Bộ trưởng Giáo dục: "Các trường không làm được đề thi có thể nhờ Bộ"

author 08:15 29/12/2013

(VietQ.vn) - Trước việc các trường kêu ca về không có đội ngũ ra đề khi tuyển sinh riêng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa một "hướng thoát", là trường đó có thể nhờ Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề...

Là người cuối cùng phát biểu trong Hội nghị hôm 28/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã có màn diễn thuyết mà sau đó, hàng trăm Hiệu trưởng các trường phải đứng lên vỗ tay.

Chưa bao giờ dùng đến kiến thức Toán cao siêu

Mở đầu, người đứng đầu ngành Giáo dục nói về những thay đổi mang tính căn bản trong Đề án Đổi mới giáo dục. Đó chính là việc chuyển đào tạo cung cấp kiến thức sang bồi dưỡng năng lực, nâng cao kỹ năng...của người học.

Tuyển sinh riêng

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, Luật Giáo dục không cấm các trường nhờ Bộ ra đề hộ

Ông phân tích cách giảng dạy từ trước tới nay của chúng ta là thầy đọc - trò chép. Như thế, về bản chất là dù có bao nhiêu học sinh ngồi trong lớp thì việc học vẫn diễn ra giữa một thầy - một trò. Chính cách làm đó có thể tạo ra cho chúng ta nhiều tài năng riêng lẻ, nhưng vì lại không biết làm việc theo nhóm, vì ngay từ bé không được học theo nhóm.

Nên nếu đổi mới, bàn học sinh sẽ không "dàn hàng" như trước, mà quây lại theo nhóm, để học sinh có thể tự học cùng nhóm.

GS Phạm Vũ Luận cũng tâm sự, từ hồi phổ thông học về các khái niệm Toán học như giới hạn, logarit...cho đến nay, đã làm đến Bộ trưởng nhưng chưa bao giờ ông dùng đến các kiến thức này.

Vì thế, chương trình mới phải dạy những cái thiết thực với cuộc sống, bất chấp việc thầy cô các môn luôn coi mình là quan trọng. Một hướng làm sách giáo khoa là theo chương trình tích hợp: sẽ không còn các môn như Lý, Hóa, Sinh mà là Khoa học Tự nhiên; không còn các môn như Sử, Địa mà là Khoa học Xã hội.

Chương trình cấp dưới có thể vẫn học nhiều để các cháu nhỏ biết chữ, biết đọc, viết...nhưng càng lên cao, càng phân hóa, giảm tải.

Các trường hãy đến vì lợi ích đất nước

Dẫn dắt vấn đề đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ trưởng khẳng định, sẽ không làm được điều đó nếu các ĐH, CĐ không chịu đổi mới tuyển sinh. Vì nếu tiếp tục thi theo đề cũ (trước 3 chung) thì sẽ gây ra dạy thêm, học thêm...vì đề thi kiểm tra các kiến thức học sinh học, nên các em phải "nhồi nhét".

Với các trường "kêu ca" việc không có đội ngũ ra đề theo hình thức mới, GS Phạm Vũ Luận thẳng thắn chỉ ra mâu thuẫn, khi muốn "xin" lên ĐH, các trường viện đủ lý lẽ chứng minh mình có đủ năng lực. Nhưng đến khi Bộ yêu cầu tuyển sinh riêng, các trường lại kêu không đủ năng lực.

Dù việc ra đề riêng sẽ khiến lãnh đạo các trường gặp nhiều khó khăn, nhưng vì lợi ích đất nước, các trường phải nhận phần khó về mình. Nếu trường nào không đủ khả năng ra đề, có thể nhờ Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đề hộ.

Với một số đề nghị lùi thời hạn đổi mới tuyển sinh, GS Phạm Vũ Luận thẳng thắn chỉ rõ, việc đổi mới là cần thiết và nếu cứ trì hoãn thì không đến bao giờ mới thực hiện được.

Ông cũng nhắc nhớ một số lãnh đạo ĐH do không tìm hiểu kỹ phương thức tuyển sinh mới nên đã phát ngôn không chính xác trên các phương tiện truyền thông, gây hoang mang cho phụ huynh và học sinh.

Cuối cùng, Bộ trưởng cho biết, việc thi theo đề riêng đã được áp dụng thành công với khối trường nghệ thuật, áp dụng thí điểm tốt ở ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM.

PISA như một bức ảnh

Nói về kỳ thi PISA mà Việt Nam tham gia và đạt được thành tích tốt, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc tham gia như vậy là để các trường làm quen với cách đánh giá mới, tách việc đánh giá giáo dục khỏi các điểm số, vốn nặng nề trong các trường.

Nhưng dù sao, PISA cũng chỉ là một bức ảnh, có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định, dù có nhiều thông tin - người đứng đầu ngành Giáo dục khẳng định.

 

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang