Buôn bán thiết bị nghe lén, quay lén bị xử phạt thế nào?

author 14:39 12/03/2014

(VietQ.vn) - Điều 125 Bộ Luật Hình sự quy định, nếu phạm tội có tổ chức, nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Cơ quan chức năng thu giữ các thiết bị nghe lén, quay lén Cơ quan chức năng thu giữ các thiết bị nghe lén, quay lén 

Như Chất lượng Việt Nam đã đề cập, việc buôn bán và sử dụng các thiết bị nghe lén, quay lén tràn lan như hiện nay sẽ gây ra rất nhiều hậu quả xấu, trong đó đặc biệt là việc lộ các thông tin bí mật quốc gia hoặc các thông tin về kinh tế quan trọng của các doanh nghiệp.

Lường trước được điều này, cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều thông tư, nghị định thậm chí đã được cụ thể hoá bằng luật để quản lý những loại thiết bị này. Tuy nhiên, nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên buôn bán và “đội lốt” dưới mặt hàng hỗ trợ cha mẹ quản lý học sinh hay quản lý giúp việc, chống trộm v.v…

Trong thực tế, đã có không ít vụ việc buôn bán, vận chuyển và sử dụng mặt hàng này đã được bị cơ quan chức năng vạch trần chân tướng. Mới nhất nhất, Phòng Phòng chống Tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội (PC 50) cùng Chi cục Quản lí Thị trường Hà Nội kiểm tra Công ty TNHH Dịch vụ và Phát triển điện tử viễn thông Thái Thắng (trụ sở tại Hà Nội và chi nhánh tại TP HCM, Hải Phòng) đã phát hiện hơn 70 kiện hàng chứa nhiều thiết bị nghe trộm, phá sóng điện thoại, camera mini không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, đầu tháng 9/2013, PC 50 cũng đã phát hiện và thu giữ hơn 3000 thiết bị nghe lén, phá sóng điện thoại, công cụ hỗ trợ do công ty TNHH Lê Gia T&T rao bán trên các trang web (trong đó có gần 300 thiết bị thuộc mặt hàng cấm, gồm thiết bị phá sóng điện thoại, thiết bị nghe lén bằng SIM điện thoại, các loại camera ngụy trang, thiết bị định vị…).

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Trưởng văn phòng luật sư Đức Thịnh- Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), cho biết: Nghe lén, xem lén hay quay lén rõ ràng là những hành vi mang ý nghĩa tiêu cực. Luật viễn thông đã quy định cấm hành vi thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông. Nghe lén còn là hành vi phạm tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân vì thế khi phạm tội tuỳ vào mức độ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Nghe lén, quay lén là hành vi xâm phạm đời tư cần bị xử lýNghe lén, quay lén là hành vi xâm phạm đời tư cần bị xử lý

Theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự; quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Còn tại điều 125 Bộ Luật Hình sự về tội “xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”. Quy định rõ: người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền, đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính; có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lí kỉ luật hay xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 đến 5 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

Nếu phạm tội có tổ chức, nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm.

Ngoài ra, cũng có rất nhiều các Nghị định đã được ban hành nhằm bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và doanh nghiệp, cung như chống mọi hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng các thiết bị quay len, nghe lén, định vị với mục đích xấu.

Theo đó, Nghị định 06/2008/NĐ-CP, Thông tư 15/2008/TT-BCT quy định về mặt hàng linh kiện, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, người kinh doanh mặt hàng thiết bị nghe lén sử dụng sóng GSM ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt có thể tới 200 triệu đồng, đồng thời ở mức độ cao hơn còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân tham gia vận chuyển, chứa chấp, giao nhận hàng hóa cũng sẽ bị xử phạt.

Một số cách phát hiện khi bị quay lén

- Phát hiện camera quay lén trong nhà nghỉ, khách sạn: Bạn lấy một chiếc điện thoại có camera chụp hình, lấy điện thoại quét vòng xung quanh nhà nghỉ, những góc tối mà chúng ta không thể nhận biết được camera. Nếu màn hình điện thoại sáng lên thì chứng tỏ có camera hồng ngoại ở đó cho dù các bạn có tắt hết điện tối đen thui thì họ vẫn nhìn thấy bạn đang làm gì.Hoặc bạn có thể làm như sau: Lấy một cái điều khiển bất kì, ở nhà nghỉ hay có điều khiển TV, Bạn hãy nhấn vào nút bất kì. Nên chĩa vào các vùng nghi nghờ đặt camera. Nếu có một tia hồng ngoại sang lên theo đường bấm điều khiển chứng tỏ ở đó có camera

- Phát hiện camera ở phòng thay đồ: Trong phòng thay đồ, nhất là trong phòng hay đồ nữ rất hay đặt camera, vì thế cần phải hết sức cảnh giác. Có thể phát hiện camera bằng cách mở điện thoại lên. nếu không gọi được tức là có camera vì sóng hồng ngoại của camera đã lấn át sóng điện thoại nên chúng ta không thể gọi được điện thoại.

- Cách tìm camera quan lén ở văn phòng công ty, ở nhà riêng: Đầu tiến là phải quan sát kỹ trong phòng xem có camera nào lộ không. Hoặc là chúng ta có thể dùng điện thoại rà quanh phòng giống như ở trong khách sạn và nhà. Những cách này áp dụng đa số là hiệu quả đối với những người lắp camera hồng ngoại

Lê Anh


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang