Bóc mẽ những sai phạm của công ty nước giải khát Pepsico Việt Nam

authorVũ Sơn 07:23 25/11/2016

(VietQ.vn) - Kết luận thanh tra của Bộ Y tế mới đây đã chỉ ra một loạt những sai phạm của Công ty Pepsico Việt Nam.

Kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ chưa đầy đủ

Theo bản kết luận thanh tra số 198/KL-TTrB của Thanh tra Bộ Y tế thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, đã phát hiện sai phạm và căn cứ vào kết quả kiểm tra, xác minh, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt Suntory Pepsico Việt Nam số tiền là 25 triệu đồng với hành vi thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Điều đáng nói là theo báo cáo của công ty Pepsico Việt Nam, công ty có gia công 12 sản phẩm thực phẩm tại 04 đơn vị khác nhau, trong đó có công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam.

Nhưng theo giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm cấp số 001095/2016/ATTP-CNDK chứng nhận Công ty Kirin đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định mới được ký ngày 3/10/2016.

Tức là giấy chứng nhận ATTP được cấp trong khoảng thời gian diễn ra cuộc thanh tra của thanh tra Bộ Y tế (thời gian thanh tra là 45 ngày, bắt đầu từ ngày 7/9).

Công ty Pepsico Việt Nam bị phạt do kiểm nghiệm chưa đầy đủ. Ảnh internet 

Vậy câu hỏi đặt ra là, trước ngày 3/10/2016, công ty Kirin có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP để sản xuất và gia công nước giải khát (NGK) hay không?

Bởi theo kết luận thanh tra của Bộ Y tế, công ty này có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng do Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương cấp ngày 22/5/2014 (số 141/2014/ATTP-CNDK).

Mà chiếu theo Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30/12/2012 của Bộ Y tế về việc phân cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện ATTP thì không có sự chồng chéo giữa Cục ATTP và Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương.

Đưa ô tô vào kinh doanh có điều kiện: Lối đi đúng đắn để bảo vệ người dùng(VietQ.vn) - Việc triệu hồi xe ô tô để sửa lỗi không hiếm gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam nhưng các xe nhập khẩu không chính hãng "số phận" sẽ như thế nào?

Cụ thể là Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy chứng nhận cho: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trừ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khác khi có nhu cầu đặc biệt (yêu cầu của nước nhập khẩu sản phẩm của cơ sở).

Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp Giấy chứng nhận cho: Cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế trên địa bàn; Cơ sở nhỏ lẻ sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; Cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có yêu cầu bảo quản sản phẩm đặc biệt.

Nếu theo giải thích của Thông tư này, Kirin Việt Nam không thuộc diện là cơ sở nhỏ lẻ. Và được biết, Giấy Chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm của công ty Kirin thuộc dạng cấp mới.

Mặc dù có hợp đồng trách nhiệm giữa Công ty Pepsico Việt Nam và đơn vị gia công là Công ty Kirin, song về pháp lý, Công ty Pepsico Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng sản phẩm.

Người tiêu dùng có quyền đặt ra câu hỏi, liệu Công ty Pepsico Việt Nam có đưa ra thị trường sản phẩm đảm bảo không khi nhà máy sản xuất ra sản phẩm đó, theo văn bản kết luận của Thanh tra Bộ Y tế chưa nói rõ về việc trước 3/10/2016, Kirin có giấy phép ATTP theo quy định hay không? 

Không ghi nơi sản xuất trên sản phẩm?

Trước đó, nghi vấn về sai phạm trong việc ghi nhãn mác của Công ty Pepsico Việt Nam cũng được giới báo chí phản ánh nhiều. Cụ thể trên nhãn mác các sản phẩm của mình, Pepsi chỉ đề: “Sản xuất bởi Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, cao ốc Sheraton, số 8 đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM”.

Theo Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nghi nhãn hàng hóa, điều 11 quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa thì nhãn hàng hóa phải thể hiện nội dung: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa.

Trong khi theo thông báo của Công ty Pepsico, Công ty này có 5 nhà máy tại 5 địa phương khác nhau bao gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Quảng Nam và Bắc Ninh. Vấn đề ghi nhãn này không những dấy lên nghi vấn của dư luận mà còn làm khó cho người tiêu dùng khi gặp những vấn đề về khiếu nại chất lượng sản phẩm, đổi trả, bồi thường thiệt hại…

 Việc không ghi nhà máy sản xuất trên sản phẩm, Pepsico đang làm khó người dùng. Ảnh: HC

Để rộng đường dư luận, PV Chất lượng Việt Nam đã liên lạc với Công ty Công ty Pepsico Việt Nam theo số máy bàn nhưng đầu dây bên kia không có ai trả lời. Liên lạc với người đại diện đối ngoại của Công ty Pepsico thì máy trong tình trạng "không liên lạc được".

Liên lạc với nhà máy của Công ty Kirin Việt Nam thì nhân viên tại đây cho số máy của phòng Maketing Công ty Pepsico, liên lạc với phòng Maketing Công ty Pepsico thì lại bảo gọi xuống nhà máy Kirin.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên, "ông lớn" ngành giải khát như Pepsico Việt Nam phớt lờ những phản ánh của khách hàng liên quan tới những nghi vấn xung quanh sản phẩm của mình.

Vũ Sơn

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang