Chuyên gia nói: Bố vợ chém chết con rể có thể không bị khởi tố tội giết người

author 05:46 18/05/2016

(VietQ.vn) - Có thể ông Nam chém chết con rể trong trạng thái bị kích động mạnh, dồn nén về tinh thần, không còn được minh mẫn.

Ngày 16/5, trước thông tin ông Nguyễn Văn Nam (58 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP HCM) chém chết con rể do anh này thường xuyên nhậu say rồi về đánh đập, chửi bới vợ, phần lớn độc giả đều bày tỏ thương cảm người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, "với vô số vết nhăn cuộc đời".

Dẫu rằng những vụ án giết người xảy ra ở nước ta không ít, thậm chí có những vụ án thảm sát, man rợ... khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ nhưng với vụ án bố vợ chém chết con rể rồi chở xác đến công an đầu thú cũng hiếm gặp và chất chữa nỗi đau đớn của hung thủ khi phải nhẫn tâm "xuống tay" với chính con rể của mình.

Người cha chở xác con rể đến phường tự thú. Ảnh: Người dân cung cấp

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính pháp) chia sẻ, có lẽ không ai đồng tình với cách giải quyết mâu thuẫn của ông bố vợ là hành vi giết người, hành vi tự xử trước thái độ hỗn láo của anh con rể. Tuy nhiên, chắc rằng sẽ nhiều người thương cảm, chia sẻ tâm trạng của một người cha thương con.

Cuộc hôn nhân không hạnh phúc, khiến con gái ông phải ly thân, trở về nhà cha mẹ đẻ đã là một cú sốc với ông. Thêm vào đó, anh con rể vẫn không buông tha, hàng ngày rượu say đến nhà ông chửi bởi, gây sự khiến cho tinh thần ông bố vợ bị kích động, bức xúc... Những dồn nén về tinh thần, sự bực bội đã là nguyên nhân để ông bố vợ không còn minh mẫn nữa, ông ấy đã lựa chọn cách giải quyết vấn đề mà pháp luật không cho phép - Giết người.

Với hành vi như vậy, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng ông Nguyễn Văn Nam có thể bị khởi tố về tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự và ông Nam sẽ đối mặt với mức án tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên trước khi xem xét khởi tố về tội danh này thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ "mặt chủ quan của tội phạm", nghĩa là làm rõ động cơ, mục đích phạm tội, làm rõ tinh thần của ông Nam có bị "kích động mạnh" khi thực hiện hành vi phạm tội hay không.

"Nếu có căn cứ cho rằng tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội (giết người) mà ông Nam đang trong tình trạng tinh thần "bị kích động mạnh" do hành vi trái pháp luật của nạn nhân (anh con rể) thì ông Nam sẽ không bị khởi tố về tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS mà sẽ bị khởi tố theo quy định tại Điều 95 Bộ luật hình sự về tội giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh. Nếu bị xử lý theo quy định tại Điều 95 Bộ luật hình sự thì ông Nam chỉ đối mặt với mức án từ 6 tháng đến 3 năm tù (khoản 1, Điều 95 BLHS)", Luật sư Cường nói.

Trong vụ án này, theo Luật sư, yếu tố tinh thần của bị can là mấu chốt để định tội danh theo Điều 93 hay Điều 95 Bộ luật hình sự. Mức án ở hai tội danh này rất khác nhau. Nếu tinh thần ông Nam bị kích động mạnh thì hình phạt không quá 3 năm tù. Còn nếu với tội giết người theo khoản 1, Điều 93 BLHS thì hình phạt cao nhất là tử hình.

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn LS TP Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ thêm: Tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền quyền quyết định ông Nam có tội hay không, tội gì và mức hình phạt ra sao. Nhưng dù gì thì hành vi của ông Nam cũng là sự lựa chọn thiếu sáng suốt, đó là một sự hi sinh chưa thực sự cần thiết.

Nếu với hành vi càn quấy, gây rối của anh con rể thì ông có thể trình báo công an địa phương để xử lý theo pháp luật. Anh con rể sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị khởi tố về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc ông có thể khuyên nhủ, động viên con gái thực hiện thủ tục ly hôn cho không còn vướng víu với người như "anh Chí" đó nữa hoặc nhờ người thân, gia đình con rể khuyên can cũng là một giải pháp.

Đằng này, ông Nam đã "tự xử" tự chọn cách giải quyết mà pháp luật không cho phép nên ông Nam sẽ phải trả giá cho hành vi của mình. Có thể ông Nam đã tự nguyện chấp nhận, bằng lòng với mức án (có thể là cao nhất) với suy nghĩ rằng như thế là hi sinh, là giải thoát cho con gái mình, cho gia đình mình. Nhưng kết thúc như vậy là quá đau lòng, có nhiều cách giải quyết hợp lý hợp tình hơn theo quy định pháp luật.

Sự "hi sinh" của ông Nam chưa chắc đã giải quyết được triệt để vấn đề mà có thể sẽ làm vụ việc càng thêm chua xót, mất mát, tổn thương lâu dài trong gia đình ông Nam... Vì vậy, mong rằng sẽ không có những vụ việc tương tự, không nên nóng giận mà "tự xử" để nỗi đau chồng lên nỗi đau. Hãy để những người lương thiện được pháp luật bênh vực, bảo vệ, hãy hành xử với nhau trên cơ sở pháp luật và đạo đức xã hội để những người dân được bình yên, hạnh phúc.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang