Bộ Y tế báo cáo gì với Thủ tướng về dịch sởi những ngày nghỉ lễ?

author 08:56 03/05/2014

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường vừa có báo cáo gửi Thủ tướng chính phủ về tỉnh hình dịch sởi và các phương án triển khai phòng chống dịch.

Sự kiện: Cách phòng chống và điều trị bệnh Sởi

Báo cáo của Thứ trưởng Cường gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, tính đến ngày 1/5, cả nước ghi nhận thêm 51 trường hợp mắc sởi xác định. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.883 trường hợp mắc sởi xác định trong số 13.012 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Có 32 trường hợp nhập viện tại 3 bệnh viện (Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), giảm 06 trường hợp so với ngày 30/4/2014.

Cũng theo báo cáo, trong ngày cả nước ghi nhận 02 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi tại Bệnh viện Bạch Mai. Tích lũy năm 2014 ghi nhận 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 132 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi. Các khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên đến nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Trong ngày có 13 tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp nghi sởi mới.

Bộ trưởng Tiến thăm các trẻ bị Sởi

Trong báo cáo của ngành, Thứ trưởng Cường cũng thông tin cụ thể về tình hình thu dung, điều trị của một số bệnh viện Trung ương. Cụ thể:

Bệnh viện Nhi Trung ương:

+ Số bệnh nhân đang điều trị sởi: 235

+ Số bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày 01/5/2014: 09

+ Số bệnh nhân tử vong trong ngày: 0

Bệnh viện Bạch Mai:

+ Số bệnh nhân đang điều trị sởi: 75

+ Số bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày 01/5/2014: 12

+ Số bệnh nhân tử vong trong ngày: 02

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương:

+ Số bệnh nhân đang điều trị sởi: 87

+ Số bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày 01/5/2014: 11

+ Số bệnh nhân tử vong trong ngày: 0

Về kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin sởi phòng chống dịch và tiêm vét vắc xin sởi chung trên toàn quốc đến ngày 01/5/2014 là 84,8%, tăng 0,5% so với ngày 30/4/2014. 16 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi cao trên 95% là: Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Phú Yên, Kon Tum, Cần Thơ, Đắc Nông, Phú Thọ, Hải Dương, Cà Mau, Ninh Bình, Hậu Giang; 40 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi từ 70-95%; 07 tỉnh, thành phố còn lại đạt tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi từ 60-70% là: Bình Phước, Bình Định, Thái Nguyên, Điện Biên, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Thuận.

Báo cáo ghi nhận sự nỗ lực của lãnh đạo ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch sởi. Cụ thể, ngày 01/5/2014, Đoàn công tác của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi tại tỉnh Thanh Hóa; Tổ chức trực dịch tại tất cả các đơn vị y tế dự phòng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong dịp ngày nghỉ lễ, tiếp tục triển khai tiêm vét vắc xin sởi tại tất cả các tỉnh, thành phố đặc biệt là các tỉnh có tỷ lệ tiêm chưa đạt mục tiêu đề ra; Hà Nội tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, phê duyệt Kế hoạch triển khai tiêm bổ sung vắc xin sởi miễn phí cho trẻ từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi. Tiếp tục đi kiểm tra công tác cấp cứu điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện huyện Ba Vì, Thanh Trì, Đan Phượng.

Ngành Y tế đang nỗ lực hết sức mình

Thông tin trên Cổng thông tin Bộ Y tế cũng cho hay, chiều 30/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch đã triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tham gia cùng đoàn công tác có PGS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tế TW; PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Ông Cao Hưng Thái, Cục Phó Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Dương Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh, Ban Giám đốc Sở Y tế, các bệnh viện có liên quan.

Tại buổi làm việc đoàn công tác đã nghe báo cáo của của Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết  tính đến ngày 29/4/2014 tổng số ca mắc sởi và sốt phát ban được  ghi nhận là 669, tổng  số ca sốt phát ban và sởi khỏi bệnh là 561 bệnh nhân. Ban Giám đốc Sở trực tiếp chỉ đạo các công tác liên quan đến tình hình bệnh nhân mắc sởi điều trị tại các bệnh viện. Tổ chức họp hàng tuần đánh giá tình hình bệnh nhân mắc sởi đang điều trị tại các bệnh viện. Chú trọng việc cung cấp thông tin về dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, tổ chức tuyên truyền rộng rãi về bệnh sởi và cách phòng tránh trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục tiêm vắc xin phòng sởi cho các đối tượng được tiêm chủng; tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế; chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ cơ số thuốc; dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất khử khuẩn môi trường, phương tiện hô hấp; cấp máy thở cho các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện huyện, trang bị kít chuẩn đoán sởi cho trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cấp phụ cấp chống dịch cho cán bộ y tế.

Tại buổi làm việc đoàn công tác đã đi kiểm tra Trung tâm y tế sự phòng Tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh. Đoàn đã nghe các đơn vị báo cáo về tình hình bệnh sởi, các ca nhiễm bệnh, các cháu bé trong độ tuổi từ 9 đến 24 tháng trong địa bàn để tiêm vắc xin. Các đơn vị liên quan chỉ đạo các xã phường rà soát không bỏ sót các đối tượng tiêm chủng, kể cả các đối tượng đến tạm trú, bảo đảm tiêm đủ 100% cho trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều thuộc diện tiêm chủng. Bên cạnh đó, các bệnh viện cần tổ chức tốt khâu cách ly bệnh nhân, tập trung máy móc và trang thiết bị hiện đại để ưu tiên cứu sống bệnh nhân; tổ chức phân tuyến điều trị, chuyển tuyến phù hợp, chú ý hoạt động phòng tránh lây nhiễm trong cơ sở điều trị...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bệnh sởi xuất hiện trở lại vào cuối năm 2013 và ngành y tế đã quyết liệt làm chiến dịch tiêm sởi, tiêm vét. Để giảm tử vong lên hàng đầu thì cần phân tuyến kỹ thuật, phân luồng bệnh nhân, rà soát lại tất cả các đối tượng để đi tiêm phòng, hướng dẫn cách khử khuẩn nhằm tránh lây nhiễm chéo. Trong điều trị phải dự phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế khi tham gia tiếp xúc với người bệnh, điều trị đúng phạm vi chuyên môn, hạn chế chuyển viện, tập huấn cho nhân viên y tế trong điều trị bệnh nhân sởi nhằm tránh lây chéo ra ngoài, cách ly chặt chẽ đối với người nhà bệnh nhân. Trong công tác truyền thông dưới sự chỉ đạo quyết liệt của ủy ban nhân dân về cách điều trị, cách dự phòng đến với bà con, nhân dân tránh tập trung tại một số bệnh viện lớn quá tải bệnh viện. Rà soát tất cả các đối tượng đang trong độ tuổi tiêm chủng. Huy động tất cả các ban ngành tham gia trong phong trào phòng chống bệnh.

Khuyến cáo của Bộ Y tế về vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Để chủ động ngăn ngừa bệnh tay chân miệng, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

2. Thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

3. Thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

 

 

 Bảo Ngọc 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang