Bộ trưởng Nguyễn Quân giải đáp nhiều vấn đề nóng Đại biểu Quốc hội hỏi

author 12:04 12/06/2015

(VietQ.vn) - Trước diễn đàn Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã giải đáp nhiều những vấn đề nóng mà Đại biểu Quốc hội đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) đặt câu hỏi đầu tiên. Đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao đến nay chưa có thị trường KH&CN? Phải chăng tồn tại của quy trình phân bố kinh phí, phân bổ đề tài nghiên cứu làm cản trở quá trình hình thành thị trường KH&CN? Trách nhiệm của Bộ trưởng?

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) lại chất vấn: "Mỗi năm ngân sách nhà nước dùng 1.300 tỷ đồng cho nghiên cứu các đề tài khoa học công nghệ, tuy nhiên nhiều đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo, tính ứng dụng thấp nên lãng phí, đầu tư dàn trải, chưa công khai. Nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ KH&CN để khắc phục tình trạng này?". 

Còn Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) nêu một thực trạng là hàng năm ngân sách nhà nước dành ra 2% dành cho khoa học công nghệ nhưng chưa năm nào số tiền được chi đạt được con số này. Điều đáng nói là dù ngân sách chi ít nhưng nhiều nơi chi không hết hay chi không đúng mục đích. Đại biểu Trang đề nghị Bộ trưởng Quân lý giải và có biện pháp.

Trả lời các câu hỏi chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, so với thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường giáo dục… thì thị trường KHCN thực sự chậm chân, đi sau. Tuy nhiên, đến nay, cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KHCN đã được hoàn thiện. Hiện chỉ còn một yếu tố để hình thành thị trường là định chế trung giản để nhà khoa học đến được với doanh nghiệp, người sản xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời chất vấn trước Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: TN

Thiếu các tổ chức môi giới, đánh giá, định giá, kiểm tra, kiểm định nên các nhà khoa học không tìm được địa chỉ đầu tư cho nghiên cứu, áp dụng kết quả nghiên cứu của mình còn các doanh nghiệp cũng phải vật vã tự đi tìm công nghệ, giải pháp của mình.

Dấu hiệu tích cực theo Bộ trưởng Quân là mới đây các sàn giao dịch công nghệ, các chợ công nghệ (techmart)… đã hình thành, trở thành nơi để trao đổi, kết nối cung – cầu. Bộ KH&CN cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối như thế ở các địa phương để các nhà khoa học giới thiệu kết quả của mình với người có nhu cầu.

Ngoài ra, theo người đứng đầu ngành, cơ chế phân bổ kinh phí cũng là một yếu tố làm chậm hình thành thị trường công nghệ. Trong giai đoạn hiện nay, khó khăn về ngân sách, biên chế cũng đã cản trở việc hình thành những yếu tố trung gian thúc đẩy.

“Tuy nhiên tôi cũng nhận thức đây là trách nhiệm của Bộ trưởng KH&CN khi 10 năm qua chưa làm được gì nhiều để thúc đẩy những tổ chức trung gian hình thành thị trường. Tới đây chúng tôi sẽ tập trung vào khâu yếu nhất này” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Với câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho trả lời, phải phân loại rõ ba loại đề tài nghiên cứu vẫn thường được gọi chung là “cất ngăn kéo” ấy.

Có loại chúng ta đương nhiên phải chấp nhận để ngăn kéo đó là nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu cơ bản luôn đi trước thời đại, đi trước những ứng dụng vì nó là tiền đề chuẩn bị cho các ứng dụng, cho nên nó phải “để ngăn kéo” đến khi trình độ phát triển hay năng lực xã hội phải đạt đến một trình độ phát triển nào đó thì mới ứng dụng được.

Ví dụ như phát minh về chất bán dẫn được nghiên cứu thành công ở Mỹ những năm 50 của thế kỷ XX, nhưng đã bị “cất ngăn kéo” gần một thập kỷ. Phải đến khi người Nhật mua lại bằng sáng chế đó, thì một thời gian sau chất bán dẫn đã mang lại hiệu quả rất cao cho nền kinh tế, không chỉ với Nhật Bản mà ở phạm vi toàn cầu.

Loại thứ hai là những đề tài nghiên cứu ứng dụng, nhưng phải chờ đợi quá trình thương mại hóa hoặc chờ sự chấp nhận của xã hội.

Còn loại thứ ba là những sản phẩm nghiêm cứu không bám sát vào yêu cầu thực tiễn, không theo nhu cầu của doanh nghiệp, nghiên cứu theo cảm tính, mong muốn của những người làm khoa học, nên sau nghiên cứu không tìm được địa chỉ ứng dụng, không thương mại hóa và đành “bỏ ngăn kéo”… lâu dài. 

Bộ trưởng Quân cho biết, ngay cả loại thứ ba này “cũng là việc tốt” vì nhà khoa học có ý tưởng, mong muốn được nghiên cứu, nhưng không đáp ứng được yêu cầu thực tế.

"Luật KH&CN 2013 đã có những thay đổi quan trọng, trong đó có yêu cầu nếu sử dụng ngân sách để nghiên cứu phải thông qua cơ chế đặt hàng, xuất phát từ cuộc sống chứ không phải từ ý thích của nhà khoa học. Khi các đơn vị đã đặt hàng và cơ quan quản lý đưa đề bài cho nhà khoa học thì các nghiên cứu đó phải được đơn vị đặt hàng đưa vào ứng dụng. Nếu thực hiện nghiêm luật KHCN 2013, sẽ không còn những đề tài xếp ngăn kéo nữa", Bộ trưởng Quân khẳng định.

Còn về câu hỏi của Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP. HCM), Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết vừa qua ngân sách nhà nước dành ra 1,52% chi cho lĩnh vực khoa học công nghệ, tương đương 17.300 tỉ đồng, 20% trong số này dành cho lĩnh vực nghiên cứu.

“Trên thực tế đúng là có tình trạng sử dụng không hết kinh phí. Nhiều đề tài lạc hậu không theo kịp thị trường. Nhiều đề tài khi được cấp kinh phí thì có người nghiên cứu nên không làm nữa mà phải trả lại tiền cho nhà nước. Nhiều địa phương sử dụng kinh phí không đúng mục đích”, Bộ trưởng Quân nói.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang