Bộ trưởng Giáo dục có hay ?

author 12:24 16/06/2014

(VietQ.vn) - Nếu vội vàng bước vào một cuộc cải cách hay đổi mới khi chưa chuẩn bị đầy đủ về con người, các đề án sẽ chỉ hoàn thành được mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị, Bộ trưởng Giáo dục có hay?

Nghe các quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn trước Quốc hội mà buồn. Đủ thứ buồn, nhưng nay chỉ nói chuyện dạy và học ngoại ngữ.

Buồn trước hết là nghe ông Bộ trưởng nói việc dạy, học và thi ngoại ngữ ở nước ta: “Chúng tôi đã tổ chức những đợt khảo sát các môn học, bậc học có tiếng Anh và ngoại ngữ thì thấy rằng cách dạy, cách học, cách thi ngoại ngữ hiện nay của chúng ta không giống ai trên thế giới. Chúng ta dạy và học chủ yếu là ngữ pháp nên học hết phổ thông cũng không nói được, người ta nói không hiểu”...

Dạy ngoại ngữ thời xưa

Giáo dục dưới chế độ ta thực hiện việc giảng dạy ngoại ngữ từ năm 1955, sau kháng chiến chống Pháp, cho tới nay là gần 60 năm. Thế hóa ra suốt hơn nửa thế kỷ, việc giảng dạy và học tập ngoại ngữ đã lạc điệu với toàn thế giới. Trước đó nhiều năm, các nhà trường thời Pháp thuộc đã rất thành công trong việc mở mang dân trí nói chung và giảng dạy ngoại ngữ nói riêng.

Bộ trưởng Giáo dục đề án ngoại ngữ

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc dạy ngoại ngữ của ta không giống ai

Những dịch giả nổi tiếng của nhóm Lê Quý Đôn như Đỗ Đức Hiểu, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn… đều chưa có bằng đại học nhưng đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Pháp sang tiếng Việt, cho đến nay vẫn chưa có bản dịch nào vượt qua; những người đã học qua bậc tiểu học, tới thành chung (tương đương trung học cơ sở ngày nay) đều có thể sử dụng tiếng Pháp trong khi điều kiện giảng dạy và học tập hết sức thô sơ. Vậy sao ta không học ngay chương trình và phương pháp giảng dạy của họ để đến nỗi đeo đẳng suốt 60 năm mà cuối cùng vẫn “nước lã ra sông”, nay phải làm lại từ đầu?

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, đã có những lần ta được sự giúp đỡ của Liên Xô để biên soạn chương trình, sách giáo khoa, kể cả in ấn hiện đại, đĩa nhựa ghi âm cho môn Tiếng Nga, các chuyên gia nước ta  đã tu nghiệp ở Nga nhiều năm, các giáo viên Tiếng Nga cũng đã lần lượt được tập huấn từ 3 tới 9 tháng ở Liên Xô. Chương trình đã tốn kém không ít tiền bạc (tất nhiên trong số tiền viện trợ giúp đỡ Việt Nam của nước bạn), chẳng lẽ ngần ấy năm trời không đủ cho ta kinh nghiệm để vận dụng vào giảng dạy và học tập tiếng Anh để đến nay cũng vẫn chỉ “nước lã ra sông”?

Dạy ngoại ngữ thời nay

Từ khoảng những năm 90 trở lại đây, đã có bao lần chương trình và sách giáo khoa Tiếng Anh được biên soạn, được cải tiến với biết bao tiền của do các nước giúp đỡ hoặc tiền từ ngân sách nhà nước. Rồi còn số tiền gấp bội để trang bị biết bao phòng “lap” và đủ loại phương tiện tiên tiến khác. Dù  đã nhận được không ít những lời cảnh báo của những người có kinh nghiệm trong và ngoài nước, Bộ Giáo dục vẫn phớt lờ,  im lặng tiến hành. Chẳng lẽ bao tiền bạc và công sức trong suốt hơn hai chục năm đến nay cũng lại “nước lã ra sông”?

Dù sao, cái công bố của ông Bộ trưởng nhiệm kỳ này cũng thật sự may mắn cho nền giáo dục nước nhà, giống như ông đã từng nói đại ý: bằng thật mà học giả chỉ có thể sử dụng để vào làm ở các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước. Hóa ra từ bao lâu nay, gọi là hội nhập, là học hỏi, là tiếp cận với thế giới nhưng việc giảng dạy và học tập ngoại ngữ ở nước ta vẫn chỉ là “một mình một chợ”, “chẳng giống ai”mặc dù công việc này hoàn toàn không gặp những trở ngại, những cấm kỵ, những “nhạy cảm” như một số môn học khác như Văn hay Sử. Vậy trách nhiệm của những người trước đây ra sao khi biết bao thế hệ học sinh trong suốt 60 năm tốn bao tiền của và công sức học hành, biết bao thế hệ các bậc làm cha mẹ “đổ mồ hôi sôi nước mắt” vắt kiệt sức nuôi nấng con cái mà cuối cùng vẫn “nước lã ra sông”, học ngoại ngữ 7 năm, thậm chí hơn chục năm mà vẫn không nghe, không nói được?

 Tình trạng học ngoại ngữ mà “không nói được, người ta nói không hiểu được” theo tôi không chỉ dừng lại ở bậc học phổ thông như ông Bộ trưởng thừa nhận. Ngay sinh viên các trường đại học, kể cả các trường đại học chuyên ngoại ngữ cũng không phải ai cũng có thể sử dụng thành thạo được ngôn ngữ đã học sau khi tốt nghiệp. Cứ xem trình độ của giáo viên dạy ngoại ngữ ở các trường Phổ thông trung học hiện nay là đủ biết. (Tôi không nói tới số giáo viên dạy ngoại ngữ ở các trường Phổ thông cơ sở thường chỉ tốt nghiệp các trường cao đẳng).

Các trường đại học chuyên ngoại ngữ cũng đã đào tạo được một số sinh viên có trình độ chuẩn hoặc gần đạt chuẩn, nhưng hình như số người này sau khi tốt nghiệp thường tìm công ăn việc làm ở những nơi khác chứ không tình nguyện làm giáo viên cho ngành giáo dục do đồng lương không đủ đảm bảo đời sống tối thiểu và ít cơ hội thăng tiến. Chỉ  số lượng không nhỏ những người không đạt chuẩn tối thiểu, không sử dụng được ngoại ngữ vừa học sau 4, 5 năm  mới “chịu” trở thành giáo viên trong các trường Phổ thông.

Vì thế học sinh phổ thông ngoài việc học theo chương trình trên lớp, muốn có thể sử dụng được ngoại ngữ phải bỏ nhiều tiền bạc và công sức học thêm ở các trường dạy ngoại ngữ ngoài hệ thống của giáo dục công lập. Bộ Giáo dục cần làm ngay một cuộc điều tra để khảo sát trình độ của giáo viên ngoại ngữ trong các trường Phổ thông hiện nay trước khi bắt tay vào cải cách hay đổi mới việc giảng dạy và học tập ngoại ngữ. Bao nhiêu phần trăm giáo viên có khả năng giao tiếp bằng thứ tiếng họ đang giảng dạy? Bao nhiêu phần trăm giáo viên đã từng đọc hết một cuốn sách bằng thứ tiếng đó? Những kết quả có được chắc sẽ khiến Bộ phải bất ngờ.

Tình trạng học mà không có kết quả, đầu óc vẫn rỗng tuếch không phải chỉ có ở môn ngoại ngữ, chỉ có điều nó chưa được dịp bộc lộ ở các môn khác.

Cho nên, nếu không thay đổi cách đào tạo theo số lượng hiện nay để có thành tích, để tăng thu nhập cho các trường đại học với tên gọi mỹ miều “xã hội hóa” chất lượng giáo dục ở đại học sẽ còn tiếp tục tồi tệ và hậu quả giáo dục phổ thông phải gánh chịu. Bao nhiêu gia đình học sinh những tưởng con em mình được “học hành đến nơi đến chốn” ai ngờ mất tiền oan!

Thà ít mà có chất lượng còn hơn số lượng rất lớn mà sau cả chục năm “miệt mài đèn sách” con người vẫn không thoát khỏi tình trạng “vừa câm vừa điếc”. Chẳng lẽ 60 năm chưa đủ để Bộ Giáo dục thấm thía điều này? 

Trong nhiều nghìn tỷ đồng cho việc dạy và học ngoại ngữ, theo “Báo cáo của Ban Quản lý Đề án 2020″, chỉ có phần mua sắm thiết bị là đã hoàn thành...Nếu vội vàng bước vào một cuộc cải cách hay đổi mới khi chưa chuẩn bị đầy đủ về con người, các đề án sẽ chỉ hoàn thành được mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị. Những cơ sở vật chất này sẽ xuống cấp rất nhanh, những thiết bị này cũng sẽ lạc hậu rất chóng. Và cuối cùng, tất cả lại “nước lã ra sông”.

Nước trong  tự nhiên từ suối khe ngòi lạch chảy ra sông, rồi từ sông đổ ra biển sẽ bốc hơi dưới ánh nắng mặt trời  và  trở lại trái đất theo quy luật tuần hoàn của Tạo hóa. Nhưng những đồng tiền thuế của dân đóng góp cho ngân sách, những đồng tiền cóp nhặt từ cuộc mưu sinh vất vả nộp cho ngành giáo dục với hy vọng nuôi đứa con thành người đã mất đi sẽ không bao giờ có hy vọng được lấy lại.

Chẳng biết, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục có hay?

Nhà giáo Dương Đình Giao

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang