Bộ trưởng Thăng: Chậm, hủy chuyến bay là sự xấu hổ chung của cả ngành hàng không

author 09:19 12/07/2014

Đó là ý kiến của Bộ trưởng GTVT tại buổi giải trình ngày 11.7 của các hãng hàng không Việt Nam và các cơ quan quản lý, nhằm làm rõ nguyên nhân tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến bay và cách khắc phục.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ rõ: Nếu không biết tự xấu hổ khi để chậm chuyến, hủy chuyến bay thì các hãng hàng không của Việt Nam không thể khắc phục được những yếu kém đang tồn tại.

50% chậm, hủy chuyến vì… 
 
Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, tỉ lệ chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng là 25%, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng phục vụ hành khách. Về nguyên nhân chậm, hủy chuyến, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết: Có đến 90% là do chủ quan, chỉ 10% là do khách quan. Trong đó có đến 50% số chuyến bị chậm, hủy liên quan đến việc dồn chuyến, hủy chuyến vì lý do thương mại và cơ sở vật chất của cảng hàng không chưa đáp ứng được vào giờ cao điểm. 

Việc thông tin cho khách hàng cũng chưa thỏa đáng, dẫn tới việc khách hành bức xúc khi phải chờ. Nói về việc khắc phục chậm, hủy chuyến, Tổng GĐ Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho rằng, phải thông tin đến khách, giải quyết cho khách đi dược chuyến bay gần nhất là điều quan trọng nhất, chứ không phải xin lỗi, đền bù đơn thuần. 

Ông Minh cho rằng, cần đánh giá lại lực lượng khai thác bay, tính toán lại chuyến bay dự phòng, quay vòng chuyến bay ở các căn cứ. Nguyên nhân gây khó khăn cho việc này là quản lý chuyến bay, điều phối slot. Hiện vẫn xảy ra tình trạng các máy bay xếp hàng ra đầu đường bay đợi điều phối. Nói về nguyên nhân chậm, hủy chuyến, GĐ điều hành VietJet Air Lưu Đức Khánh cho rằng: VietJet không có mặt bằng, kho phụ tùng, phòng chờ, 80% dịch vụ phải thuê ngoài, nên giải quyết chậm chuyến là nhiệm vụ của rất nhiều bên: Quản lý nhà nước, các sân bay, Cty mặt đất, Cty xăng dầu, TCty Quản lý bay... Mình VietJet Air không thể làm được gì khi các dịch vụ đều do các DN độc quyền cung cấp. Chúng tôi cố gắng tháng 7 và 8 đạt 65% và đến tháng 9 sẽ đạt 95% giảm chậm chuyến, hủy chuyến. Vì hệ số lấp đầy của VietJet là 95% trở lên, nên hoàn toàn không có chuyện chúng tôi dồn chuyến, bởi nếu dồn chuyến thì phải đợi đến 5-6 chuyến mới dồn được.

Đại diện Jetstar Pacific cũng đổ lỗi chậm, hủy chuyến do ảnh hưởng dây chuyền. Chuyến bay 1 bị hủy ảnh hưởng đến các chuyến bay sau. Jetstar Pacific đã giảm được 10% chậm, hủy chuyến. Phấn đấu trong tháng 7, 8 giảm 50% chậm chuyến, hủy chuyến. Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi: Tại sao những năm trước, VietJet Air, Jestar Pacific đúng giờ, năm 2014 lại chậm giờ. Tình trạng ngành hàng không như vậy mà lãnh đạo vẫn vô cảm, không chịu trách nhiệm thì sao phát triển được? “Tại sao không có thống kê từ đầu năm đến nay có bao nhiêu chuyến bay bị chậm và phải dãn chuyến do ít khách? Đây là sự cố tình chậm, chứ không phải do khách quan” - ông Thăng nhấn mạnh. 
Còn coi thường khách hàng 
Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng cho rằng: Lỗi lớn nhất của các đơn vị là đùn đẩy trách nhiệm, không thừa nhận trách nhiệm của mình. Trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý như: Vụ Pháp chế, Vụ Vận tải,.. rồi mới đến các hãng hàng không. Vụ Vận tải chưa đôn đốc Cục Hàng không giải quyết vấn đề chậm, hủy chuyến. Cần phải tăng thêm quyền lực của cảng vụ trong vấn đề này, có quyền gì, trách nhiệm gì trong việc xử lý chậm, hủy chuyến. Sau khi nghe các đơn vị của ngành hàng không báo cáo, Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận, ngành hàng không chưa nhận thức đầy đủ mọi vấn đề, chưa vì lợi ích của khách hàng, còn coi thường khách hàng. Khách hàng là thượng đế, nhưng lại để thượng đế lang thang ở sân bay. Các đơn vị phải nghiêm khắc hơn với chính mình. 

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan phải kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề chậm, hủy chuyến bay, phải xác định rõ những nguyên nhân thật của việc chậm, hủy chuyến. Đây là sự việc cực kỳ nghiêm trọng, phải liệt kê từ 6 tháng đầu năm đến nay đã vi phạm bao nhiêu lần. Cần xử lý dứt khoát thái độ thờ ơ, vô cảm trước vấn đề chậm, hủy chuyến, không coi đó là trách nhiệm của mình. Bộ trưởng cũng yêu cầu phải đưa ngay những điều bất cập dẫn đến việc chậm, hủy chuyến bay để sửa đổi Luật Hàng không và có chế tài xử lý cụ thể. Yêu cầu từng đơn vị phải xây dựng đề án nâng cao chất lượng và dịch vụ. Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và cần có sự quyết tâm cao của toàn ngành GTVT. Phải coi chậm, hủy chuyến bay là sự xấu hổ chung của cả ngành, và quyết tâm không bao giờ để lặp lại nữa. 

Theo LĐ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang