Bún chứa chất cấm: Làm đúng luật sẽ không bị ai phản ứng

author 06:30 04/08/2013

Thông tin về an toàn thực phẩm luôn thu hút sự chú ý của nhiều người. Tuy nhiên, trong câu chuyện bún có chất cấm tinopal vừa qua, đáng ra đơn vị “bảo vệ người tiêu dùng” phải được ủng hộ, tuyên dương lại bị phản ứng. Tại sao như vậy? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM, người từng tham gia soạn thảo luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Bất kỳ một người tiêu dùng nào cũng sẽ hoang mang và bực mình khi mua phải sản phẩm vừa kém chất lượng lại vừa có hại. Không ai muốn bỏ tiền ra mua bệnh tật vào mình. Tuy nhiên, chúng ta phải tìm hiểu xem thông tin đó được phát đi từ đâu? Độ xác thực của nó thế nào? Tính pháp lý của nó ra sao?... Để rồi khi đánh giá lại, chúng ta thấy nếu thông tin không chính xác, không khách quan thì các doanh nghiệp chân chính sẽ chịu thiệt hại rất nặng nề.Trên nước mình, đâu có thiếu những tin đồn làm người nông dân, doanh nghiệp khốn đốn.

Theo luật thì việc lấy mẫu bún để phân tích sẽ được thực hiện thế nào thưa ông?

 

Về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, việc lấy mẫu, kiểm tra, phân tích phải tuân theo đúng quy định của pháp luật mà cụ thể là thông tư 14/2011/TT-BYT ngày 1.4.2011 của bộ Y tế. Thông tư này hướng dẫn chung về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, người lấy mẫu phải được đào tạo, có chứng chỉ về kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm, phải tiến hành lập các biên bản như lấy mẫu, bàn giao mẫu và dán tem niêm phong mẫu… Như vậy có thể thấy rằng, đơn vị lấy mẫu phải có chữ ký xác nhận trong các thủ tục với nơi sản xuất, mua bán bún mới hợp pháp. Theo những gì báo chí miêu tả, tôi thấy một trung tâm thuộc hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã “âm thầm” làm rồi công bố khiến các doanh nghiệp phản ứng.

Còn việc công bố thông tin thì sao?

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà cụ thể là điểm d, khoản 1, điều 28 cho phép tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hoá do mình thực hiện. Bên cạnh đó, luật cũng quy định các tổ chức xã hội này hoạt động theo các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trở lại câu chuyện của trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng thì đơn vị này được phép lấy mẫu nhưng phải theo “quy định của pháp luật liên quan” là thông tư 14 của bộ Y tế đã nói ở trên. Theo tôi, trung tâm này chỉ là đơn vị trực thuộc hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Do đó cần làm rõ, hội có chỉ định, uỷ quyền cho trung tâm thay mặt mình công bố thông tin bún nhiễm tinopal hay không? Nếu không có thì trung tâm đã vi phạm pháp luật. Còn ngược lại thì cả trung tâm và hội đều phải tuân thủ theo thông tư của bộ Y tế.

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng nếu trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng không tuân thủ quy trình lấy mẫu theo luật định mà đã vội vã công bố kết quả là đã vi phạm vào những hành vi bị cấm của điều 5, luật An toàn thực phẩm.

Nhưng rõ ràng là trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng đã gióng lên lời cảnh báo cho người tiêu dùng đề phòng?

Ở Nhật, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có thể lấy mẫu kiểm định rồi xử lý luôn với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bẩn. Họ làm được vậy vì pháp luật họ nghiêm minh, phía sau họ là đội ngũ luật sư và chuyên viên rành lĩnh vực. Ở Việt Nam lại khác, chúng ta từng chứng kiến bao nhiêu tin đồn làm doanh nghiệp và cả người nông dân dở khóc, dở cười. Chỉ cần đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, tung tin có một con gián trong chai bia, một mạt sắt trong hộp sữa, một lượng chất gì đó trong cá điêu hồng… là đủ tạo ra bi kịch cho nạn nhân. Trở lại câu chuyện của trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng, theo tôi dù xuất phát của việc kiểm định bún để bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng chăng nữa thì cũng phải làm việc theo quy định của pháp luật thì kết quả sẽ thuyết phục và không bị ai phản ứng.

THANH NHÃ/SGTT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang