Bức tranh kinh tế Việt Nam và những triển vọng năm 2017

author 06:00 28/01/2017

(VietQ.vn) - Kết thúc năm 2016 với mức xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Đón năm mới 2017, kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới với kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc.

Sự kiện:

Xuất siêu trở lại

Tính tới cuối năm 2016, xuất khẩu của cả nước đạt mốc 175 tỷ USD, nhập khẩu đạt 172 tỷ USD; xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, ngược với mức nhập siêu 3,55 tỷ USD của năm trước.

Nói về vấn đề trong năm 2016, Việt Nam đã xuất siêu trở lại sau một năm nhập siêu. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết, trước hết khi nói đến xuất nhập khẩu phải tính cả các sản phẩm vật chất (hàng hóa) và dịch vụ. Từ số liệu từ cơ quan Hải Quan hoặc Bộ Công Thương thường chỉ là xuất nhập khẩu hàng hóa từ các số liệu này không phản ánh nhiều thực chất của tình hình. Nếu muốn xem có đáng mừng thật hay không thì phải xem xuất khẩu cái gì? Ở khu vực nào, doanh nghiệp nội hay FDI…

 Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

Theo số liệu cơ quan thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu thì khu vực FDI vẫn áp đảo với xấp xỉ 70% cơ cấu, cơ cấu này tăng khoảng 20 điểm phần trăm trong hơn 10 năm nhưng giá trị gia tăng của khu vực FDI trong GDP chỉ tăng khoảng 4-5 điểm phần trăm. Các mặt hàng chúng ta xuất khẩu chủ yếu là điện thoại, linh kiện điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may… Đây là top những mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất Việt Nam năm vừa qua, lên tới cả vài chục tỷ USD.

Như vậy có thể thấy, xuất khẩu tăng mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm hàng khối FDI sản xuất và những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ, mang nặng tính gia công, lắp ráp là chủ yếu, hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm rất thấp. Nói cách khác, xuất khẩu những sản phẩm thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo dường như là xuất khẩu “hộ” nước khác. Nếu chấp nhận đất nước “làm thuê” thì đó cũng có thể là tín hiệu đáng mừng!

Nói về những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu năm 2016. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng việc tăng mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, thuỷ sản (chỉ từ có mặt hàng gạo giảm), giảm dần xuất khẩu “đào” từ tài nguyên thiên nhiên lên bán như dầu thô, than đá… là điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu năm qua.

“Mừng vì chúng ta đang đi vào thế mạnh của chúng ta và đáng mừng hơn nữa là đã lâu lắm rồi một số thông điệp của Chính phủ và Thủ tướng đã được hiện thực hóa. Tôi thấy cần tập trung vào cấu trúc lại về ngành dựa vào thế mạnh Việt Nam đang có, đừng quá chú trọng vào việc chúng ta xuất khẩu được bao nhiêu tỷ USD, vì những con số mà quên đi hiệu quả thực chất” - Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh chia sẻ.

Nói thêm về những giải pháp như thế nào để tăng trưởng xuất khẩu theo hướng thực chất và có lợi nhất có nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng quan trọng đối với nền kinh tế bây giờ là phải thực hiện mạnh mẽ và thực chất quá trình cấu trúc lại nền kinh tế. Chuyển đổi tập trung sang phát triển các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp và dịch vụ thay vì quá chú trọng vào phát triển công nghiệp khai thác và chế biến chế tạo.

“Dịch vụ thì rất nhiều mà trong đó tôi muốn nhấn mạnh đến ngành du lịch. Chúng ta có thế mạnh về du lịch nhưng chưa khai thác được nhiều. Nói chung muốn phát triển được phải khai thác tận dụng vào thế mạnh của mình” – Ông Trinh nhấn mạnh.

Kinh tế Việt Nam với những triển vọng và thách thức

Chia sẻ về những triển vọng nền kinh tế của Việt Nam trong năm tới, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng triển vọng nền kinh tế khá tích cực và cần nhìn vào những thành tựu kinh tế 2016 để có niềm tin đối với năm 2017.

Cụ thể, năm 2016, dù tăng trưởng kinh tế  không đạt mục tiêu đề ra,  song nhìn lại cơ cấu tăng trưởng sẽ thấy  khu vực dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo, vốn là 2 động cơ chính của nền kinh tế có mức tăng cao hơn hẳn so với 2015. Chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng đã tiến sát mức mục tiêu 5% của chính phủ. Chỉ số quản trị mua hàng PMI tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 1 năm rưỡi trở lại đây nhờ đơn đặt hàng tăng mạnh, sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng đều tăng trưởng tốt. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng tốt cả về đăng ký cấp mới và giải ngân.

Trong năm 2016 việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước với tỷ giá trung tâm đã có thành công khi tỷ giá các tháng trong năm hầu như  ổn định; dấu hiệu đầu cơ ngoại tệ giảm đi nhiều. Mặt khác việc tăng dự trữ ngoại hối lên cao, có tác dụng lớn trong việc giảm chi phí đi vay trên thị trường quốc tế.

Trong năm 2017, dự báo của các tổ chức thế giới đều cho rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi; tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là tốt; những biến động bất lợi cho nông nghiệp và khai khoáng sẽ không nghiêm trọng như 2016 và tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều...Tuy nhiên, những bất định cũng khá cao, trong đó có những bất ổn về xu hướng bảo hộ, về đồng nhân dân tệ,... Trong chính sách điều hành sắp tới dự kiến mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng đề ra 6,7% và mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô.

Kinh tế Việt Nam bước vào thời mới với những kỳ vọng phát triển nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn. Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính cho rằng không có TPP, chúng ta vẫn còn “kiềng 4 chân”. Theo ông Phụng, nhìn chung kinh tế năm  2017 vẫn được kỳ vọng tăng trưởng, khi chúng ta có dấu hiệu chuyển dịch cơ cấu sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ tạo giá trị gia tăng  lớn.

“Nhiều người nói rằng việc không thông qua TPP sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, luồng vốn FDI vào nước ta sẽ giảm… Tuy nhiên tôi không nghĩ vậy, từ trước tới nay, chúng ta chưa hề có TPP song vẫn tăng trưởng đều đó thôi. Không có TPP, chúng ta vẫn có Hiệp định thương mại Việt-Mỹ;Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu hay Việt Nam - Liên minh châu Âu. Với chiếc kiềng 4 chân như vậy, chúng ta không nên dành quá nhiều thời gian để bàn về vận mệnh của TPP. Thay vào đó, doanh nghiệp cần nhìn năm 2017 với những thách thức khó khăn hơn tính cạnh tranh quyết liệt hơn, vấn đề lựa chọn quy mô nào để phát triển cho phù hợp” - Ông Nguyễn Văn Phụng chia sẻ.

Bên cạnh đó, nói về những yếu tố bất định của thế giới ảnh hưởng tới Việt Nam, PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng năm 2016 tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm.

Đối với Việt Nam, năm 2017 xu thế toàn cầu hóa đang được nhận định chững lại kết hợp với Brexit, với không thông qua cải cách hiến pháp của Ý, thế giới có xu hướng quay lại bảo hộ. Tình hình thế giới và kinh tế thế giới đứng trước những bất định. Giá vàng biến động liên tục không dự báo được…Mặt khác, đồng USD tăng giá, kết hợp với khoảng thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, tạo ra một cú sốc nhỏ về tỷ giá và tạo tâm lý ngắn hạn về thu gom ngoại tệ, mặc dù không lớn.

Đây sẽ là giai đoạn của điều chỉnh, đổi mới nền kinh tế thông qua quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Dự báo môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định tuy nhiên, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công tiếp tục là rào cản cho tăng trưởng; Mặc dù nguồn vốn nước ngoài suy giảm nhưng giải ngân vốn đầu tư phát triển sẽ được thúc đẩy hơn, nguồn vốn FDI dự báo ổn định và thực chất hơn; Xu hướng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh, tuy nhiên, tiềm ẩn nguy cơ vốn ngoại chèn ép, thôn tính vốn nội; Doanh nghiệp được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi phát triển, xu hướng khởi nghiệp (start up) sẽ lên ngôi.

Hoàng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang