Bỏng nắng nguy hiểm hơn chúng ta tưởng

authorMinh Hà 16:41 29/06/2017

(VietQ.vn) - Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây rối loạn các chuyển hóa bên trong cơ thể, và đặc biệt có thể khiến các bạn mắc phải nhiều căn bệnh nghiêm trọng như bỏng da....

Mới đây, thông tin một thanh niên có tên Greg Binnie ở Scotland (thuộc Anh) đã bị bỏng nặng vì làm việc ngoài trời nắng trong thời gian dài khiến nhiều người giật mình.

Cụ thể, chàng thanh niên 20 tuổi này đứng cắt cỏ và tưới cây dưới trời nắng nóng trong 7 tiếng hôm 17/6. Ngày hôm sau, anh tiếp tục công việc mà không hề dùng kem chống nắng hay áo dày. Binnie chỉ mặc chiếc áo cộc ngắn, hở cổ, vai và hai cánh tay. Anh đã không nhận tác hại của ánh nắng mặt trời cho đến khi đôi vai bắt đầu phồng rộp, bỏng rát. “Sự việc cho thấy, dù ở bất cứ đâu ánh nắng mặt trời đều rất nguy hại, nên sử dụng biện pháp bảo vệ ở mọi nơi”, Binnie nói.

Vết bỏng khủng khiếp của Greg Binnie khi anh phơi trần làm việc dưới nắng nóng nhiều giờ liền. Vết bỏng khủng khiếp của Greg Binnie khi anh phơi trần làm việc dưới nắng nóng nhiều giờ liền. 

Binnie đã được điều trị bằng các loại thuốc trị bỏng, nhưng vì các vết bỏng chạm vào giường gây đau đớn nên anh không thể nằm để ngủ.

Ánh nắng mặt trời có vai trò quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta, những bức xạ cực tím trong ánh nắng có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người như thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp vitamin D. Tuy nhiên, những tác hại của ánh nắng mặt trời gây ra cho sức khỏe con người cũng không thể phủ nhận.

Làn da của chúng ta đều bị ánh mặt trời gây tổn hại dù ít hay nhiều. Và nếu bạn ở bên ngoài trong thời gian dài vào bất kỳ thời điểm nào, những tia cực tím (UV) đều có thể tạo ra những dấu vết trên da bạn.

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây rối loạn các chuyển hóa bên trong cơ thể, hủy hoại cấu trúc tế bào và có thể khiến các bạn mắc phải nhiều căn bệnh nghiêm trọng như là: dị ứng, bệnh ung thư da…

Qua câu chuyện bỏng da do ánh nắng mặt trời của chàng thanh niên nước Anh ở trên cũng cho thấy, đó là căn bệnh ngoài da do ánh nắng vô cùng phổ biến.

Bỏng nắng là hậu quả của việc da tiếp xúc trực tiếp dưới ánh  nắng ở mức độ mạnh và gây ra các dấu hiệu chẳng hạn như: da sưng phồng, bong tróc, có cảm giác rát đỏ… Ở trường hợp bị nhẹ, bề mặt da bị đau đớn suốt nhiều giờ; mức độ nặng hơn có thể làm cho bề mặt da lão hóa sớm và hiện rõ hàng loạt nếp nhăn nheo, nám làn da…

Nói về các loại hình dị ứng với ánh nắng mặt trời, trên báo Sức khỏe & đời sống thông tin, thứ nhất là triệu chứng nổi ban đa hình thái sau khi tiếp xúc với ánh nắng vài phút đến vài giờ. Ban đầu xuất hiện mẩn ngứa, nổi sẩn với hình thái màu trắng hoặc vàng trên nền viêm đỏ. Các mảng sẩn phẳng có thể tiến triển rộng nên một số trường hợp còn được gọi là “nhiễm độc ánh nắng”. Triệu chứng sẽ mất đi sau một thời gian không tiếp xúc với ánh nắng và đây là hình thái hay gặp nhất của dị ứng ánh nắng, thường xảy ra trong dịp thu.

Da mẩn ngứa là biểu hiện dị ứng nhẹ do ánh nắng. 

Ngứa sần quang hóa thường xảy ra ở trẻ em hoặc người trẻ. Triệu chứng bao gồm những mảng ngứa sần trên da lan rộng tới cả những vùng không tiếp xúc với ánh nắng. Các nốt sần này có thể phù nề sau đó loét ra, thậm chí gây các vết viêm nứt trên môi, má, cổ, cánh tay và có thể để lại sẹo. Nhìn chung, các triệu chứng xuất hiện trong mùa hè và giảm dần vào dịp thu.

Viêm da quang hóa mạn tính là những mảng sần viêm khô, ngứa nhiều trên bề mặt da. Vị trí tổn thương thường ở trên mặt, da đầu, cổ, gáy, nửa trên ngực, mặt sau cánh tay, bàn tay. Giữa vùng tổn thương có thể có vùng da lành và đôi khi triệu chứng xuất hiện ở lòng bàn tay hoặc ở cẳng chân. Biểu hiện của viêm da quang hóa mạn tính thì tương tự với biểu hiện của viêm da tiếp xúc nên nhiều khi dẫn đến chẩn đoán sai.

Chứng nổi mày đay do nắng bắt đầu xảy ra sau vài phút tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tổn thương trên da là các mảng phát ban, ngứa và mụn nước. Loại hình tổn thương này có cả ở vùng da có và không tiếp xúc với ánh nắng. Loại hình dị ứng với ánh nắng này thường có ở tuổi trung niên và tiến triển tốt lên sau khi ngừng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Ngoài ra, tia nắng mặt trời có cường độ rất cao, nếu nhìn trực tiếp vào đó sẽ rất hại cho võng mạc và thị lực của người quan sát.

Minh Hà (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang