Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang rất cao

authorThúy Ngân 06:31 09/11/2018

(VietQ.vn) - Sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của các tổ chức phi chính phủ đối với dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho biết chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 đã được lãnh đạo của 154 quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) thông qua, gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với 169 chỉ tiêu, xoay quanh khía cạnh giúp phát triển con người bền vững, đó là xã hội, môi trường và kinh tế.

Đáng chú ý, Việt Nam cam kết mục tiêu phát triển bền vững giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm (NCDs) thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030. Mục tiêu phát triển bền vững tiếp theo giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030. Trong khi hiện nay, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động với mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít năm 2016.

Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao, cụ thể: 44,2% nam giới và 1.2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên).

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thúy Ngân

Dù mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu đóng góp cho kinh tế trong nước khoảng 50 nghìn tỷ đồng thì Chính phủ lại phải bỏ ra tới 65 nghìn tỷ đồng/năm để khắc phục hậu quả do rượu bia gây ra. Nhưng theo Bộ Y tế, sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.

Nguyên nhân là do, sử dụng rượu, bia làm cản trở sự phát triển bởi chúng hủy hoại nguồn nhân lực và cản trở sự phát triển bền vững của con người, bao gồm các mục tiêu: Xóa đói; xóa nghèo; đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi; đảm bảo giáo dục có chất lượng; bình đẳng giới…Trong đó, đặc biệt là việc đạt được mục tiêu trên là hết sức khó khăn nếu không có một hành lang pháp lý đủ mạnh để can thiệp nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Vì vậy, Bộ Y tế cho rằng việc ban hanh Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia một công cụ pháp lý mạnh mẽ nhất để thực hiện các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững. Trong vòng 3 tháng qua kể từ khi Dự thảo Luật Phòng chống tác hai của rượu bia được lấy ý kiến rộng rãi, đã có tổng cộng 10 thư kiến nghị/góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế gửi tới góp ý cụ thể dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia.

Cũng trong hội thảo, các tổ chức trong và ngoài nước đã đề xuất kiến nghị hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam trong thời gian qua về dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần có nguồn kinh phí bền vững để thực thi Luật, đưa Luật vào cuộc sống và tổ chức nguồn kinh phí theo hình thức tạo quỹ nâng cao sức khoẻ bằng trích phần trăm thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng rượu bia, thực hiện quản lý theo đúng nguyên tắc khoa học lập và phát triển quỹ cho triển khai phòng chống tác hại rượu bia trong nội dung của phòng chống bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Thúy Ngân

‘Thần dược’ chữa đái tháo đường chứa hoạt chất đã bị cấm từ 40 năm trước(VietQ.vn) - Thuốc giả y học cổ truyền có tên gọi tiểu đường hoàn để điều trị bệnh đái tháo đường vừa phát hiện có chứa hoạt chất đã bị cấm từ 40 năm trước.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang