Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng

author 06:26 25/03/2019

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết công nghệ 5G là cơ hội để Việt Nam chúng ta thay đổi thứ hạng. Do đó, muốn thay đổi thứ hạng phải đi đầu trong việc phát triển 5G.

Sự kiện: Công nghệ

Công nghệ 5G giúp Việt Nam thay đổi thứ hạng

Thế giới dự báo, công nghệ 5G sẽ bùng nổ vào năm 2020 và sẽ tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ, sự ổn định cho thiết bị di động, xóa bỏ khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối Internet vạn vật.

Viễn cảnh các ngành kinh tế thay đổi mạnh mẽ bởi sự xuất hiện của 5G đã bắt đầu được định hình. Mạng 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội thay đổi thứ hạng viễn thông mà còn là cơ hội phát triển ngành công nghệ thông tin của Việt Nam trong tương lai.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết công nghệ 5G là cơ hội để Việt Nam chúng ta thay đổi thứ hạng. Do đó, muốn thay đổi thứ hạng phải đi đầu trong việc phát triển 5G. Hiện, Bộ TT&TT đang có chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới triển khai 5G thì Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: ST

Người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết thêm, 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội để thay đổi thứ hạng viễn thông mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp viễn thông - Công nghệ thông tin của Việt Nam. Với nhu cầu rất lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt lớn về thiết bị đầu cuối, nhu cầu mang tính quyết định của an toàn, an ninh mạng, nhu cầu toàn dân về ứng dụng, sẽ tạo ra một thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, Việt Nam có điều kiện rất thuận lợi trong việc triển khai 5G. Cụ thể, chúng ta có một hạ tầng viễn thông rất tốt, mạng lưới 4G đã phủ sóng toàn quốc, 95% dân số sử dụng 4G.

Thứ hai là tài nguyên về băng tần đã sẵn sàng cho 5G. Thứ ba, có sự hỗ trợ chính sách của nhà nước. Hiện nay công nghệ 5G có sự phát triển mạnh mẽ, hơn 20 nhà mạng trên thế giới đã công bố kế hoạch triển khai trong năm 2019 - 2020. Các thiết bị đầu cuối cũng đã sẵn sàng, Qualcom sắp tới đưa ra các chính sách khiến giá các thiết 5G sẽ giảm mạnh đối với các thị trường mới nổi như Việt Nam, đó cũng là một sự thuận lợi.

Ông cũng bày tỏ kỳ vọng chỉ vài năm nữa 5G sẽ thực sự mang lại bước đột phá cho Việt Nam trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, khi được triển khai rộng rãi, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức.

Công nghệ 5G - mảnh đất ‘màu mỡ’ nhưng cũng đầy thử thách

5G sẽ là mảnh đất màu mỡ cho thực tế ảo, các ứng dụng theo thời gian thực, xe tự lái, máy bay không người lái, mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT)... Chính các ưu điểm vượt trội và tiềm năng rất lớn của mạng 5G sẽ đặt ra nhiều thách thức trong tương lai cho Việt Nam.

Chính phủ, các nhà mạng viễn thông hay các công ty công nghệ sẽ phải đối mặt với các vấn đề bao gồm việc quản lý hàng triệu các thiết bị cùng kết nối. Bên cạnh đó, chúng ta phải đảm bảo được an toàn thông tin mạng và hoạt động chuyển đổi sang nền kinh tế số. Việc hiện thực hóa 5G cũng cần 4 điều kiện cơ bản: chính sách nền công nghiệp quốc gia, quy hoạch tần số, sự chuẩn bị của hạ tầng ứng dụng, và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân tài.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định, 5G tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai. "5G đòi hỏi hạ tầng viễn thông mạng phổ rộng và tốc độ cao, nó tạo ra vấn đề về việc đầu tư hạ tầng kết nối. Để có mạng 5G chạy tốt phải có mạng kết nối cáp quang giữa các trạm phát rất nhiều, dày đặc mới thực hiện được.Thách thức thứ hai ở chính các nhà mạng, các nhà mạng hầu hết mới đầu tư 4G, rất có thể chưa đủ thời gian thu hồi vốn, bây giờ đầu tư cho một thế hệ mạng mới với nguồn tài chính lớn cũng là một sự cân nhắc kỹ. Năm 2019 có thể chưa bùng nổ về công nghệ mạng 5G, có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đến năm 2020 hoặc 2021”, Phó chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nói.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào vào viễn thông đặc biệt là 5G là câu chuyện dành cho các doanh nghiệp mạnh về tài chính. Các doanh nghiệp viễn thông nhỏ gặp rất nhiều thách thức và khó khăn.

 Công nghệ 5G sẽ gặp nhiều khó khăn tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Ông Bình lấy ví dụ, nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Qatar, Bahrain… đã chi những khoản tiền rất lớn cho nghiên cứu, thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ này. Dự báo tới năm 2020, toàn thế giới sẽ có khoảng 1.500 tỷ USD được đầu tư vào công nghệ này. Chính vì vậy, 5G không phải là một cuộc đua “bình dân" vì để triển khai 5G, các nhà mạng cũng cần một khoản kinh phí đầu tư rất lớn.

Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Văn Thành, Giám đốc công nghệ của Dell EMC cho hay, khó khăn của Việt Nam là số người sử dụng những thiết bị cũ chỉ có công nghệ 2G, 3G vẫn còn đông nên khi triển khai mạng 5G người dùng sẽ phải thay đổi thiết bị của họ.

Các hạ tầng công nghệ thông tin đang triển khai tại các doanh nghiệp vẫn là công nghệ cũ. Để sẵn sàng cho công nghệ 5G các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi hạ tầng công nghệ thông tin của họ. Hơn nữa, 5G là công nghệ để giải quyết vấn đề tốc độ đường truyền cao, độ trễ thấp cũng như tiêu thụ năng lượng thấp, nhưng đấy chỉ về mặt truyền dữ liệu. Đằng sau việc tiếp nhận một dữ liệu thông tin rất lớn, chúng ta phải đối mặt với việc làm sao để khai thác, phân tích dữ liệu đó để tạo ra những thay đổi trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, để 5G phát triển là phải có các ứng dụng đi kèm. 5G được kỳ vọng áp dụng nhiều trong lĩnh vực giao thông như xe tự lái, điều tiết giao thông theo thời gian thực; lĩnh vực sức khỏe như phẫu thuật từ xa hay kết nối vạn vật (IoT). Nhưng thực tế ở Việt Nam cho thấy, nhu cầu của các lĩnh vực này còn khá ít ỏi, đặt ra bài toán kinh doanh cho các nhà phát triển.

“Ngay cả một số nước có nền kinh tế phát triển, tổng thể hạ tầng tốt hơn Việt Nam rất nhiều, họ vẫn khá dè dặt với sự phát triển của 5G.”, ông Thành nói thêm.

 
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội GSM toàn cầu cho biết, cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025 dự kiến có khoảng 675 triệu thuê bao 5G, chiếm 14% tổng số thuê bao di động và 37% dân số. Trong số đó, những nước có hạ tầng phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc cũng chỉ tập trung ở các vùng đô thị và đến 2025 chỉ có khoảng 50-60% thuê bao di động có kết nối 5G.

 

Thực tế cho thấy ở các nước phát triển, nếu các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện đúng cam kết băng thông, chất lượng đường truyền đúng chuẩn 4G, thì hầu hết các ứng dụng và nhu cầu của người tiêu dùng đều có thể đáp ứng được với 4G. Các nhà phát triển ứng dụng đại chúng cũng chưa thực sự quan tâm nhiều đến 5G vì họ cũng chạy theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Một thách thức khác đối với Việt Nam là vấn đề bảo mật, an toàn an ninh mạng. Với việc đứng "đầu bảng" bị tấn công mạng tại Đông Nam Á (số liệu năm 2018), Việt Nam sẽ trở thành "miếng mồi ngon" khi triển khai hàng loạt dịch vụ 5G.

Vì 5G cho phép nhiều kết nối hơn, khả năng thu hút sự chú ý từ tội phạm mạng sẽ tăng lên đáng kể. Thiết bị IoT sẽ dễ bị tấn công theo hai cách, do lỗ hổng trên chính các thiết bị, và do các mạng botnet vượt ra ngoài các thiết bị, ảnh hưởng đến cả các hệ thống điều khiển thông minh chứ không chỉ trộm cắp danh tính hay gian lận thẻ tín dụng.

 Thảo Nguyên

iPhone 2020 sẽ được trang bị tiện ích, tính năng gì mới?(VietQ.vn) - Theo tin đồn mới nhất, 3 mẫu iPhone 2020 sẽ được thiết kế lại, hoàn toàn mới mẻ và không có tai thỏ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang