Bộ trưởng Nguyễn Quân: Làm khoa học phải chấp nhận rủi ro và mạo hiểm

authorMinh Hà 07:30 11/06/2015

(VietQ.vn) - Vị thế của ngành KH&CN tăng lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN) cho KH&CN vẫn giữ mức 2% trong hơn 10 năm qua, nhưng giá trị tuyệt đối tăng lên rất nhanh, đến thời điểm này đã tương đương khoảng 1 tỷ USD/năm.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân về sự đóng góp và phát triển của KH&CN Việt Nam những năm qua.

Bộ trưởng cho biết, sau nhiều năm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế kế hoạch hóa, khi Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường, KH&CN đã có sự thay đổi rất quan trọng. Vị thế của ngành KH&CN tăng lên cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN) cho KH&CN vẫn giữ mức 2% trong hơn 10 năm qua, nhưng giá trị tuyệt đối tăng lên rất nhanh, đến thời điểm này đã tương đương khoảng 1 tỷ USD/năm.

Thưa bộ trưởng, mặc dù Luật KH&CN quy định dành 2% cho KHCN, nhưng chưa năm nào đạt được con số này, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng con số không nằm ở việc chốt 2% mà thực tế muốn biết hiệu quả KH&CN đem lại như thế nào, xin Bộ trưởng nhận định gì về vấn đề này?

Theo tôi, mức chi của Việt Nam cho hoạt động KH&CN là 2% tổng chi ngân sách nhà nước là mức không phải thấp so với tỷ lệ chung của thế giới, vì thế mà chúng ta cần cố gắng sử dụng hiệu quả nhất. Đánh giá về hiệu quả của hoạt động KH&CN, ở Việt Nam mặc dù GDP còn thấp nên tổng chi ngân sách không nhiều, như mấy năm gần đây khoảng hơn 1 triệu tỷ, tính 2% ngân sách thì khoảng hơn 20 nghìn tỷ chi cho KH&CN. Nhưng do chúng ta phải dành 1 phần cho dự phòng an ninh, quốc phòng nên thực chi cho ngân sách nhà nước khoảng từ 1,3 – 1,5% tổng chi ngân sách nhà nước. 

Trong phần dành chi cho hoạt động KH&CN khoảng trên 80% chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, tức là không trực tiếp dành cho nghiên cứu ứng dụng, chỉ khoảng 10% trong số đó (mỗi năm khoảng trên 2000 tỷ đồng) dành cho các đề tài nghiên cứu nhà nước, cấp Bộ của cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng làm khoa học phải chấp nhận rủi ro và mạo hiểm

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng làm khoa học phải chấp nhận rủi ro và mạo hiểm. Ảnh: N. N

Nói về hiệu quả của sản phẩm KH&CN trong 5 năm qua, chúng ta đã có những con số ấn tượng, những sản phẩm tốt. Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 nước trên thế giới sản xuất được vacxin tiêu chảy Rota. Chúng ta đã tự thiết kế, đóng được giàn khoan, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giàn khoan 90m nước, 120 m nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tự lực được trong việc chế tạo tàu tự vệ tên lửa, thế hệ tương đối hiện đại theo thiết kế của Liên bang Nga, trang bị cho lực lượng hải quân. Đặc biệt, lần đầu tiên chúng ta vượt qua ngưỡng 2000 công bố quốc tế trên các tạp chí có uy tín về KH&CN điều mà trước đây 10 năm chúng ta cũng chưa tính đến. Mặc dù con số này chưa tương xứng với tiềm lực của Việt Nam, những cũng là con số ấn tượng. 

Trong 5 năm qua chúng ta đã có xấp xỉ 10.000 bài báo quốc tế, gấp 4 lần so với giai đoạn 5 năm trước đây. Việt Nam cũng là nước dẫn đầu khu vực về mổ nội soi, ghép đa tạng. Chúng ta nước bắt đầu thành công với sản xuất thiết kế chế tạo vi mạch điện tử. Trong các thành tựu về kinh tế xã hội việc Việt Nam trở thành 1 trong những nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản và thực phẩm, có sự đóng góp quan trọng của KH&CN từ việc làm giống đến canh tác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến.

Để đánh giá tổng quan hiệu quả của hoạt động KH&CN, tôi có thể đưa ra những con số cụ thể. Trước đây, ICOR (chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư), trước kia chỉ số ICOR của chúng ta rất lớn trên 7, nhưng gần đây giảm xuống còn trên 5 có nghĩa là bỏ ra 5 đồng vốn, có thể đem lại 1 đồng cho tăng trưởng GDP. Đối với hoạt động KH&CN chỉ tiêu yêu tố năng suất tổng hợp TFP đánh giá đóng góp của các đổi mới và tăng trưởng vào GDP quốc gia. Theo kinh nghiệm của các nước, phần đóng góp về KH&CN trong TFP thường rất lớn, ví dụ như Ma-lai-xi-a, đóng góp của KH&CN trong TFP là hơn 70%. Ở nước ta, nếu lấy mức đóng góp của KH&CN trong TFP với mức khiêm tốn nhất là 10% thì sẽ có nghĩa là KH&CN đã đóng góp khoảng 3% vào GDP quốc gia. Như vậy, đầu tư 2% tổng chi ngân sách Nhà nước, tương đương khoảng 0,5% GDP quốc gia cho KH&CN thì sẽ tạo ra được 3% GDP quốc gia. Hay nói cách khác, chỉ số ICOR trong lĩnh vực KH&CN của nước ta là 0,5/3. Trái ngược với ICOR trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản là 5/1. Có thể khẳng định, một đồng vốn đầu tư cho KHCN có hiệu quả cao gấp nhiều lần so với đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Với hiệu quả như vậy, tôi cho rằng 1,5% chi ngân sách nhà nước có khoảng 0,3 % dành cho hoạt động nghiên cứu thì chúng ta đã làm được các sản phẩm KH&CN như vậy. Thông qua hoạt động KH&CN chúng ta đã đóng góp được cho GDP, như vậy những người làm khoa học đã vượt qua chính mình, rất nỗ lực để có thể đạt được các kết quả với sự đầu tư còn rất khiêm tốn của nhà nước và xã hội.

Được biết, trước phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội kỳ họp lần này, Bộ trưởng cũng mong muốn khẳng định trước Quốc hội số mấy chục nghìn tiến sĩ của Việt Nam không phải là tiến sĩ giấy. Vậy Bộ trưởng sẽ thuyết phục đối với Quốc hội như thế nào khi nào KH&CN vẫn chưa đóng góp xứng đáng cho nền kinh tế đất nước?

Chúng ta nói đóng góp chưa xứng đáng thì chưa hẳn đúng, chưa đóng góp tương xứng với mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thực thế đất nước chúng ta có được sự phát triển như những năm vừa qua, có thể nói KH&CN có sự đóng góp to lớn và thật sự không thể nói rằng chúng ta có được con số ấn tượng về xuất khẩu gạo và xuất khẩu thủy sản mà không có vai trò của KH&CN từ khâu làm giống, chế biến, bảo quản. Viện lúa ĐBSCL của chúng ta vào loại tốt nhất thế giới, ngay viện lúa quốc tế của Philipin còn cử chuyên gia sang học tập tại Viện lúa của chúng ta. Các chuyên gia về lúa gạo của Thế giới từ Ấn Độ, Thái Lan cũng sang trao đổi với chúng ta. Thủy sản năng suất tôm, và cá tra vào loại cao nhất thế giới, và đó đều là kết quả từ những kết quả nghiên cứu của KH&CN cách đây hàng chục năm.

Hay trong lĩnh vực xây dựng nhà máy thủy điện, không có KH&CN chúng ta không thể trở thành nước hàng đầu khu vực về xây dựng nhà máy thủy điện tự thiết kế và thi công. Nhà máy thủy điện Sơn La là nhà máy lớn nhất ĐNA hoàn toàn do người Việt Nam thiết kế và xây dựng, gần như không có chuyên gia nước ngoài nếu như so với nhà máy thủy điện Hòa Bình cách đây 20 năm. Nhà máy thủy điện Hòa Bình hằng ngày phải có trên 400 chuyên gia nước ngoài làm việc trên công trường và đã có hàng chục chuyên gia nước ngoài hi sinh trên công trình. Thủy điện Sơn La hoàn toàn do người Việt Nam thực hiện với thời gian đạt kỉ lục, đem lại lợi ích cho nền kinh tế hàng tỉ đô la do phát điện sớm trước 2 năm.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nếu không có KH&CN chúng ta không làm chủ được những công nghệ, vũ khí hiện đại. Có thể nói trong những năm vừa qua, KH&CN giúp cho Quốc phòng an ninh của chúng ta củng cố được vị thế của mình. Ví dụ như hệ thống rada của chúng ta nghiên cứu, tự thiết kế, chế tạo với giá thành rất rẻ so với nhập ngoại và chúng ta đủ năng lực để bảo vệ vùng trời của chúng ta bằng sản phẩm rada của Việt Nam. Hoặc chúng ta cũng ta cũng đang làm chủ tàu hậu vệ tên lửa, theo mẫu thiết kế của Liên Bang Nga.

Bên cạnh những thành tựu mà Bộ trưởng vừa chia sẻ, Bộ trưởng có lý giải thế nào về thực trạng còn nhiều công trình và đề tài nghiên cứu khoa học có tính khả thi rất thấp?

Tôi nghĩ rằng làm khoa học là phải chấp nhận rủi ro và mạo hiểm, nếu không sẽ không thể làm khoa học. Có những loại nghiên cứu mà chúng ta phải chấp nhận “bỏ ngăn kéo”, ví dụ như nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu cơ bản luôn phải đi trước nghiên cứu ứng dụng, là tiền đề để chuẩn bị cho những nghiên cứu ứng dụng. Vì vậy những nghiên cứu này chưa được ứng dụng trong một giai đoạn nhất định. Khi năng lực của xã hội đạt đến trình độ nhất định mới có thể ứng dụng được. Ví dụ như phát minh về chất bán dẫn được nghiên cứu thành công ở Hoa Kỳ từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước nhưng đã phải “xếp ngăn kéo” gần 1 thập kỷ, cho đến khi Nhật Bản mua lại bằng sáng chế đó vào cuối thập kỷ 50. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, chất bán dẫn đã đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế không chỉ của Nhật Bản mà của toàn thế giới. Ngày nay, không có lĩnh vực nào của khoa học kỹ thuật mà không có mặt của chất bán dẫn. Tương tự như vậy, có nhiều nghiên cứu cũng như vậy.

Thứ hai là những đề tài nghiên cứu ứng dụng nhưng phải chờ đợi quá trình thương mại hóa hoặc phải chờ đời sự chấp nhận của xã hội, ví dụ như nghiên cứu vắc-xin. Chúng ta phải có giai đoạn rất dài thử nghiệm lâm sàng, sau đó phải có cấp phép của ngành y tế thông qua hội đồng y đức vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Có những dược phẩm, thuốc phải mất 10, 15 năm mới có thể hoàn thành công đoạn thử nghiệm lâm sàng, thương mại hóa để trở thành sản phẩm hàng hóa. Xã hội nào cũng phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định những nghiên cứu không được ứng dụng. Không có một quốc gia nào có thể có 100% các đề tài nghiên cứu khoa học đều thành công, đều được ứng dụng. Những nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng chỉ có 20% các nghiên cứu được ứng dụng và thương mại hóa thành công.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang