Bộ trưởng Vũ Đức Đam: "Hồi bé, đi xe đạp phải đăng ký"

author 07:19 30/03/2013

(VietQ.vn) - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu, hồi ông còn nhỏ, đi xe đạp cũng phải đăng ký biển số. Ngày nay, cần có biện pháp quản lý, đăng ký xe chính chủ...

Chiều qua, 29/3, trong phiên họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã dành nhiều thời gian để nói về quy định phạt xe không chính chủ.

Theo ông, vẫn phải có quy định người dân phải đăng ký xe, đi kèm với chế tài xử phạt những người không tuân thủ.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam quê ở Hải Dương. Ảnh: Nhật Bắc
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam quê ở Hải Dương.
 

Bộ trưởng cho biết, từ năm 1995, xuất phát từ điều lệ an toàn giao thông đường bộ, chúng ta đã quy định việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông nếu phương tiện không phải là chính chủ. Tới năm 2005, có nhận thức lại là vẫn phải quy định nghĩa vụ đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đối với những động sản theo quy định Bộ luật dân sự, mà Bộ luật dân sự quy định những động sản phải đăng ký biển số quốc gia. Chúng ta nhận thức lại phải chuyển đối tượng xử phạt sang chủ phương tiện.

"Cách đây mấy tháng khi Nghị định 71 ra đời, báo chí góp ý rất nhiều, mới thấy rằng bản thân Nghị định vẫn theo đúng tinh thần đó nhưng lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn không đúng tinh thần như vậy, xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông về nguồn gốc phương tiện giao thông mà mình đang điều khiển và việc đó đã được chấn chỉnh. Có nghĩa việc quy định các phương tiện giao thông cơ giới, cụ thể là ô tô, xe máy (phương tiện tác động nhiều đến người dân) được quy định bởi Bộ luật dân sự là cần thiết. Đây là tài sản có giá trị nên giúp người dân bảo vệ quyền sở hữu chính đáng của mình thì phải đăng ký.

Thứ hai, phương tiện giao thông là nguồn gây hậu quả liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Phương tiện giao thông có thể là phương tiện thực hiện các hành vi phạm tội khác nên phải đăng ký, nhưng từng thời kỳ thì khác nhau. Trước đây hồi tôi còn bé, xe đạp cũng phải đăng ký và có biển số, sau này thì bỏ.

Khi cần đăng ký chính chủ thì đương nhiên phải đi kèm với chế tài xử phạt và việc xử phạt vi phạm phải đúng đối tượng là phải xử phạt chủ phương tiện chứ không phải người điều khiển", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phân tích.

Hiện nay, Việt Nam có trên 10 triệu xe máy không chính chủ do rất nhiều quy định bất cập trước đây và bây giờ phải có giải pháp để tạo điều kiện cho người dân khắc phục những lỗi này, mà những lỗi này do hai phía, trong đó, có một phía do quy định của cơ quan nhà nước (hạn chế phương tiện các nhân, nên một người có nhiều xe nhưng chỉ dám đăng ký 1 xe)...

Bộ Tài chính, Bộ Công an đã có những đề xuất từ ý kiến nhân dân, báo chí, như giảm phí, thuế khi đăng ký lại, hay đơn giản hóa thủ tục. Nhưng để thực hiện đối với cả chục triệu phương tiện thì cần có thời gian. 

Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã có trao đổi, hai Bộ đang tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi và khi hai Bộ trình lên, Chính phủ sẽ xem xét với tinh thần là quản lý tốt xã hội nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khắc phục tồn tại trong nhiều năm trước đây.

Hiện dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến nhân dân. Sau đó, Chính phủ sẽ lấy ý kiến tập thể về dự thảo Nghị định này.

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang