Bộ trưởng TT&TT: 'Muốn đi đầu trong cuộc cách mạng số phải phổ cập smartphone’

author 18:52 15/01/2019

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, việc cấp phép tần số 4G và thử nghiệm 5G sẽ cho phép tăng dung lượng, tăng sử dụng data trên mỗi người dân, tăng chất lượng mạng di động băng rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, hạ tầng viễn thông hiện nay không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc mà là hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng của CMCN 4.0, hạ tầng kết nối vạn vật. Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạng số thì đầu tiên phải phổ cập smartphone. Đây sẽ là nền tảng để đưa các ứng dụng đến mọi người dân.

Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, để nắm bắt thời cơ chúng ta phải đi cùng nhịp thế giới về công nghệ mới. Việc cấp phép tần số 4G và thử nghiệm 5G sẽ cho phép tăng dung lượng, tăng sử dụng data trên mỗi người dân, tăng chất lượng mạng di động băng rộng.

Theo Chỉ thị về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2019, Bộ TT&TT sẽ xây dựng lộ trình loại bỏ công nghệ cũ, quy hoạch tài nguyên phục vụ phát triển các công nghệ mới. Sử dụng hiệu quả băng tần để nâng cao chất lượng mạng 4G cũng như nghiên cứu cấp phép tần số thử nghiệm 5G.

 5G sẽ cho phép tăng dung lượng, tăng data, tăng chất lượng mạng di động. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, trong 10 năm qua, xếp hạng viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam đã tụt dần xuống xếp thứ trên 100, đứng dưới trung bình thế giới. Những năm tới, chậm nhất là đến 2022, chúng ta phải đưa thứ hạng của Việt Nam về thứ 30 - 50.

Thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu phát triển viễn thông phải đảm bảo yếu tố bền vững, khi thị trường điện thoại đã bão hoà thì phải chuyển nguồn lực sang khai phá các thị trường mới, không gian mới, thay vì vẫn tiếp tục cạnh tranh đến mức thiếu lành mạnh trên thị trường cũ, dẫn đến vấn nạn SIM rác. Bộ TT&TT sẽ làm rất nghiêm việc quản lý cạnh tranh và SIM rác.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đang có cơ hội trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn của thế giới. Thế giới về cơ bản chỉ còn 4 công ty sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, gồm: Ericsson, Nokia, Huawei và ZTE của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm tới trên 60% thị phần, nhưng lại đang gặp khó khăn với Mỹ. Việt Nam hiện nay đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông, với quyết tâm mức Chính phủ, chúng ta sẽ trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất và xuất khẩu được tất cả thiết bị viễn thông.

“Điều này chúng ta phải làm được trong năm 2019-2020. Các nhà mạng Việt Nam phải dùng thiết bị made in Vietnam nếu giá và chất lượng tương đương. Đây là việc có ý nghĩa rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Triệu Vy

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Tin tưởng vào năm có nhiều bứt phá trong hoạt động TCĐLCL(VietQ.vn) - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của Tổng cục TCĐLCL, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tin tưởng vào một năm có nhiều bứt phá trong hoạt động TCĐLCL.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang