Bố từng ‘nhúng chàm’, con không được vào ngành công an là bất hợp lý

author 06:56 14/08/2016

(VietQ.vn) - Luật sư Đặng Văn Cường trăn trở: Quy định cha mẹ đã từng bị kết án thì con không được vào ngành công an có còn phù hợp với xã hội hiện nay?

Lý lịch của thí sinh thi tuyển vào ngành công an là một vấn đề được nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây, nhất là sau vụ việc có thí sinh thi được điểm cao nhưng được thông báo là không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để theo học các trường của ngành công an.

Điển hình là trường hợp của thí sinh Nguyễn Như Quỳnh (SN 1997, xã Minh Khai, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) đạt 30,5 điểm trong kỳ thi quốc gia năm nay. Như Quỳnh được thông báo là không đủ điều kiện theo học trong trường của ngành công an vì bố, mẹ của các em đã từng bị kết án (đã xóa án tích từ khi chưa sinh các em này).

Đạt số điểm "xưa nay hiếm" trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng Quỳnh đang phải đối mặt với nguy cơ trượt ĐH.

Theo thông tin ban đầu thì "ngay sau khi biết điểm, gia đình Quỳnh nhận được thông báo từ Công an tỉnh Lạng Sơn là Quỳnh không đủ tiêu chuẩn chính trị để vào ngành. Nguyên do là án tích của bố em trước khi em chào đời ở thế kỷ trước".

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, về nguyên tắc của Luật giáo dục và Quy chế tuyển sinh thì điều kiện dự tuyển, xét tuyển, thi tuyển vào một trường cao đẳng, đại học là "công khai". Nếu thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi theo thông báo tuyển sinh và đạt kết quả theo yêu cầu tuyển sinh thì phải được nhập học đúng với chuyên ngành mà thí sinh đó đăng ký.

Trong trường hợp thí sinh đạt điều kiện, tiêu chuẩn dự thi và đạt kết quả đủ số điểm trúng tuyển mà nhà trường không tiếp nhận hồ sơ thì thí sinh đó có quyền khiếu nại về việc từ chối nhập học đó đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Luật sư Đặng Văn Cường

Về thông tin có thí sinh đã không được theo học ở các trường trong ngành công an với lý do cha hoặc mẹ đẻ của thí sinh đã từng bị kết án (mặc dù đã được xóa án tích), theo Luật sư Cường thì có lẽ quy định trên là của nội bộ ngành, không công khai rộng rãi nên tìm kiếm văn bản quy định này không dễ. Vì vậy, nếu thí sinh nào rơi vào trường hợp trên thì có quyền yêu cầu cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản là quy định này ở văn bản pháp luật nào, có mâu thuẫn với quy định của Luật giáo dục và các văn bản pháp luật có liên quan hay không?

Theo quan điểm của Luật sư Đặng Văn Cường: Đành rằng mỗi một nghề nghiệp lại có những yêu cầu đặc thù về nhân lực, là căn cứ để lựa chọn, tuyển dụng cho phù hợp với yêu cầu công việc, nhiệm vụ được giao. Lực lượng vũ trang (công an, quân đội) là lực lượng "lao động" đặc biệt, quan trọng và có tính đặc thù riêng nên trong tuyển dụng sẽ không tránh khỏi việc đưa ra những tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù như về: Hình thức, sức khỏe, chiều cao, cân nặng, bản lĩnh chính trị...

“Nhưng nếu có quy định là lý lịch của các thí sinh theo học các trường trong lực lượng vũ trang đòi hỏi phải ‘trong sạch’ đến mức bố, mẹ phải chưa từng bị kết án thì tôi cho rằng quy định này không còn phù hợp với thời đại, xã hội hiện nay. Quy định này (nếu có) thì cần phải bãi bỏ để đảm bảo quyền bình đẳng của các thí sinh trong việc thực hiện quyền học tập, một trong những quyền tự do cơ bản của công dân”, Luật sư Cường nói.

Cũng theo ông Cường, nếu yêu cầu về mục đích chính trị thì có thể quy định không lựa chọn trường hợp cha, mẹ thí sinh đang có án tích về các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Còn đối với các tội danh khác hoặc đã bị xóa án tích mà vẫn xác định là "nhân thân xấu" để hạn chế quyền được học tập, phấn đấu của con cái họ thì điều này không phù hợp với xã hội hiện nay.

“Quy định như vậy thì vẫn mang nặng ‘chủ nghĩa lý lịch’, làm hạn chế việc thu hút nhân tài xây dựng, bảo vệ tổ quốc, gây bất bình đẳng cho các thí sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp”, Luật sư Đặng Văn Cường trăn trở.

Bởi theo ông, quy định của pháp luật Việt Nam "tội phạm" là hành vi chứ không phải là "con người", và con người thì có khả năng nhận thức, có khả năng cải tạo, giáo dục.

Vì vậy, khi một người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý, phải chịu hình phạt... Nếu hình phạt không phải là "tử hình" - bị loại bỏ khỏi đời sống xã hội (không còn khả năng cải tạo, giáo dục) thì người đó vẫn còn có khả năng cải tạo, giáo dục để trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.

Pháp luật hiện hành khuyến khích người phạm tội tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tạo điều kiện để người phạm tội cải tạo, giáo dục, sửa chữa lỗi lầm để sớm trở về với đời sống xã hội, tái hòa nhập cộng đồng.

Luật sư Cường trích dẫn một số nội dung quan trọng trong Bộ luật hình sự hiện hành quy định tại Điều 63 - Xoá án tích.

“Người bị kết án được xoá án tích theo quy định tại các điều từ Điều 64 đến Điều 67 của Bộ luật này. Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được Toà án cấp giấy chứng nhận”.

Như vậy, có thể thấy Bộ luật hình sự hiện hành quy định quyền bình đẳng của người đã được xóa án tích với người chưa từng bị kết án. Quy định như vậy thể hiện khả năng cải tạo, giáo dục của con người và cơ hội cho những người lầm lỡ làm lại cuộc đời.

“Đó là quy định với bản thân người phạm tội. Còn đối với con cái: Con cái của người đã từng bị kết án không có tội, chúng không phải chịu những hậu quả pháp lý mà cha mẹ của chúng gây ra. Theo các nghiên cứu từ trước tới nay trong khoa học pháp lý thì tội phạm không có yếu tố di truyền, nghĩa là người cha, người mẹ phạm tội thì không tất yếu đẻ ra những đứa con hư, không có nhân cách. Đạo đức do giáo dục mà ra chứ không phụ thuộc vào gen di truyền.

Vì vậy, thiết nghĩ cần phải kiểm tra, rà soát quy định này trong lực lượng vũ trang, nếu có thì nên sửa đổi cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp, luật và xu hướng phát triển của xã hội, tạo sự bình đẳng trong môi trường học tập và tự do lựa chọn nghề nghiệp của các em học sinh. Đó cũng là cơ hội để thu hút nhân tài cho đất nước mà vẫn đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia, an toàn xã hội”, Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị. 

VIẾT CƯỜNG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang