Bộ trưởng Cao Đức Phát xin Quốc hội 'minh xét' chuyện đất nông lâm trường

author 09:25 11/11/2015

Giải trình và làm rõ thêm vấn đề quản lý đất đai tại nông lâm trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã giải thích rõ, nông lâm trường không phải là nguyên nhân khiến cho bà con không có đất sử dụng.

Ngày 10/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát 

Qua báo cáo giám sát, nhiều vấn đề xung quanh việc quản lý đất đai tại các nông trường, lâm trường Quốc doanh được nêu rõ. Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát biểu làm rõ nhiều vấn đề được ghi trong báo cáo. Nhiều đại biểu băn khoăn về việc các nông trường, lâm trường quản lý đất đai lỏng lẻo, có biểu hiện "phát canh thu tô", hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm, hiện tượng bỏ hoang hóa, trong khi đó có nhiều hộ không có đất sản xuất.

Giải trình và làm rõ thêm vấn đề, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng nông lâm trường không phải là nguyên nhân khiến cho bà con không có đất sử dụng. Bộ trưởng Cao Đức Phát xin Quốc hội “minh xét” về vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nông lâm trường có quá trình lịch sử, cần nhìn tổng thể . Hiện nay, cũng có nhiều nông trường hoạt động hiệu quả. Chính nhờ nông trường mới hình thành ngành cà phê, cao su (ở miền Nam), ngành chè (miền Bắc) như hiện nay. Nhiều nông lâm trường phát triển đi đôi với bảo vệ an ninh tổ quốc. Có nông trường là những sư đoàn xung phong vào những nơi heo hút để phát triển kinh tế nơi này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Tôi băn khoăn về ý kiến của Đại biểu Quốc hội cho rằng đồng bào dân tộc thiếu đất ở là vì nông lâm trường. Tôi mong Quốc hội minh xét về điều này”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thẳng thắn nhận trách nhiệm: “Khuyết điểm chính của Bộ NN&PTNT là tổ chức thực hiện kém hiệu quả, Bộ cũng cố gắng làm nhưng chưa đạt”.

Mặt khác, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thừa nhận, việc thanh tra, xử lý sau thanh tra còn chậm. Các vụ việc rất phức tạp, kết luận rồi nhưng bà con vẫn không đồng ý.

Tiếp theo, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định, ban hành thông tư để có chính sách về vấn đề nông lâm trường và cơ cấu lại các nông lâm trường. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tiếp tục phối hợp.

Trước đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho biết, qua giám sát đã cho thấy hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, vườn cây lâu năm và hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều công ty nông, lâm nghiệp chưa cao. Hiệu quả sử dụng đất thấp, thất thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Hiện có hơn 428 nghìn héc ta đất chưa sử dụng, sử dụng vào mục đích khác để hoang hóa. Hiện các công ty còn nợ 51% tiền sử dụng đất, 20% tiền thuế phải nộp. Các nông, lâm trường quản lý đất đai là khá lớn, khoảng 8 triệu héc ta.

Theo ĐB Nguyễn Thị Khá, một vấn đề khác, việc tranh chấp, lấn chiếm giải quyết khiếu nại, thanh tra, kiểm toán theo báo cáo Chính phủ và địa phương cho thấy tình trạng tranh chấp vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên trong thời gian dài và nhiều vụ việc phức tạp, hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng trái pháp luật.

Hiện cả nước có 54 Công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng đang vi phạm chính sách về đất đai, trong đó diện tích tranh chấp hơn 18.000 hecta, 76 đơn vị đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm với diện tích hơn 59.000 hec ta, 34 đơn vị đang cho mượn, chuyển nhượng với diện tích hơn 5.000 héc ta, 6 đơn vị cho thuê lại với diện tích hơn 8.000 hecta. Nhưng qua giám sát đã cho thấy các diện tích nên trên còn khá lớn, trong giai đoạn 2004-2014 chỉ riêng 3 tỉnh Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk là gần 100.000 hecta.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) cũng chỉ ra, qua rà  soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường trên cả nước cho thấy công tác quản lý đất nông, lâm trường đang bị buông lỏng, vi phạm quy định về mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng, có những biểu hiện về vi phạm chính sách pháp luật về đất đai dưới nhiều hình thức khác nhau kéo dài mà không được xử lý dứt điểm, chuyển nhượng đất bất hợp pháp, giao khoán đất biến tướng sang khoán đất trắng, phát canh, thu tô hay mua đi, bán lại của các chủ nhận khoán. Một bộ phận cán bộ, người dân ở các thành phố khác, địa phương khác đến nhận khoán đất, mua lại hợp đồng khoán của công ty không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chờ cơ hội và lợi dụng để chuyển mục đích sử dụng bán đất để kiếm lời.

Cũng nói về trách nhiệm quản lý của bộ, ngành, địa phương, đại biểu  Lù Thị Lừu (Lào Cai) cũng chỉ rõ, việc lấn chiếm, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng đất trái phép. Hiện tượng để đất hoang hóa cụ thể số đất hiện nay chưa sử dụng 236.619 ha, trong khi đó người dân rất cần đất sản xuất thì chính quyền địa phương lại không thể giao đất được. Việc thu hồi đất của các nông, lâm trường sau khi sắp xếp lại thực hiện chậm, dẫn đến tình trạng đất không có chủ kéo dài, làm gia tăng tình trạng lấn chiếm đất trái phép.

Đại biểu Lù Thị Lừu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát xem xét các nông, lâm trường sử dụng đất không đúng mục đích, kém hiệu quả. Đề nghị Chính phủ thu hồi, điều chỉnh giao đất lại chính quyền địa phương quản lý để có đất giao cho các hộ nghèo sản xuất.

Theo Infonet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang