Bộ trưởng Bộ Y tế 'bó tay' trước nhiều câu hỏi trên Facebook

author 14:02 05/02/2016

Ðến nay, Facebook của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhận được hơn 3.000 câu hỏi của người dân.

Một số câu hỏi spam, dùng khẩu ngữ, viết không dấu, khó hiểu… nên dù muốn trả lời, nhưng người đứng đầu ngành y tế cũng đành chịu.

Cuối tháng 10.2015, Văn phòng Chính phủ đưa vào thử nghiệm trang Facebook “Thông tin Chính phủ” như một cách tiếp cận ý kiến xây dựng của người dân. Và, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã là một trong Bộ trưởng đầu tiên “lắng nghe và thấu hiểu” nguyện vọng của người dân trên fanpage của mình.

“Tương tác” với dân

Ðịa chỉ fanpage trên Facebook (FB) của Bộ trưởng Tiến có cái tên đơn giản “Bộ trưởng Bộ Y tế” được thành lập từ tháng 2.2015. Dù mới hoạt động 9 tháng nhưng FB đã thu hút gần 310.000 like (thích). Thông tin được đăng tải trên FB là những hoạt động của Bộ trưởng, các thành tựu y học mới, các thông tin về bệnh tật, dịch bệnh.

Ðặc biệt, FB cũng dẫn nhiều đường link các bài báo viết về y tế, trong đó có cả những bài viết thẳng thắn nhìn vào ưu – nhược điểm của ngành y tế hiện nay.  Ðến nay, Bộ trưởng Tiến đã nhận được hơn 3.000 câu hỏi của người dân. Bộ trưởng và các vụ, cục, bộ, ngành khác đã trả lời được 2.500 câu; gần 200 câu chưa trả lời vì cần đợi các đơn vị xác minh từ phía địa phương. Ngoài ra, một số câu hỏi spam, dùng khẩu ngữ, viết không dấu, khó hiểu… nên dù muốn trả lời, nhưng người đứng đầu ngành y tế cũng đành chịu.

Thông qua Fanpage cá nhân, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo kịp thời tới Bệnh viện Bạch Mai để cứu cháu bé người dân tộc Vừ Mì Chá bị rắn cắn hồi tháng 4.2015. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Tiến còn có trang FB cá nhân với  “họ tên chính chủ” Nguyễn Thị Kim Tiến. Ở trang FB cá nhân bà chia sẻ thông tin về hoạt động riêng của mình, kèm theo những tấm ảnh đời thường khiến dư luận cảm thấy rất gần gũi.

Về lý do thành lập FB Bộ trưởng Tiến chia sẻ, hiện nay, đa số người dân đều sử dụng FB như một kênh thông tin quan trọng về mọi mặt của đời sống. Do đó, để tiếp cận, gần gũi hơn với người dân thì cần phải chia sẻ sở thích với họ. Ðây cũng là một kênh tuyên truyền hiệu quả, có thể giúp Bộ trưởng “tương tác” ngay với người dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhằm xây dựng những chính sách y tế đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu khám chữa bệnh, phòng bệnh của nhân dân.

“Tôi mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bức xúc kể cả sáng kiến của người dân nói chung, bệnh nhân nói riêng về cuộc sống, đặc biệt là về phòng bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe”- Bộ trưởng Tiến chia sẻ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bà cũng thích dùng FB để “chát” với bạn bè, người dân. Qua FB, bà có thể kịp thời nắm bắt thông tin nhiều chiều về cơ sở y tế tuyến dưới, những vấn đề y tế phát sinh, các giải pháp, góp ý về chính sách, nhằm giúp cho công việc quản lý, lãnh đạo ngành y tế được sáng suốt, hiệu quả hơn.

Hiệu quả nhờ  FB

Thông qua việc nắm bắt thông tin, kiến nghị trên FB cá nhân và trang fanpage, Bộ trưởng Tiến đã có nhiều chỉ đạo, can thiệp giúp đỡ kịp thời nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh nặng. Ðơn cử như tháng 4.2015, bé Vừ Mí Chá (2 tuổi, người Mông, trú tại tỉnh Cao Bằng) bị rắn độc cắn gây rối loạn đông máu, khả năng tử vong cao đã nhờ sự kêu gọi của Bộ trưởng Tiến. Nhận được thông tin của bạn đọc gửi đến FB của mình, Bộ trưởng Tiến đã có công văn đề nghị bệnh viện hỗ trợ cứu chữa cho bé Chá. Ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã yêu cầu các bác sĩ tích cực cứu chữa cho cháu bé, đồng thời ra lời kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. 

Cũng từ một bức tâm thư gửi trên FB của Bộ trưởng Tiến, em Phan Thị Trang (Diễn Châu, Nghệ An) – con gái của liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đã được Bộ trưởng giúp đỡ tìm việc làm gần nhà, ổn định cuộc sống...

Cùng qua FB và fanfage, bà Tiến đã nhận được phàn nàn của người dân về thủ tục tham gia bảo hiểm y tế còn rườm rà. Bộ trưởng đã có công văn gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam để điều chỉnh một số thủ tục để các hộ dân tham gia bảo hiểm y tế thuận lợi hơn.

Năm 2015, một trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành y tế là Phong trào “Thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Hầu hết các bệnh viện đã triển khai phong trào, bước đầu đạt được những thay đổi về chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ. Nhưng ít ai biết đây là 1 trong những kết quả do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp nhận ý kiến của người dân qua FB.

 “Với quyền hạn của mình, tôi luôn lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ những trường hợp thực sự cần sự chung tay của cộng đồng. Trường hợp nào chưa giải quyết ngay được thì tôi cũng yêu cầu các vụ, cục, các bệnh viện có liên quan kiểm tra, xử lý và trả lời phản ánh của người dân” – Bộ trưởng Tiến chia sẻ. 

Bộ trưởng Tiến cũng tâm sự, mạng xã hội là kênh giao tiếp đa chiều nên sẽ có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau, thậm chí là những phê bình sỗ sàng, thiếu văn hóa. “Tôi thông cảm với nhiều người do bức xúc quá mà nóng giận, dùng ngôn ngữ quá mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cũng nhờ sự thẳng thắn đó của các bạn mà tôi có thể tham khảo để điều chỉnh các hoạch định chính sách, đưa ra các chỉ đạo, điều hành cho sáng suốt, thiết thực hơn với người dân. Ðồng thời, tôi cũng mong người dân hiểu được, ngành y tế là ngành đặc thù, có tính rủi ro nghề nghiệp rất cao, áp lực cũng rất lớn. Rất mong người dân hiểu và cùng xây dựng một môi trường y tế thân thiện, vì người bệnh” – Bộ trưởng Tiến bày tỏ. 

Theo Dân Việt


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang