Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Giữ ổn định mới giữ được niềm tin'

author 10:53 23/10/2018

Một phần hai nhiệm kỳ đã trôi qua với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội khả quan. Nhưng các đại biểu Quốc hội vẫn chưa hết băn khoăn về một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao đổi với PV về những băn khoăn này.
Thưa Bộ trưởng, tăng trưởng năm nay sẽ đạt mức cao trong nhiều năm gần đây nhưng nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn tăng trưởng ở khu vực nào và động lực của nó tới đây là gì. Ông có thể lý giải về những băn khoăn này?

Động lực tăng trưởng trong năm 2017- 2018 nổi lên ở 3 lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Tôi muốn nhấn mạnh đến khu vực nông nghiệp. Khu vực này đã tăng trưởng cao nhất trong 12 năm trở lại đây, xuất khẩu dự kiến đạt giá trị hơn 40 tỷ USD. Đó là điểm sáng, là động lực tăng trưởng. Kết quả này có được do quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và tham gia vào các chuỗi giá trị, xuất khẩu.

Tất cả từ cộng đồng, doanh nghiệp, người nông dân đến nhà quản lý đã có thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, làm quy mô lớn, công nghệ cao hơn, năng suất cao hơn, tiết kiệm được nhiều yếu tố đầu vào để nâng cao chất lượng.

Tư duy gắn sản phẩm nông nghiệp với chế biến và thị trường tiêu thụ đã nổi lên mạnh mẽ. Đây là cốt lõi, sống còn của ngành nông nghiệp mà tôi gọi là nông nghiệp hiệu quả cao thay vì nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ hai là công nghiệp. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng vượt bậc, liên tục ở mức hai con số, dự kiến tăng 13,6% năm 2018. Đây là kết quả của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các chi phí, thúc đẩy đầu tư trong nước và nước ngoài ở khu vực chế biến chế tạo. Đóng góp lớn nhất của khu vực này là các doanh nghiệp Samsung, Formosa, Lọc dầu Nghi Sơn. Chúng ta đang chuyển đổi sang công nghiệp chế biến chế tạo nhiều hơn, giảm khai khoáng dầu thô than đá.

Thứ ba là khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Chưa bao giờ chúng ta mơ đến con số 16 triệu khách du lịch nước ngoài một năm. Du lịch nước ngoài lẫn trong nước đều tăng trưởng mạnh. Các điểm du lịch quá tải, tắc nghẽn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tục duy trì mức tăng 2 con số, phản ánh sức mua và đời sống người dân được nâng lên, thu nhập tăng lên.

Đó là động lực lớn cho nền kinh tế cả năm ngoái lẫn năm nay.

Bộ trưởng đã từng rất hồi hộp khi những chỉ tiêu tăng trưởng về đích trong những ngày cuối cùng của năm ngoái. Vậy triển vọng trong tương lai là gì?

Tăng trưởng như bây giờ đang tạo đà tốt. Tôi tin điều này sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tới.

Kinh tế vĩ mô đã đạt được ổn định; lạm phát và giá trị đồng tiền đang được giữ vững. Đây là nền tảng vững chắc cho phát triển, cho tăng trưởng. Tư duy điều hành này tuyệt đối phải giữ vững. Nếu chúng ta mất ổn định vĩ mô, lạm phát tăng lên một chút, giá trị đồng tiền mất đi một chút sẽ kéo theo bao nhiêu hệ luỵ, phá vỡ cân đối vĩ mô.

Hiện nay Chính phủ vẫn đang kiên định mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát chính. Đây là nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy đầu tư kinh doanh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, tạo an tâm của doanh nghiệp, chứ nếu có biến động lớn về kinh tế vĩ mô nhà đầu tư lại rút ra.

Để giữ mục tiêu lạm phát dưới 4% thì phải nén hàng loạt các loại giá khác như giá điện. Lò xo nén mãi rồi cũng bung thôi. Điều hành kinh tế luôn phải theo nhiều mục tiêu đối lập nhau như vừa giữ ổn định vĩ mô, duy trì lạm phát thấp trong khi vẫn phải thúc đẩy tăng trưởng. Ông là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, chắc chắn ông chịu nhiều sức ép đó? Làm sao để cân bằng giữa các mục tiêu?

Chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, thay đổi địa chính trị, địa kinh tế… rất nhiều yếu tố đang làm thay đổi cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu, trong các chuỗi cung ứng sản xuất. Tất cả điều đó ảnh hưởng đến chúng ta, đặc biệt khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn 200% và khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng lớn.

Bất kỳ sự thay đổi nào đều ảnh hưởng ngay đến đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến lạm phát, giá cả trong nước.

Trong khi đó, chúng ta đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường, trong đó các thị trường phải tiệm cận theo thông lệ cuả quốc tế. Ta phải trả tất cả về giá trị thực như trong giáo dục, y tế, điện, xăng dầu… Y tế và giáo dục đã có lộ trình nhưng riêng giá điện thì ta chưa làm tốt.

Chúng ta chỉ điều chỉnh giá điện tuỳ thuộc vào thời điểm và mức độ, vừa qua tạm dừng chưa tăng giá điện. Việc tăng chắc chắn phải tăng nhưng thời điểm và mức độ tăng phải có nghiên cứu kỹ, có lộ trình đảm bảo nó không tác động lớn lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Trước áp lực trong nước và quốc tế, lạm phát đã tăng bình quân 3,57% trong 9 tháng. Điều chỉnh tăng giá là khó vì nó sẽ tác động ngay đến lạm phát. Trong khi đó, dư địa can thiệp bằng các chính sách tài khoá, tiền tệ còn rất ít. Đây là áp lực rất lớn trong điều hành, đòi hỏi phải xử lý hài hoà giữa các chính sách vĩ mô.

Vì vậy, tôi cho rằng phải tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Đây là những việc cần làm mạnh và hiệu quả trong thời gian tới.

Sau hơn 30 năm, khu vực doanh nghiệp FDI đã lớn mạnh, chiếm 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 72% giá trị xuất khẩu. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, doanh nghiệp FDI chiếm hết không gian của doanh nghiệp trong nước, chèn ép họ phát triển. Ông có suy nghĩ như thế nào về góc nhìn đó?

Đầu tiên, tôi muốn nói đến vai trò của luồng vốn FDI đã bổ sung cho đầu tư phát triển ở Việt Nam trong 30 năm qua. Lúc mới thông qua Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 1987, kinh tế chúng ta rất yếu kém, khủng hoảng, kiệt quệ ở mọi lĩnh vực công nông nghiệp, sản xuất hàng hóa không đủ ăn, tiêu dùng không có gì. Chúng ta vẫn bị bao vây cấm vận.

Khi Đảng và Nhà nước đưa ra quyết định lịch sử mở cửa hội nhập với quốc tế ba thập kỷ trước, chúng ta chưa hình dung tình hình sẽ như thế nào. Khi ấy, ta vừa làm theo kiểu dò đá qua sông, vừa mò mẫm trong xây dựng luật pháp, chính sách, tạo dựng nền tảng để phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh đó, vốn FDI đã giúp chúng ta thúc đẩy cải cách, hoàn thiện thể chế theo hướng thị trường, theo chuẩn mực quốc tế. Chúng ta chơi với họ nên phải tiếp cận theo xu thế đó. Đó là tác động rất lớn, quan trọng nhất của luồng vốn FDI.

Bên cạnh đó, vốn FDI cũng tác động ngay đến doanh nghiệp trong nước, đặt doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước trong cơ chế thị trường cạnh tranh, phải vươn lên về năng lực, trình độ quản lí, công nghệ, nâng cao năng suất. Các doanh nghiệp trong nước buộc phải chấp nhận cuộc chơi do đó, phải cải cách.

Đó là tôi chưa nói về đóng góp của doanh nghiệp FDI về tạo việc làm, công nghệ, đóng góp ngân sách, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán… Nếu chúng ta không có quyết định mở cửa, không có vốn FDI thì làm sao có ngày hôm nay được?!

Vấn đề là ở chỗ, các chuyên gia lo nền kinh tế bị phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cam kết mở cửa đối với thế giới thông qua hàng chục FTA thế hệ mới?

Trước hết cần trả lời câu hỏi, chúng ta có tiếp tục muốn kêu gọi, thu hút vốn FDI nữa hay không? Đó là điều cốt lõi.

Nước ta còn nghèo và nhu cầu phát triển rất lớn. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế, đáp ứng công ăn việc làm cần vốn đầu tư không chỉ từ nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân cũng như vốn FDI. Mỗi năm Việt Nam có thêm 15 tỷ vốn FDI rất đáng kể cho phát triển.

Thế giới hiện nay đang cạnh tranh quyết liệt về vốn đầu tư. Nước nào cũng ra sức kêu gọi nguồn lực này, nếu ta không khuyến khích thì đương nhiên nó sẽ chảy vào chỗ khác, đi ngược lại với chủ trương, nhu cầu của chúng ta.

Do đó, ta vẫn phải tiếp tục thu hút luồng vốn này. Ngay cả Mỹ cũng đang làm quyết liệt để thu hút đầu tư trở lại, bất kể từ nước nào.

Luồng vốn FDI đã đến với Việt Nam khi nước ta còn rất khó khăn, bây giờ vẫn đang đóng góp lớn cho phát triển kinh tế. Sao lại đặt lại vấn đề? Tuy nhiên, tôi nhìn nhận chúng ta cần có chính sách để thu hút vốn FDI phù hợp hơn với những lựa chọn phát triển của Việt Nam.

Thu hút nguồn vốn FDI phải gắn với phát triển bền vững. Khai thác tối đa những lợi thế từ FDI nhưng bảo đảm cơ cấu ngành, lĩnh vực, địa bàn phù hợp, giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, bảo đảm môi trường, củng cố vững chắc an ninh, quốc phòng của đất nước.

Tôi khẳng định, khu vực FDI là bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam.

Theo Vietnamnet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang