Bộ trưởng Thăng: 'Sao các ông lại vô cảm thế'?

author 10:07 06/08/2014

Khi biết có những quy định bất cập gây khó cho doanh nghiệp nhưng đơn vị quản lý nhà nước chậm trễ xin ý kiến Bộ để xử lý, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, kiểu quản lý nhà nước như thế là vô cảm.

Bộ trưởng Đinh La Thăng

“Không phải nơi ôn lại quy định”

Trong chuỗi đối thoại với các DN trong ngành trong thời gian gần đây, sáng 5/8, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng gặp gỡ các DN vận tải biển. Doanh nghiệp đến đông, sốt ruột muốn phát biểu, ông Thăng phải nhiều lần ngắt lời, giục các chủ tàu đi thẳng vào kiến nghị.

Kiến nghị làm hội trường xôn xao là của ông Nguyễn Ngọc Thới, GĐ Cty Thạnh Thới (Kiên Giang). Ông Thời đầu tư phương tiện chạy tuyến Hà Tiên - Phú Quốc. Khổ nỗi, phương tiện của ông thuộc diện nửa phà, nửa tàu. Cảng vụ Hàng hải xem đây là tàu nên hàng năm ông phải đưa tàu lên TP HCM kiểm định (nếu coi là phà, 2 năm mới phải kiểm tra). Chưa kể, vì coi là tàu, dù ngày nhiều chuyến nhưng lần nào cũng phải xin phép. Bộ trưởng Thăng mời GĐ cảng vụ Kiêng Giang, Nguyễn Đình Việt trả lời. Ông Việt nói có biết việc này nhưng không thể giải quyết vì thiếu quy định. 

Ông Thăng ngắt lời: “Sao ông không báo cáo xin ý kiến Bộ để giải quyết cho người ta. Doanh nghiệp người ta hoạt động biết bao khó khăn; sao các ông quản lý Nhà nước lại vô cảm thế” - ông Thăng nói.

Khi cấp dưới trả lời vòng vo, viện dẫn quá nhiều quy định, Bộ trưởng Thăng nhắc: “Hội nghị được tổ chức là để bàn bạc, tháo gỡ vướng mắc cho DN, không phải nơi để các anh ôn lại quy định. Nếu quy định bất cập, thì phải tìm cách, tìm hướng để sửa, xem có thể tháo gỡ được không”. 

Nhiều khi, chưa cần chỉ đạo của ông Thăng, việc hai đối tác gặp nhau tại hội nghị, việc cũng xong. Đại diện Vasep (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) “tố” Tổng Cty Tân cảng Sài Gòn vừa qua tăng phí bốc xếp container gây khó khăn cho doanh nghiệp với tên gọi “phí tắc nghẽn”. Được mời trả lời, ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng GĐ Tân Cảng Sài Gòn cho biết, kể từ 7 giờ (6/8), phí nâng container tại cảng Cát Lái sẽ trở về như mức cũ. Lý do là việc ùn tắc hàng ở Cát Lái đã được giải quyết.

Tiềm năng lớn nhưng hoạt động vận tải trên sông còn thưa thớt (chụp tại sông Hồng đoạn qua nội thành Hà Nội).

Đầu tư đường sông không bằng thời phong kiến

Trong hội nghị về đường thủy vào chiều 5/8, các ý kiến vẫn tập trung khắc họa hình ảnh hẩm hiu của ngành. Cục trưởng Đường thủy Trần Văn Cừu cho biết: Tỷ lệ vận tải thủy liên tục giảm trong những năm qua (hiện chiếm 15%). Dưới sông, tàu mắc cạn; trên trời thì gầm cầu chắn ngang tàu (Đặc biệt là cầu Đuống qua Hà Nội, có đại biểu ví mùa mưa, người trên cầu có thể thò xuống rửa chân, tàu không qua nổi). Trong khi đó, tỷ lệ đầu tư cho đường thủy chỉ đạt 2% trong tổng đầu tư của ngành giao thông.

“Làm sao để xã hội nhìn nhận được tiềm năng của hệ thống sông ngòi. Ở các nước, hàng hóa nặng, giá trị thấp như vật liệu xây dựng, than, phân bón… đều dành cho đường thủy. Chỉ hàng hóa giá trị cao, cần thời gian vận chuyển nhanh mới đi đường bộ” 

Ông Phạm Quý Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đường thủy nội địa

Tân Chủ tịch Tổng Cty Vận tải thủy Nguyễn Thủy Nguyên mô tả: “Thời phong kiến nhà Lê đào kênh nhà Lê, thời Pháp cũng mở luồng, mở kênh nhưng từ khi giành độc lập đến nay, chúng ta chưa đào được một đoạn kênh ngang nào, chủ yếu vẫn dựa vào thế sông chảy về từ trên núi”. Ông Nguyên nói nhiều cung đường sông chỉ mất vài tỷ là khơi thông nhưng tiền không có. Chỗ có cảng, có luồng thì thiếu cẩu xếp dỡ, kết nối với tàu hỏa, đường bộ nên chi phí tăng, khách lại né. 

Ông Phạm Quý Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đường thủy nội địa cảm ơn Bộ trưởng GTVT gần đây quan tâm đến vận tải đường thủy. (Cách đây hơn 2 tuần, tại Cần Thơ, ông Thăng nhận trách nhiệm về sự yếu kém của đường thủy, xin lỗi các DN vì các cơ chế vướng mắc). Ông Nghĩa cho rằng, giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực đường thủy trước hết là nâng cao nhận thức của xã hội với đường thủy. 

Kết luận cuộc họp, ông Thăng cũng cho rằng, cái vướng đầu tiên của đường thủy hiện nay là nhận thức. “Bộ GTVT tổ chức hội nghị gồm có bộ trưởng và 4 thứ trưởng nhưng các cục vụ và địa phương chủ yếu là cấp phó dự. Điều đó thể hiện chưa nhận thức được vai trò quan trọng của ngành này” - ông Thăng nói. 

Người đứng đầu ngành GTVT hứa phát triển đường thủy sẽ là trọng tâm hoạt động trong vài năm tới. Ngoài ngân sách, hướng đi trọng tâm là đề xuất các cơ chế để huy động vốn đầu tư của xã hội vào ngành này. 

Theo TP

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang