Bô xít Tây Nguyên: Nên đánh giá hiệu quả khách quan hơn!

author 09:59 20/05/2014

"Khai thác tài nguyên của quốc gia mà lại lỗ về tài chính và hiệu quả KTXH không rõ ràng thì đương nhiên là không nên làm".

Đó là nhận định của Th. S Phạm Quang Tú - Nguyên Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển (CODE) trước việc vừa qua QH đã nghe báo cáo về hiệu quả hai dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ.

Đánh giá trên diện rộng là đúng

PV: -Vừa qua, UB Thường vụ QH đã nghe báo cáo chuyên đề Hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ để chuẩn bị cho kỳ họp QH sắp tới. Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu- Trưởng đoàn giám sát cho rằng, cần đánh giá hiệu quả của hai dự án này ở diện rộng hơn, là chuyên gia trong vấn đề này, ông hiểu đánh giá rộng hơn là như thế nào?

Th. S Phạm Quang Tú: - Trước tiên, tôi đồng tình với đề xuất này, bởi một chương trình lớn, đã nhận được sự quan tâm của nhiều bên liên quan, nhưng vẫn còn những ý kiến khác nhau như chương trình bô xít Tây Nguyên thì không thể chỉ đánh giá trên một phương diện thuần túy như hiệu quả kinh tế tài chính DN, hay cũng không thể đánh giá ở một góc độ nhỏ hẹp như công nghệ mà có thể đưa ra được những kết luận, những quyết sách tốt. Chương trình này cần có những đánh giá ở một diện rộng hơn.

Có lẽ các đánh giá trong đợt giám sát vừa qua chưa phản ánh được hết toàn bộ các khía cạnh về hiệu quả kinh tế-xã hội của 2 dự án, nên Trưởng đoàn giám sát mới có yêu cầu như vậy. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một số khía cạnh quan trọng trong quá trình đánh giá đối với chương trình bô xít Tây Nguyên như sau:

Thứ nhất, về khía cạnh sinh thái, Tây Nguyên là vùng địa sinh thái, với đa dạng sinh học cao và là vùng đầu nguồn của 4 con sông lớn. Tất cả tác động về mặt tài nguyên, môi trường ở vùng này không chỉ ảnh hưởng đến Tây Nguyên mà nó còn ảnh hưởng vùng hạ du.

Hiện nay, 2 dự án Tân Rai, Nhân Cơ đang xây dựng thí điểm nằm ở đầu nguồn của 2 con sông, Tân Rai là đầu nguồn sông Đồng Nai chảy về vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế động lực Thành phố Hồ Chí Minh, còn Nhân Cơ là đầu nguồn cả sông Đồng Nai và sông Srepok, trong đó sông Srepok đổ sang Campuchia trước khi hợp lưu với sông Mê Kông để chảy về lãnh thổ Việt Nam ở ĐBSCL. Vì thế, cần đánh giá rộng về mặt sinh thái như vậy.

Thứ hai, về khía cạnh XH, cần đánh giá cụ thể và thực chất hơn về việc 2 dự án Bô xít này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương và những người dân ở vùng khác như thế nào?

Khi thực hiện đánh giá, cần tránh xa tư duy và nghĩ một cách đơn giản rằng bất kỳ một công trình hay một nhà máy nào được đầu tư, xây dựng thì ngay lập tức nó sẽ ảnh hưởng tốt, tích cực đến đời sống của người dân địa phương ở đấy.

Đây không phải là mệnh đề tất yếu, và vì thế không thể nói một cách chung chung rằng các dự án này có hiệu quả lan tỏa, hiệu quả ảnh hưởng mà không đưa ra các bằng chứng, các con số cụ thể.

Trước tiên, nói về vấn đề ảnh hưởng của dự án đến tăng thu nhập của người dân quanh vùng, liệu các dự án có tạo được công ăn việc làm và tạo được bao nhiêu việc làm cho người dân trong vùng? Dự án ảnh hưởng như thế nào đến phong tục tập quán, cách sống, văn hóa của người dân địa phương?

Tất cả những cái này phải được đánh giá, phải được cân đong đo đếm và phải được lượng hóa theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực, trên cơ sở đó mới có thể kết luận được là nó tốt hay không tốt.

Từ trước đến nay chúng ta chưa có một nghiên cứu, đánh giá nào để lượng hóa về vấn đề này. Đó là lý do vì sao phải đánh giá rộng hơn.

Thứ ba, đánh giá về vị trí địa chính trị, Được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, Tây Nguyên hiện nay có đường biên giới với vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Mối quan hệ quốc tế, xuyên biên giới ở vùng này là rất quan trọng.

Đặc biệt, chúng ta trong bối cảnh phát triển hiện nay của Việt Nam thì việc tiếp tục xây dựng mối quan hệ VN – Lào – Campuchia ngày càng quan trọng. Về nội bộ chúng ta cũng đã thấy rõ qua những sự kiện năm 2001, 2004 và 2008 ở Tây Nguyên.

Ngày nay, mặc dù về cơ bản chúng ta đã giải quyết ổn thỏa, nhưng cũng luôn lưu ý rằng những nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn, vì thế vẫn luôn phải thận trọng.

Cuối cùng, Tây Nguyên có thể là vùng địa kinh tế, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, đất đỏ bazan, văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số và kể cả bô xít, nếu được khai thác đúng cách, đúng thời điểm thì nó cũng có thể đem lại lợi ích kinh tế và đóng góp không chỉ cho kinh tế Tây Nguyên mà còn nhiều vùng khác.

Bô xít Tây Nguyên cần được đánh giá khách quan hơn

PV: - Đã từng đi Tây Nguyên nghiên cứu về đời sống người dân quanh hai dự án này, ông đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội ra sao? Trước Vinacomin đã từng đề xuất giảm mức bồi thường cho dân vì có thể hoàn thổ trồng trọt sau khai thác, đề xuất này đã được chấp thuận chưa và nếu được thì sẽ ra sao, thưa ông?

Th. S Phạm Quang Tú: - Hiện nay, chưa có một đánh giá nào hoàn chỉnh về hiệu quả KTXH của dự án này đối với Tây Nguyên.

Có hai lý do: Một là, các dự án này đang trong thời gian đầu triển khai. Hai là, các bên liên quan vẫn còn thiếu thông tin để thực hiện một nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và khách quan. Cho đến nay, nhà máy Tân Rai đã được xây dựng và sản xuất ra sản phẩm trong hơn 1 năm nay, vì thế, tôi cho rằng đã đến lúc cần có đánh giá về về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án thí điểm này.

Tôi biết nhiều nhà khoa học sẵn sàng tham gia những nghiên cứu, đánh giá này. Tuy nhiên, muốn làm được, làm đúng thì phải có thông tin. Nếu đánh giá không có thông tin thì không khác nào thầy bói xem voi, mỗi người một ý, tạo ra các ý kiến khác nhau, các cực quan điểm khác nhau.

Với đề nghị của Vinacomin trong việc chuyển từ thu hồi đất đai sang thuê đất có thời hạn, cá nhân tôi ủng hộ đề xuất này bởi thông thường ở VN các nhà đầu tư thường thu hồi vĩnh viễn dẫn đến người dân mất đất. Trong trường hợp thuê đất thì người dân được trả lại đất về sau.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở chỗ khi thực hiện thuê đất cần có những yêu cầu và cam kết của chủ đầu tư trong 3 việc: thứ nhất là phải tính đúng, tính đủ việc bồi thường các sản phẩm trên đất, thứ hai phải bồi thường chi phí cơ hội mà người dân đáng lẽ được hưởng từ các sản phẩm trên đất trong quá trình thuê đất và thứ ba là phải đảm bảo đất đai sau khi khai thác phải được phục hồi lại năng lực sản xuất của đất ít nhất là bằng so với thời điểm trước khi thu hồi.

Tuy nhiên, theo tôi thì đây không phải là việc làm dễ dàng và rẻ tiền. Cho đến nay, sau nhiều năm thử nghiệm của Vinacomin cho thấy chỉ có duy nhất cây keo sống được trên đất sau khai thác bô xít, trong khi đó đây là vùng đất trồng cây công nghiệp như chè, cà phê, có giá trị kinh tế cao hơn nhiều.

Không thể sản xuất sắt từ bùn đỏ ở quy mô công nghiệp

PV: - Lựa chọn khai thác tài nguyên thì để lỗ, vậy thì phải hiểu về ý nghĩa việc khai thác tài nguyên này như thế nào? Mặt khác, báo cáo của quốc hội cũng đã chỉ rõ có nhiều lao động Trung Quốc đang làm tại hai dự án, là mối lo lắng không hề nhỏ, ông nghĩ sao?

Th. S Phạm Quang Tú: - Khai thác tài nguyên của quốc gia mà lại lỗ về tài chính và hiệu quả KTXH không rõ ràng thì đương nhiên là không nên làm.

Hiến pháp, các văn bản luật của chúng ta đều ghi rõ ràng tài nguyên thiên nhiên bao gồm đất đai, nước, rừng tự nhiên, khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quản lý, vì vậy cần hiểu khai thác phải tạo ra lợi nhuận cho nhà nước, cho người dân. Do đó, những hoạt động khai thác tài nguyên mà không đáp ứng được lợi ích của các chủ thể nêu trên thì nên dừng lại.

Còn đối với việc lao động TQ làm việc tại VN, thực ra xã hội chúng ta lo ngại chuyện này từ lâu. Thời điểm xây dựng nhà máy Tân Rai, đỉnh điểm cũng có 1400 – 1500 công nhân. Nhưng theo tôi biết thì hiện tại cũng không có nhiều công nhân, nhân viên kỹ thuật của TQ làm việc tại hai dự án này.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong thời gian qua cũng đã quan tâm, giải quyết tốt về việc này, vì thế có lẽ đây không phải là vấn đề có nhiều quan ngại trong thời điểm hiện nay.

PV: - Cũng có ý kiến cho rằng có thể sử dụng bùn đỏ để chế tạo sắt xốp, đây có được coi là một hướng hiệu quả của dự án khai thác bô xít?

Th. S Phạm Quang Tú: - Về nguyên lý khoa học, chắc chắn từ bùn đỏ có thể chế tạo ra sắt vì trong đất đỏ bazan và trong bùn đỏ có oxit Sắt. Vì thế, tôi không bất ngờ về phát hiện này. Ở trong phòng thí nghiệm hoặc ở quy mô nhỏ chúng ta hoàn toàn có thể làm như vậy.

Vấn đề là ở chỗ liệu chúng ta có thể làm nó ở quy mô công nghiệp, sản xuất ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh với thị trường sắt nguyên liệu hiện nay hay không? Đây là vấn đề cần đặt ra và tôi cũng như nhiều nhà khoa học khác có nhiều quan ngại.

Cũng cần phải biết rằng, ngành công nghiệp bô xít đã phát triển trên thế giới hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, hiện chưa một quốc gia nào trên TG sản xuất sắt từ bùn đỏ theo quy mô công nghiệp để thành thương phẩm và bán trên thị trường, kể cả những nước có nền khoa học tiên tiến hiện đại nhất như Australia.

PV: - Theo ông, với những rủi ro lớn về tài chính, dù Vinacomin đã xin đủ loại ưu đãi cho bauxite, cách đây gần 3 tháng, Bộ Công thương tiếp tục đề xuất nhiều ưu đãi cho hai dự án bauxite này như bỏ thuế VAT, giảm phí môi trường, giảm giá điện cho nhà máy luyện nhôm, thậm chí giảm tiêu chí an toàn của hồ bùn đỏ… để bớt lỗ. Đã đến lúc phải ngồi lại, đánh giá hiệu quả của hai dự án bauxite để đưa ra quyết định chưa? Thời điểm này đã phù hợp chưa và vì sao?

Th. S Phạm Quang Tú: - Cá nhân tôi không đồng ý với những đề xuất này của Bộ công thương và TKV. Bỏ thuế VAT, giảm phí môi trường… là những đề xuất vô lý.

Cần phải nhìn nhận rằng đây là những tiêu chí đầu tiên để đánh giá liệu dự án này có đảm bảo an toàn, có đóng góp được cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cho ngân sách nhà nước hay không, vì thế, không thể loại chúng ra ngoài được.

Có lẽ, những đề xuất này được đưa ra là với mục tiêu giúp giải quyết những khó khăn về tài chính của chủ đầu tư trong thời điểm hiện nay và giúp biện minh về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Tôi cho rằng, với những gì đã diễn ra, đây là thời điểm tốt để triển khai đánh giá 5 năm thực hiện NQ của Bộ chính trị về chương trình bô xít Tây Nguyên. Thời điểm này đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để thực hiện đánh giá, đặc biệt trong bối cảnh đã vận hành và đưa vào sản xuất nhà máy Tân Rai được 1 năm.

Tôi kiến nghị UBTVQH chỉ đạo sát sao để nghiêm túc thực hiện đánh giá hiệu quả KTXH, làm cơ sở để đề xuất với Chính phủ, QH và Bộ chính trị về các quyết định tiếp theo đối với chương trình bô xít Tây Nguyên.

Nên dừng Nhân Cơ

PV: - Việc có một báo cáo chuyên đề về bauxite tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liệu có phải là dấu hiệu vấn đề bauxite sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội lần này? Cùng với những chuyến giám sát hiệu quả thời gian vừa qua, ông có tin rằng, Quốc hội sẽ đưa ra quyết sách sáng suốt cho hai dự án bauxite này?

Th. S Phạm Quang Tú: - Với vai trò là một công dân và là một nhà khoa học đã tham gia nghiên cứu chương trình khai thác bô xít 6 – 7 năm nay tôi rất vui mừng và hoan nghênh quyết định của Quốc hội về việc thực hiện giám sát củaUBTVQH về hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án bô xít thí điểm..

Vấn đề còn lại ở đây là đánh giá, giám sát như thế nào? liệu hoạt động giám sát có thể đánh giá được toàn diện như lo lắng của Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu đã nêu ra trong cuộc họp vừa qua của UBTVQH hay không?

Cũng có thể nhận thấy rằng QH bận rất nhiều việc, trong khi thời gian cho giám sát không nhiều và sự tham gia của các bên liên quan vào đánh giá của QH chưa toàn diện, đầy đủ.

Đây là những điểm mà tôi lo lắng và mong rằng QH sẽ tổ chức đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và sáng suốt để có thông tin chính xác về các dự án này làm cơ sở cho các quyết định chính xác tiếp theo.

PV: -Nếu được đề xuất tư vấn góp ý cho Quốc hội, theo ông, phương án nào tốt nhất để hài hóa vấn đề kinh tế xã hội gắn với an ninh quốc phòng của hai dự án bauxite trên?

Th. S Phạm Quang Tú: - Đề xuất của tôi đối với chương trình bô xít Tây Nguyên đúng với những gì mà Quốc hội đang làm, đó là đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế - xã hội của các nhà máy thí điểm.

Tuy nhiên, để đánh giá có hiệu quả, tôi đề nghị đoàn giám sát của Quốc hội mở rộng thời gian giám sát, đồng thời cần mở rộng sự tham gia của các bên khác nhau. Trong thành phần đoàn giám sát, không chỉ bao gồm các đại biểu QH, các cơ quan nhà nước, chủ đầu tư TKV mà còn là sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức đã có nhiều năm nghiên cứu về bô xít như VUSTA.

Trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo có quyết sách tốt nhất, theo tôi nên tạm thời dừng việc xây dựng nhà máy Nhân Cơ, dồn toàn lực để thục đẩy nhanh các hạng mục còn lại của Tân Rai và thực hiện đánh giá tổng thể hiệu quả nhà máy này.

Trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ, QH, Bộ chính trị để ra quyết định tiếp theo. Việc dừng nhà máy Nhân Cơ là tạm thời để chờ kết quả đánh giá của Tân Rai, từ đó có quyết định chính xác tiếp theo đối với Nhân Cơ và đối với toàn bộ ngành công nghiệp bô xít của Tây Nguyên.

Cuối cùng, qua Đất Việt, tôi cũng muốn bày tỏ suy nghĩ của mình với tư cách là một công dân Việt Nam, đó là, trước diễn biến thời sự ở Biển Đông hiện nay, theo tôi có lẽ thời gian này, điều chúng ta cần làm nhất là Nhà nước và nhân dân cùng chí hướng, cùng nhau một lòng để từng bước giải quyết vấn đề vi phạm pháp luật, vi phạm công ước quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông của Việt Nam.



- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Theo Báo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang