Bộ Trưởng Đinh La Thăng: Sân bay Long Thành chống ùn tắc cho Tân Sơn Nhất

author 21:36 04/06/2015

(VietQ.vn) - Một trong những lý do khiến việc xây sân bay Long Thành trở nên cấp thiết là do kỳ vọng chống tắc nghẽn giao thông trên bầu trời cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Đinh La Thăng đã trình bày Báo cáo về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Quốc hội hôm nay (4/6).

Theo Bộ Trưởng Đinh La Thăng, hiện nay cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất bị quá tải ở nhiều công đoạn như: thiếu chỗ đậu xe, lối vào sân bay khu hành khách, khu dịch vụ hành hóa; giao thông trên bầu trời bị tắc nghẽn...

Dự kiến từ năm 2017, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với thiết kế 25 triệu hành khách/năm.

Để chống tắc nghẽn giao thông trên bầu trời cho sân bay Tân Sơn Nhất có một phương án khác là cải tạo/mở rộng Sân bay quân sự Biên Hòa. Tuy nhiên, phương án này không khả thi bởi chi phí đầu tư cải tạo lớn rất lớn. Theo tính toán, sẽ phải bỏ ra tới 7,5 tỷ USD cho công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Sân bay quân sự Biên Hòa bị nhiễm độc điôxin và đây đang là căn cứ quân sự then chốt trong hệ thống phòng thủ quốc gia.

Nhiều phương án giảm tải khác cho sân bay Tân Sơn Nhất như khai thác các cảng hàng không Cần Thơ, Liên Khương... cũng không phù hợp vì mỗi cảng hàng không có vai trò riêng trong từng khu vực kinh tế, phục vụ cho một thị trường hàng không nhất định.

Do đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cần sớm đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận tải hàng không của khu vực này. “Việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cấp bách và cần thiết”, Bộ Trưởng Đinh La Thăng nói.

Đồng tình với ý kiến khó có thể mở rộng, nâng cấp sân bay quân sự Biên Hòa và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để kết hợp cùng khai thác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc mở rộng, nâng cấp Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm khó khả thi bởi 4 nguyên nhân chính.

Nguyên nhân đầu tiên là vì kinh phí rất lớn phải đầu tư cho việc thu hồi đất, đền bù, tái định cư, quá tốn kém. Số kinh phí này sẽ cao hơn nhiều so với phương án đầu tư xây dựng mới Cảng HKQT Long Thành.

Sân bay Long Thành

Mô hình sân bay Long Thành. Ảnh: VOV

Nguyên nhân thứ hai là do việc giảm hoạt động bay quân sự của Biên Hòa chỉ giúp giải tỏa bay chờ, chậm chuyến vào một thời điểm nhất định, không mang tính lâu dài và bền vững. Do đó sẽ không thể khai thác được hết công suất khai thác bay của sân bay Biên Hòa do xung đột với vùng bay quân sự.

Thứ ba là do xung quan cảng HKQT Tân Sơn Nhất có mật độ dân cư cao, sân bay này đang bị ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng, tiếng ồn máy bay có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.

Nguyên nhân thứ tư, cũng do cảng HKQT Tân Sơn Nhất nằm trong nội thành TP.HCM nên việc đưa, đón một lượng lớn hành khách ra vào cảng làm gia tăng áp lực giao thông trong thành phố do nguy cơ tắc nghẽn giao thông tại các cửa ngõ ra, vào sân bay.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, giá trị khái toán sau khi rà soát lại dự kiến vốn đầu tư sân bay Long Thành là 15,8 tỷ USD (trước đó 18,7 tỷ USD), trong đó Giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng). Vốn ODA ước tính 29.177 tỷ đồng, chiếm 26,5% tổng mức đầu tư của dự án. Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước ước tính 68.644 tỷ đồng, chiếm 62,4% tổng mức đầu tư của dự án.

Trần Quân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang