“Bóc mẽ” chiêu giả mạo tem CR của gian thương

author 14:03 28/08/2013

(VietQ.vn) – Mua nguyên liệu trôi nổi rồi tự lắp ráp, những chiếc mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chuẩn được làm giả chứng nhận hợp quy và tung ra thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất MBH đánh lừa người tiêu dùng bằng cách vẫn dán tem hợp chuẩn CR dù đã bị đình chỉ từ lâu…

<br>
Xuất hiện tình trạng giả mạo dấu hợp quy CR trên các MBH kém chất lượng ( Ảnh minh họa)

Giả mạo tem CR

Theo kết quả kiểm tra chất lượng MBH 6 tháng đầu năm 2013 của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa và các chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại các địa phương cho thấy, vi phạm về chất lượng và nhãn hàng hóa MBH vẫn ở mức cao. Đặc biệt, tình trạng sử dụng dấu hợp quy CR giả gắn lên sản phẩm chưa được chứng nhận đạt chuẩn diễn ra khá phổ biến.

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cho biết, kết quả kiểm tra do cục chủ trì phối hợp với chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, QLTT, thanh tra KHCN và công an kiểm tra chất lượng MBH trên một số địa bàn: Hà Nội, Nam Định, Bắc Giang, Đà Nẵng, Tp.HCM, Bình Dương…đã xử lý và dừng lưu thông hơn 4000 chiếc MBH vi phạm.

Theo thống kê từ các chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương, trong vòng 6 tháng 679 cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH đã được kiểm tra. Theo đó, số MBH bị tạm dừng lưu thông do sai phạm của 39 cơ sở là 1.460 chiếc MBH.

Theo ông Tuấn, những vi phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH là sử dụng giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn hết hiệu lực, sai về ghi nhãn, MBH không đảm bảo chất lượng, không có hồ sơ chất lượng, công bố hợp quy…

Ghi nhận của các các cơ quan kiểm tra, tình trạng giả mạo MBH đạt chuẩn được các nhà sản xuất, lắp ráp nhỏ lẻ sử dụng khá phổ biến. Có nhiều trường hợp tự in tem CR mạo nhận các cơ quan kiểm định, chứng nhận như Quatest, Quacert… rồi dán lên sản phẩm kém chất lượng tung ra thị trường nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Ông Hoàng Lâm, PGĐ Trung tâm Kỹ thuật 3 (Quatest 3) cho biết, thời gian vừa qua có trường hợp MBH của các Công ty TNHH Ngọc Phú Tài và Công ty TNHH Vạn Phú Thịnh (có cùng địa chỉ 198/2/17 An Dương Vuowng, P11, Q6, TP.HCM) sản xuất bán trên thị trường có tem CR do Quatest 3 cấp nhưng không đạt chất lượng, qua thẩm định thì các sản phẩm của hai công ty này chưa bao giờ đăng ký chứng nhận ở Quatest 3.

Hay ở một trường hợp khác, cơ quan kiểm tra đã phát hiện cửa hàng Quốc Trường (004, tổ 1, Ấp 1C, xã Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai) kinh doanh các loại MBH hiệu TP Helmet do Công ty TNHH SX-TM-DV Toàn Phát (20/8/15 Trọng Tấn, P.8, Q.8, TP.HCM) sản xuất, mũ mang dấu hợp quy CR do Trung tâm chứng nhận phù hợp (Quacert) cấp có số serie là No.QC 0009 10 01, nhưng không xuất trình được hồ sơ công bố hợp quy. Qua xác minh, lãnh đạo Trung tâm Quacert cho biết, không cấp giấy chứng nhận hợp quy cho đơn vị nào có tên là ty TNHH SX-TM-DV Toàn Phát.

“Rõ ràng đây là sự giả mạo của các cơ sở sản xuất, lắp ráp MBH. Thậm chí có doanh nghiệp bị đình chỉ giấy chứng nhận hợp quy cả năm rồi nhưng vẫn sử dụng để gắn dấu CR lên MBH…”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, một cách thức giả mạo tem CR của cơ sở sản xuất đó là dán tem CR lên MBH nhưng chỉ ghi là “được chứng nhận chất lượng bởi Quatest” mà không ghi rõ Quatest nào. “Hiện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có 3 Trung tâm kỹ thuật 1,2,3 tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, nhưng với cách ghi lập lờ như vậy, khiến cho người tiêu dùng rất dễ bị ngộ nhận là các sản phẩm đó đã được các trung tâm này kiểm định”, ông Tuấn nói.

Không chỉ giả mạo tem CR, cơ quan kiểm tra cũng ghi nhận nhiều trường hợp giả mạo cả địa chỉ của công ty sản xuất. Nghĩa là, MBH có được ghi nhãn đầy đủ công ty chịu trách nhiệm pháp nhân nhưng thực tế đó là những địa chỉ “ma”, không có thực.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, các loại MBH có đủ ba thành phần, gắn tem CR có đầy đủ tên, địa chỉ đang là một chiêu thức làm giả mới khiến người tiêu dùng không thể nhận biết.

Cũng theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, sau thời gian ra quân dồn dập của cơ quan chức năng hồi trung tuần tháng 3, 4/2013, thị trường MBH đã có những chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện trở lại loại MBH giả mạo, có tem CR được bán trên vỉa hè, xe di động, thậm chí tại các cửa hàng kinh doanh MBH và các loại MBH này cũng được dán tem, nhãn đầy đủ.

Kiểm tra MBH tại các cơ sở kinh doanh

Tăng cường hậu kiểm

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, để tăng cường các biện pháp quản lý MBH, hiện nay, Tổng cục cũng đang phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội triển khai thí điểm sử dụng tích hợp dấu SMS với dấu CR cho MBH. Việc tích hợp tem chống hàng giả SMS với dấu hợp quy CR sẽ tăng cường trách nhiệm của cơ sở sản xuất khi gắn dấu hợp quy CR lên sản phẩm của mình. Người tiêu dùng nếu có nghi ngờ có thể biết ngay MBH mình mua có đáp ứng các biện pháp quản lý chất lượng của nhà nước hay không.

“Tem CR về bản chất không có khả năng phân biệt thật giả, tuy nhiên hiện nay nhiều cơ sở sản xuất đã giả mạo dấu CR để lừa người tiêu dùng, đây là hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Chế tài cho việc này đã có đầy đủ. Cơ sở sản xuất nào vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, ông Linh nói.

Bên cạnh đó, về biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát công tác hậu kiểm dấu CR tránh tình trạng gian dối của các doanh nghiệp như công bố hợp quy một vài sản phẩm sau đó sử dụng dấu chứng nhận hợp chuẩn cho hàng loạt các sản phẩm khác chưa được kiểm định chất lượng, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã phối hợp với các Bộ CT (QLTT), Bộ CA thực hiện kiểm tra chất lượng MBH trên toàn quốc, đồng thời cũng đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức chứng nhận được chỉ định tăng cường công tác giám sát sau chứng nhận, phải lấy mẫu MBH trên thị trường để thử nghiệm nhằm đánh giá tính ổn định về chất lượng của MBH. Thông qua việc kiểm tra này cũng đã đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy MBH của nhiều doanh nghiệp.

Qua kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất MBH, đa số các doanh nghiệp sản xuất là cơ sở lắp ráp MBH, không có đầy đủ trang thiết bị sản xuất, kiểm tra, thử nghiệm chất lượng MBH (số lượng doanh nghiệp có đầy đủ trang thiết bị sản xuất MBH như máy ép khuôn đúc vỏ mũ, máy ép múp xốp, dây chuyền sơn, lắp ráp là không nhiều). Do đó, để việc sản xuất, nhập khẩu cũng như kinh doanh, phân phối mũ bảo hiểm trong cả nước ngày càng đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét, bổ sung MBH vào Danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, ông Linh cho biết. (Còn nữa)

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang