Bom thông minh SDB II mới của Mỹ có thể tiêu diệt mục tiêu bất chấp mọi thời tiết

author 21:00 27/09/2016

(VietQ.vn) - Bom thông minh SDB II được Mỹ thiết kế nhằm tiêu diệt mục tiêu di chuyển trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Bom SBD II có thể làm thay đổi cuộc chơi trên chiến trường

Zing News dẫn thông tin từ Tạp chí National Interest cho biết, tập đoàn Raytheon, Mỹ, đã thử nghiệm thành công bom hàng không đường kính nhỏ SDB II có thể đánh trúng mục tiêu di chuyển ở cự ly 64 km.

Mục đích mà Mỹ chế tạo ra loại bom SBD II là để tiêu diệt mục tiêu di chuyển trong mọi điều kiện thời tiết, chẳng hạn như các nhóm phiến quân di chuyển bằng xe bán tải. Loại bom này còn có hiệu quả đặc biệt để săn lùng các nhóm phiến quân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cố tình ẩn nấp trong các khu dân cư, hay lợi dụng thời tiết xấu để “qua mặt” các phương tiện giám sát đường không.

 Bom SDB II của Mỹ.

 Bom SDB II của Mỹ. Ảnh: Zing News

Về cơ bản, bom SDB II có cơ chế hoạt động tương tự bom thông minh JDAM được quân đội Mỹ sử dụng trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, JDAM được thiết kế để tấn công các mục tiêu cố định. Điểm khác biệt lớn trên SDB II là ở công nghệ dẫn hướng mới được gọi là “tri-mode”.

Công nghệ này kết hợp nhiều loại cảm biến radar bước sóng milimet, hồng ngoại và laser bán chủ động. Công nghệ “tri-mode” cho phép tùy chọn sử dụng hệ thống cảm biến một cách linh hoạt ví dụ sử dụng radar để xác định mục tiêu trong điều kiện thời tiết xấu, cảm biến hồng ngoại để phát hiện nhiệt lượng phát ra từ động cơ xe, hoặc laser bán chủ động để bám theo mục tiêu di chuyển.

Ngoài ra, SDB II được trang bị liên kết dữ liệu hai chiều cho phép hiệu chỉnh đường bay để tấn công chính xác hơn, hoặc chuyển sang mục tiêu giá trị hơn trong khi đang bay. Bom có trọng lượng chỉ 94 kg, nhẹ hơn nhiều so với các loại bom đang được sử dụng.

Bom SDB II mang theo đầu đạn nặng chỉ 47,6 kg nhưng nhờ áp dụng công nghệ nổ bán xuyên giáp cho phép tiêu diệt những mục tiêu bọc thép như xe tăng. Một tính năng độc đáo khác của bom SDB II là khả năng phân loại mục tiêu.

Nó có thể được lập trình để tấn công một chiếc xe tăng trong đoàn xe hỗn hợp gồm nhiều phương tiện. Công nghệ này vừa tăng hiệu quả tiêu diệt mục tiêu, vừa giảm thiểu thiệt hại cho các mục tiêu dân sự. Các chuyên gia quân sự nhận định bom SDB II là vũ khí có thể thay đổi cuộc chơi trên chiến trường.

Hiện tại, không quân Mỹ đang sử dụng bom dẫn đường laser GBU-54 để tấn công các mục tiêu di chuyển. Tuy nhiên với tính năng vượt trội, bom SDB II có thể làm điều tương tự với phạm vi xa hơn và trong mọi điều kiện thời tiết.

Đặc biệt, trong lần thử nghiệm tại trường bắn White Sands, bang New Mexico, bom SDB II lắp trên tiêm kích F-15E phá hủy thành công mục tiêu giả định xe tăng T-72. Quan chức không quân Mỹ cho biết mô hình T-72 bị phá hủy trong khi đang vận động chiến thuật tốc độ cao.

Theo đại diện Raytheon, dự định năm 2018 bom SDB II sẽ được trang bị cho tiêm kích F-15E. Tiếp theo, đến năm 2020, bom SDB II có thể tích hợp cho tiêm kích trên hạm F/A-18 . Còn hiện tại, SDB II chủ yếu trang bị cho tiêm kích F-15E nhưng cũng đã thử nghiệm thành công trên tiêm kích tàng hình F-35.

Sức mạnh bom H của Triều Tiên khủng khiếp đến cỡ nào?(VietQ.vn) - Triều Tiên đã tuyên bố chế tạo thành công bom H còn gọi là bom nhiệt hạch tạo ra sức nổ khủng khiếp.

Kế hoạch dài hơi cho bom thông minh của Mỹ

VNE cho biết, ngay từ khi Triều Tiên tuyên bố chế tạo thành công bom hydro, Bộ Năng lượng và Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng một loạt vũ khí để đối phó. Do đó, hiện Mỹ đang áp dụng rộng rãi công nghệ hoán cải bom thông thường thành bom thông minh bằng các tổ hợp thiết bị chuyển đổi GBU.

Đây là hướng phát triển tiết kiệm chi phí và tận dụng các đơn vị bom thông thường đang được niêm cất. Thiết kế của các tổ hợp GBU được mô-đun hóa phù hợp với hầu hết các loại bom thông thường cỡ 120kg (Mk.81), 250kg (Mk.82) và 500kg (Mk.83).

Bom B61-12 đắt nhất trong lịch sử chế tạo bom của Mỹ

Bom B61-12 đắt nhất trong lịch sử chế tạo bom của Mỹ. Ảnh: VNE

Tổ hợp GBU với cơ cấu dẫn đường đơn kênh (quang truyền hình, chỉ thị la-de, GPS hay ảnh hồng ngoại) không chỉ giúp tăng bán kính chiến đấu của bom thông minh, mà còn giảm sai số vòng tròn đồng tâm (CEP) của vũ khí xuống còn dưới 10m. Hiện, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng áp dụng công nghệ tương tự.

Nằm trong kế hoạch phục hồi bom thông minh đầu tiên mà Mỹ  triển khai đó là một loạt bom B61-12. Đây là một trong số năm loại đầu đạn mới nằm trong kế hoạch phục hồi bom nguyên tử có chi phí ước tính lên đến 1.000 tỷ USD trong ba thập kỷ. Thuộc cùng một nhóm, các vũ khí và hệ thống ném bom hướng đến kích thước nhỏ, khả năng tàng hình và tính chính xác.

Với phiên bản mới của B6, quân đội Hoa Kỳ thay thế phần đuôi cố định bằng các vây có thể điều khiển và trang bị nhiều công nghệ tiên tiến khác. Kết quả là quả bom nhắm đến mục tiêu một cách chính xác hơn và có thể điều chỉnh sức công phá của đầu đạn hạt nhân để giảm thiểu bụi phóng xạ và thiệt hại cho xung quanh.

Trong báo cáo gần đây trước Quốc hội, Bộ Năng lượng, cơ quan chịu trách nhiệm nâng cấp các đầu đạn, cho biết "hiện đại hóa theo hướng thu nhỏ kích thước" là cách nhanh nhất để giảm kho vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, chi phí thực hiện kế hoạch hiện đại hóa là một vấn đề lớn. Tổng chi phí lên đến 1.000 tỷ USD nếu tổng thống thực hiện bước tiếp theo và chỉ đạo nghiên cứu máy bay ném bom, tàu ngầm và tên lửa, nâng cấp 8 nhà máy và phòng thí nghiệm. Toàn bộ đều là một phần chương trình hiện đại hóa và kéo dài thời gian sử dụng vũ khí hạt nhân trong 30 năm tới của Mỹ.

 An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang