu vực, khiến nhiều hoạt động hợp tác chính trị, kinh tế bị ngưng trệ và trì hoãn.

Bản Kế hoạch Hành động Hà Nội được xây dựng trên cơ sở Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN do Việt Nam đề xuất, thúc đẩy và được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp vào tháng 3/2020.

Kế hoạch hành động Hà Nội bao gồm các biện pháp cụ thể nhằm phục hồi nền kinh tế ASEAN như: đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể: các hàng hóa thiết yếu, bao gồm cả thực phẩm, dược phẩm cũng như các chuỗi cung cấp thuốc liên quan đến dịch Covid-19; tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các nước ASEAN trong việc đối phó đại dịch; Hạn chế áp dụng các biện pháp phi quan thuế đối với việc xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa thiết yếu, dược phẩm có liên quan đến dịch Covid-19; Tăng cường kết nối chuỗi cung ứng trong cả ngắn và dài hạn, do xác định dịch sẽ có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ngay sau Hội nghị cấp Bộ trưởng Kinh tế trong nội bộ ASEAN, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng đã có cuộc họp trực tuyến đặc biệt với các Bộ trưởng Kinh tế của ba nước đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, thông qua Tuyên bố chung của ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

 
Việc các nước ASEAN+3 thông qua Tuyên bố chung và chuẩn bị Kế hoạch hành động cụ thể cho thấy rõ hơn sự đồng thuận và hợp tác của ASEAN với ba nước Đối tác lớn trong khu vực với tinh thần “Gắn kết và Chủ động Thích ứng” nhằm ứng phó với dịch COVID-19 cũng như sẵn sàng đối mặt với các thách thức khác trong tương lai.
 

Tuyên bố chung đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế áp dụng các biện pháp không cần thiết có thể ảnh hưởng tới dòng lưu chuyển của hàng hóa thiết yếu, thuốc và vật tư y tế trong khu vực; tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan cho dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trong chuỗi cung ứng nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp hạn chế nhằm mục đích phòng chống dịch COVID-19; khuyến khích việc xây dựng các hướng dẫn cho phép di chuyển của thương nhân qua biên giới mà không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực năng chặn sự lây lan của vi-rút; nỗ lực tận dụng hiệu quả Quỹ Dự trữ gạo ASEAN+3 và tìm kiếm khả năng phát triển kho dự trữ vật tư thiết bị y tế thiết yếu; hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tận dụng công nghệ và thương mại số; thúc đẩy hợp tác hải quan để tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa ở cửa khẩu.

Để cụ thể hóa Tuyên bố chung Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3, các nước thống nhất sẽ tiếp tục xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN+3 với những biện pháp cụ thể hơn trong thời gian tới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận cao về các kế hoạch hành động, hợp tác, phương hướng cho thời gian tới để quyết tâm khắc phục hậu quả và ngăn chặn sự ảnh hưởng lây lan của đại dịch trong thời gian tới, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và không để bất kỳ nước nào, cộng đồng nào trong ASEAN bị tụt lại phía sau.

Đặc biệt, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những biện pháp giao thương thông qua môi trường trực tuyến và thương mại điện tử để tiếp tục thúc đẩy giao lưu thương mại hàng hóa hợp tác trong khu vực ASEAN nói riêng và với quốc tế nói chung- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang