Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng sốt xuất huyết hiệu quả

author 17:35 17/09/2020

(VietQ.vn) - Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa, chưa có vắcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến 15/9/2020 cả nước ghi nhận 65.046 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc giảm 65,6%, tử vong giảm 32 trường hợp. Tuy nhiên theo diễn biến chu kỳ dịch hàng năm, thời điểm hiện tại đang là mùa mưa, số mắc có xu hướng gia tăng.

Với phương châm coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch ngay từ đầu năm như: Ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế; công văn chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát hỗ trợ địa phương trọng điểm; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai phòng, chống dịch bệnh; tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế dự phòng, điều trị các tuyến; chỉ đạo tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 47 tỉnh, thành phố...

Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Chia sẻ với Chất lượng Việt Nam Online, PGS. TS Hoàng Công Đắc, nguyên Phó giám đốc bệnh viện E cho biết, những người có triệu chứng sốt xuất huyết nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể.
Người bị sốt xuất huyết chỉ được uống thuốc hạ sốt paracetamol. Tuyệt đối không dùng các loại thuốc giảm đau hạ sốt gây ra biến chứng của bệnh sốt xuất huyết như Aspirin, steroid. Nếu dùng sai thuốc hạ sốt sẽ gây ra triệu chứng xuất huyết dưới da hoặc dạ dày, tá tràng, nôn ra máu rất nguy hiểm.
Các bệnh nhân điều trị tại nhà cũng cần lưu ý dùng thuốc hạ sốt phải đúng liều. Thuốc hạ sốt không thể cắt sốt ngay mà chỉ giúp bệnh nhân hạ sốt. Ngoài ra, bệnh nhân không vì lo lắng mà tự ý tăng liều gây suy gan làm tình trạng bệnh nặng hơn, rất khó điều trị thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Người bị sốt xuất huyết cần bổ sung đủ nước bằng cách ăn cháo lỏng, uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày đồng thời uống thêm oresol để bù chất điện giải. Bởi khi bị sốt xuất huyết, người bệnh sốt cao, nôn liên tục, bị thiếu nước kéo dài dễ dẫn đến trụy mạch rất khó cứu chữa. Hơn nữa, bệnh nhân không nên tự ý truyền dịch tại nhà hay lạm dụng truyền dịch. Dù bệnh nhân sốt xuất huyết cần bổ sung nhiều nước nhưng nếu cơ thể bị thừa nước gây ra phù phổi cấp cũng sẽ dẫn tới tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Vì thế, người nhà không nên xa lánh mà cần chăm sóc, động viên người bệnh. Đồng thời, vệ sinh sạch sẽ các vũng nước đọng hoặc những nơi lăng quăng có thể phát triển, luôn luôn ngủ trong màn kể cả ban ngày tại nơi có dịch sốt xuất huyết.

 PV

Hiệu quả sau 1 năm thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP(VietQ.vn) - Sau một năm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong bảo đảm công tác vệ sinh ATTP.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang