Buôn bán trên mạng: Nghề nguy hiểm!

author 07:19 21/11/2012

(VietQ.vn) - Không mất tiền thuê cửa hàng, không phải tốn nhiều vốn, ai cũng có thể tham gia kinh doanh, nhưng tại sao buôn bán trên mạng lại dễ thành “nghề nguy hiểm” ?

Kiếm tiền online không dễ

Theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam hiện nay hầu hết các trang web, diễn đàn mua sắm online đều có qui trình đăng kí tài khoản để kinh doanh khá đơn giản. Người bán chỉ cần tiến hành đăng kí tạo “cửa hàng” thông qua việc kê khai các thông tin về người đứng tên kinh doanh cũng như thông tin nơi bán, đồng thời phải xác thực những thông tin đó, bao gồm điện thoại cửa hàng, giấy tờ chứng minh sau 14 ngày đăng kí. 
 
Những “cửa hàng” kinh doanh hoàn tất các qui định sẽ được chú thích rõ để người mua dễ dàng nhận biết và yên tâm. Ngoài ra, ở một số trang web như Én bạc, muare.vn, người bán chỉ cần đăng kí xác nhận qua tin nhắn điện thoại với cước phí rất rẻ từ 5.000 đến 75.000/tài khoản. Việc kinh doanh các mặt hàng cũng rất đa dạng, thoải mái không bị khống chế về số lượng các gian hàng. 
 
Bạn Đặng Thuỳ Vân, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Luật, Hà Nội khởi nghiệp bằng việc bán quần áo, đồ dùng cũ của bản thân qua trang mạng Én bạc và muare.vn, nay đã “phát triển kinh doanh” sang các mặt hàng mỹ phẩm, quần áo hàng “xịn” của hãng Zara, H&M với hệ thống “gian hàng” trên mạng rất chuyên nghiệp. 
Mua bán hàng trên mạng đều chứa đựng nhiều rủi ro khó lường
Mua bán hàng trên mạng đều chứa đựng nhiều rủi ro khó lường
 
Theo bạn Vân, bán hàng qua mạng vừa không phải bỏ nhiều vốn, tốn tiền thuê mặt bằng, vừa ít rủi ro: khách hàng đặt mua sản phẩm nào thì lấy hàng từ đại lí và giao qua, mỗi sản phẩm thu lợi nhuận từ 50.000 – 100.000 đồng…
 
Thậm chí, nếu khéo léo gom hàng và lựa chọn được nhiều mẫu mã đẹp vào những lúc các hãng thời trang này giảm giá thì có thể bán ra gấp 2,3 lần giá gốc mua vào.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tuyên bố khai trừ thành viên đối với hai công ty cổ phần mua bán trực tuyến MB24 và Công ty cổ phần Tâm Mặt Trời. Hiện lãnh đạo của 2 Công ty đang bị cảnh sát bắt giữ để điều tra. Với số tiền lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.
 
Ngoài ra, không ít bạn sinh viên ngoại tỉnh lại có thêm hình thức mua bán các đặc sản từ chính quê hương của mình. Bạn Đỗ Huệ, sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Quốc Gia cho biết, mỗi lần về quê Thanh Hoá, bạn lại mang ít nem chua đặc sản ra cho bạn bè hoặc mua hộ hàng xóm xung quanh. Sau bạn nảy ra ý định bán loại nem chua này theo hình thức online trên mạng và nhờ những chuyến xe khách vận chuyển hàng.
 
“Nem chua chính gốc Thanh Hoá có hương vị khác hẳn “nem lai” chế biến ngoài Hà Nội nên rất đông khách. Mình lại đặt nem tại các cơ sở có uy tín, giá thành rẻ lại đảm bảo chất lượng, không bị chua hay ẩm mốc. Một chúc nem chua mua tại quê chỉ có giá khoảng 20.000 – 25.000 đồng, mang ra Hà Nội có thể bán tới 50.000 đồng/chục mà chi phí vận chuyển xe khách cũng khá rẻ, mình cũng hay tiện về quê mang hàng ra bán”, bạn Huệ tâm sự. 
 
1001 kiểu lừa
 
Tuy nhiên, do việc rao bán và giao dịch với khách hàng hoàn toàn qua mạng “ảo” nên người bán cũng dễ gặp rủi ro từ những cái “bẫy” của những kẻ lừa đảo trong vai những “thượng đế” của mình. Anh Văn Minh, chủ một cửa hàng bán sim thẻ, điện thoại di động xách tay trên phố Ngọc Lâm (Hà Nội) cũng bị lừa mất hai chiếc di động đắt tiền với thủ đoạn tinh vi không kém. 
 
Tranh thủ tiện ích của chợ “ảo”, cửa hàng anh thường xuyên đăng thông tin những mẫu điện thoại mới nhập lên mạng. Sau khi đăng thông tin về các loại iphone 4, iphone 4s giá rẻ, anh nhận được tin nhắn từ thành viên diễn đàn trên và hẹn sẽ qua xem hàng. Khoảng một tiếng sau, có hai đôi nam nữ ăn mặc bảnh bao, sành điệu đi xe tay ga đắt tiền đến xem hai chiếc iphone 4s. 
Công ty MB24 từng khiến hàng nghìn hội viên lao đao trên toàn quốc vì hình thức kinh doanh thương mại điện tử
Công ty MB24 từng khiến hàng nghìn hội viên lao đao trên toàn quốc vì hình thức kinh doanh thương mại điện tử
 
Thấy có khách “sộp”, anh không ngần ngại mở tủ kính, tiếp thị hầu hết những mẫu điện thoại cao cấp cho khách. Sau một hồi xem qua xem lại, đổi từ cái này sang cái khác, hai vị khách trả lại hàng, hẹn sẽ cân nhắc mua một trong số các loại điện thoại vừa xem qua trong thời gian ngắn nhất. Ngay sau khi hai thanh niên này đi khỏi cửa hàng, anh Minh lau chùi qua loa những chiếc điện thoại nói trên để cất vào tủ trưng bày. Nhưng đến lúc này chị mới tá hỏa khi phát hiện cả hai chiếc điện thoại này đã bị “tráo” thành hai chiếc điện thoại mô hình. 
 
Ngoài những hình thức lừa đảo đánh vào tâm lí chủ quan của người bán, còn có rất nhiều vụ người bán bị người mua giật tiền, điện thoại, laptop, giật hàng tẩu thoát cùng đồng bọn đã chờ sẵn ở ngoài. Hầu hết những vụ cướp giật trắng trợn kiểu này rất khó tóm được thủ phạm. Dựa vào các công nghệ hiện đại, nhiều đối tượng lừa đảo còn có thủ thuật tinh vi hơn như làm giả giấy tờ chuyển tiền, thẻ tín dụng….
 
Trên một diễn đàn mua sắm hàng điện tử, một thành viên lừa đảo đã có chiêu chuyển khoản qua… trung gian ngoạn mục khiến cả người bán mất tiền và người mua thì mang tiếng lừa đảo. Thành viên trên tự nhận mình đang ở Bắc Giang, muốn đặt mua kính thiên văn phản xạ F76700 của anh Trần Minh, một người bán hàng ở 170 Tây Sơn (Hà Nội) với giá 1.350.000 đồng. Theo thoả thuận, thành viên ở Bắc Giang sẽ chuyển tiền vào tài khoản và nói sẽ nhờ người đến lấy hộ. 
 
Tuy nhiên, người thanh niên này lại tự mình lập ra một topic rao bán chiếc kính thiên văn phản xạ F76700 nói trên để “bắt mối” với một khách hàng tại Quảng Ninh và lừa khách hàng này chuyển tiền vào tài khoản của anh Minh. Sau khi biết khách hàng ở Quảng Ninh đã chuyển tiền, đối tượng lừa đảo đã nhắn tin báo với anh Minh tự nhận mình đã chuyển tiền nên anh đã giao luôn kính cho người đến lấy hộ. Thế nhưng, sau đó vài ngày, khách hàng ở Quảng Ninh lại gọi điện nói đã chuyển tiền và yêu cầu anh Minh chuyển hàng ngay, nếu không sẽ kiện về tội lừa đảo. 
 
Hoá ra vị khách hàng này sau khi chuyển tiền qua tài khoản của anh Minh đợi mãi mà không thấy hàng gửi về, gọi điện thoại đến cho đối tượng lừa đảo ở Bắc Giang thì không liên lạc được. Lần mò theo số tài khoản, khách hàng đã tìm được topic rao bán kính và số điện thoại của “chính chủ” là anh Minh. Anh Minh tá hỏa và kiểm tra lại thông tin tài khoản thì đúng là khách ở Quảng Ninh đã chuyển tiền cho anh. (Còn nữa)
Cảnh sát Philippines ngày 23/8/2012 đã bắt giữ 357 người nước ngoài bị buộc tội gạt gẫm người Trung Quốc và Đài Loan trong một vụ lừa đảo trên mạng, theo hãng tin AP.
 
Các nghi can, phần lớn là người Trung Quốc và Đài Loan, đã bị bắt trong các cuộc bố ráp đồng thời 20 ngôi nhà ở thủ đô Manila và thành phố Antipolo kế cận, trưởng nhóm điều tra của Cảnh sát Quốc gia Philippines Samuel Pagdilao cho biết.
 
Những người bị bắt là thành viên của một mạng lưới giả vờ đại diện cảnh sát, công tố viên, tòa án, công ty bảo hiểm đã nói với các nạn nhân rằng tài khoản ngân hàng của họ đang được sử dụng vào việc rửa tiền và tài trợ khủng bố, ông cho biết.
 
Ông nói các nạn nhân bị ép chuyển tiền của họ vào một “tài khoản an toàn” của mạng lưới nói trên.
 
Mạng lưới trên đã thu được ít nhất 20 triệu peso (472.000 USD) mỗi ngày bằng cách sử dụng chiêu lừa “tài khoản an toàn”.
 
Người đứng đầu Ủy ban chống tội phạm có tổ chức trực thuộc tổng thống, ông Paquito Ochoa nói các vụ bắt giữ vừa được thực hiện là chiến dịch trong ngày lớn nhất nhằm vào tội phạm có tổ chức ở Philippines.
 
Ông Pagdilao cũng cho biết cảnh sát Trung Quốc đã đề nghị Philippines hỗ trợ truy quét mạng lưới này sau khi họ xác định một địa chỉ internet do bọn lừa đảo sử dụng có nguồn gốc tại Philippines.
 
Các nghi can đang được tạm giam tại một trại cảnh sát ở thị trấn Canlubang thuộc tỉnh Laguna, phía nam Manila.
 
 
Minh Hiếu
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang