Y, bác sỹ có thể bị đuổi việc nếu bị bệnh nhân phản ánh nhiều lần

author 09:56 19/11/2013

Sau nhiều vụ việc đau lòng xảy ra tại các cơ sở y tế, ngày 18-11-2013, Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến toàn quốc để thiết lập đường dây nóng (ĐDN) tiếp nhận phản ánh của bệnh nhân về chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kỳ vọng với chủ trương mới này sẽ cứu cánh giúp ngành xử lý dứt điểm tiêu cực liên quan đến y đức trong ngành y.

Theo ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh- Bộ Y tế, hiện toàn quốc đã có 1.140 đơn vị y tế thiết lập ĐDN. Tuy nhiên, điều bất cập nhất hiện nay là ý kiến phản ánh của bệnh nhân chưa được giải quyết thấu đáo nên bệnh nhân chưa hết bức xúc. Điều đó phản ảnh vì sao, trong thời gian qua, dù các bệnh viện đã có ĐDN, nhưng người dân, bệnh nhân vẫn gọi điện cho báo chí để phản ánh.

Về bức xúc của bệnh nhân đối với cơ sở y tế hiện nay được phản ánh qua ĐDN do Bộ Y tế mới thiết lập, ông Nguyễn Xuân Trường- Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết: Sau 10 ngày ĐDN của Bộ Y tế hoạt động (từ ngày 8-11-2013 đến ngày 18-11-2013) đã tiếp nhận 281 cuộc gọi của người dân. Trong đó có 33 cuộc gọi phản ánh về thái độ cũng như chuyên môn của cán bộ, nhân viên y tế, 20 cuộc phản ánh gay gắt về vấn đề thu viện phí và chẩn đoán sai các xét nghiệm cận lâm sàng. Bên cạnh đó, nhiều cuộc gọi phàn nàn thủ tục thanh toán BHYT, vi phạm nội quy, quy định của bệnh viện.

ĐDN liệu có phải là bài thuốc đặc trị những tiêu cực liên quan tới y đức?

Tính quan trọng của ĐDN đương nhiên được thừa nhận, nhưng làm sao để phát huy được hiệu quả thì vẫn là vấn đề cần bàn. Vì vậy Bộ Y tế đã công bố Dự thảo “tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh từ người dân về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh thông qua đường dây nóng”, trong đó đưa ra nhiều nội dung mà người dân có thể phản ánh qua ĐDN.

Tuy nhiên về vấn đề này ông Trịnh Hồng Sơn- Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho rằng ĐDN không nên tiếp nhận quá nhiều nội dung mà chỉ nên tiếp nhận 2 nội dung. Một là phản ánh thái độ của nhân viên y tế. Hai là phán ánh vấn đề chuyên môn, chẳng hạn như tình trạng cấp cứu, như thế mới tập trung vấn đề trọng tâm.

Ông Sơn cũng cho biết, ngay trong ngày 19-11, Bệnh viện Việt Đức sẽ triển khai ngay ĐDN để tiếp nhận ý kiến phản ánh của bệnh nhân.

Đại diện Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần phân biệt ĐDN và các vấn đề phản ánh khác. Vì vậy, bên cạnh thiết lập ĐDN, thì cần thiết phải lập thêm đường dây tư vấn để giải thích rõ những vấn đề bệnh nhân quan tâm.

Cũng theo vị đại diện này, tại TP. Hồ Chí Minh, hầu hết các đơn vị đều đã có ĐDN, nhưng có nơi hoạt động chưa hiệu quả, nên bệnh nhân vẫn rất bức xúc.

Về vấn đề này, ông Đặng Văn Chính- Chánh Thanh tra Bộ Y tế đề xuất: ĐDN tại các bệnh viện cần công khai số điện thoại của giám đốc bệnh viện để bệnh nhân phản ánh. Khi công khai số của giám đốc, bản thân nhân viên y tế cũng thấy sợ mà không dám làm sai.

Theo Hải quan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang