Đại biểu Quốc hội chất vấn về chất lượng không khí, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói gì?

author 07:10 05/06/2018

(VietQ.vn) - Trong phiên chất vấn chiều 4/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã giải đáp thắc mắc liên quan tới chất lượng không khí tại các thành phố lớn.

Tại phiên chất vấn chiều 4/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đã cũng đặt câu hỏi về vấn đề ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đối với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi: “Ô nhiễm bụi cũng rất nghiêm trọng, nhất là tại các thành phố lớn, theo bản tin hàng ngày, cứ 10 ngày thì người dân Hà Nội có đến 9 ngày hít thở không khí có bụi quá mức cho phép. Vậy Bộ trưởng có biện pháp gì để ngăn chặn một cách hiệu quả tình trạng trên không”?

Cùng thắc mắc trên, đại biểu Trịnh Ngọc Phương cho rằng Việt Nam là một quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo thống kê cho thấy có tới 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém dẫn đến một số bệnh như viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản, bụi phổi than v.v..

“Chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 155 về xử lý vi phạm đối với hành vi gây ô nhiễm không khí, pháp luật về xây dựng giao thông, khai thác khoáng sản, du lịch, v.v. đều quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến nay tình trạng trên vẫn tồn tại và ngày càng có dấu hiệu gia tăng, làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.

Vậy, xin Bộ trưởng cho biết hiện nay bộ đã kiểm soát được tình trạng ô nhiễm này không? Giải pháp cụ thể và căn cơ đã giải quyết đến mức an toàn cho tình trạng nêu trên cũng như làm giảm tác hại của nó đến biến đổi khí hậu... đại biểu Phương nêu câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh: CafeF 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói rằng ông không đồng tình với số liệu “cứ 10 ngày thì người dân Hà Nội có đến 9 ngày hít thở không khí có bụi quá mức cho phép” bởi nó công bố từ một trạm quan trắc của một tổ chức phản ánh mang tính cục bộ. Còn các trạm quan trắc mà Bộ Tài nguyên, môi trường và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang có thì cũng chưa phản ánh tình trạng nghiêm trọng đến vậy.

“Đương nhiên, chúng ta thừa nhận ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn, các đô thị tập trung, đặc biệt liên quan đến giao thông, xây dựng và nguồn từ hoạt động giao thông là có.

Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý đã tham mưu Thủ tướng ban hành quyết định về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí trong nguồn nước, trong đó xác định các địa phương đầu tư hệ thống giám sát môi trường không khí. Theo đó chúng ta sẽ biết nguồn ô nhiễm chính ở đâu, khi nào và phải công bố toàn bộ số liệu đó để nhân dân biết chính xác chứ không phải hiện nay chúng ta từ một đài quan sát mà phát đi trên thế giới như vậy”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, tình hình ô nhiễm chưa nghiêm trọng như đại biểu phản ánh, chưa tới mức đáng quan ngại. Bên cạnh đó, phía Bộ Y tế sẽ có đánh giá xem ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, các bệnh về hô hấp, phổi v.v...Về mặt giải pháp, nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương như áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật Euro 5, giảm nguồn thải từ giao thông.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải đáp các thắc mắc của đại biểu quốc hội về chất lượng không khí tại các thành phố lớn. Ảnh: VGP 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, theo thời vụ hiện nay có nguồn ô nhiễm là rác thải nông thôn rơm rạ, cứ hết mùa thu hoạch đáng lẽ phải tái sử dụng thì trên thực tế một số địa phương, hộ nông dân sử dụng còn đa số lại đốt ngay trên đồng ruộng gây ô nhiễm. Về mùa đông cảm thấy ô nhiễm hơn, đây là do quy luật khí quyển thời tiết nên có cảm giác ô nhiễm hơn.

“Thứ nhất chúng ta thực hiện kế hoạch của Chính phủ đã phê duyệt là hết sức bài bản. Thứ hai là kiểm soát các nguồn đặc biệt là giao thông, tiến đến giao thông công cộng nhiều hơn, chứ nếu giao thông cá nhân nhiều thế này thì rất khó. Chúng ta cần tiến hành kiểm soát ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông, các đô thị văn minh trước khi xe ô tô vào cần có biện pháp kiểm soát ô nhiễm từ các loại xe. Thành phố Hà Nội có đợt dùng than tổ ong đến nay hầu như Hà Nội không còn than tổ ong. Các địa phương khác cũng cần có phương án là thay thế các loại hình thức ở các lò đốt v.v...

Hiện nay, có các nhà máy sản xuất điện hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới là điều chúng tôi đã biết rõ. Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý về an toàn hạt nhân xây dựng các trạm để luôn theo dõi chính xác được. Chúng tôi biết Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước sẽ chính thức làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để thường xuyên có những đoàn thanh tra quốc tế kiểm soát các quy chuẩn an toàn các hoạt động ở đây. Không chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường mà bản thân thành phố Hà Nội vừa rồi cũng đã đưa ra một kế hoạch rất cụ thể về việc phòng, tránh ô nhiễm hạt nhân khi nó xảy ra đối với thành phố Hà Nội”, Bộ trưởng Bộ TN&MT phân tích.

Cuối cùng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, các nhà máy điện hạt nhân không chỉ được sự quan tâm của Việt Nam mà cộng đồng thế giới, tổ chức hạt nhân thế giới cũng có trách nhiệm kiểm soát. Thực tế nhiều nay cũng nhiều nước, ngay biên giới Pháp, Đức cũng như vậy.

“Với những những công nghệ hiện đại và phối hợp quốc tế để giám sát, kiểm soát cũng như chúng ta có trách nhiệm với người dân trong vấn đề thường xuyên theo dõi, giám sát thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với vấn đề này”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Phong Lâm

 

Hà Nội có 91% số ngày ô nhiễm không khí vượt tiêu chuẩnNhững người thực hiện lấy mẫu không khí tại 3.000 địa điểm trên khắp thế giới và sau khi đo đạc, kết luận rằng "92% dân số thế giới phải hít thở loại không khí không đạt chuẩn của WHO". Số liệu cũng cho thấy khu vực Đông Nam Á và bờ tây Thái Bình Dương trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia... là những quốc gia bị ô nhiễm nhất.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang