Buôn lậu, gian lận thương mại thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động

author 11:52 26/04/2019

(VietQ.vn) - "Thủ đoạn tinh vi", "Manh động và chuyên nghiệp", "Địa bàn hoạt động lớn"... dù chưa thể lột tả được hết nhưng cũng phần nào nói lên cam go trên mặt trận phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Ban Chỉ đạo 389 cho biết, quý I/2019, trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, tại các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội… các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng (vải, quần áo, giày dép), bánh kẹo, thuốc lá, thuốc bắc, pháo nổ, các sản phẩm từ động vật... từ Trung Quốc vào Việt Nam, thông qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn, lối mở qua biên giới. Các đối tượng lợi dụng sơ hở trong công tác tuần tra, kiểm soát biên giới của các lực lượng chức năng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa.

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa.  

Tuyến biên giới, địa bàn các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên hoạt động buôn lậu chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, pháo nổ, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, lâm sản, động vật hoang dã... Đặc biệt về tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới, các đối tượng chuyển hướng hoạt động từ các khu vực biên giới tỉnh Sơn La sang địa bàn các tỉnh biên giới miền Trung với quy mô lớn, chuyên nghiệp và manh động hơn. Tỷ lệ tội phạm sử dụng vũ khí nóng gia tăng, nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn đã bị phát hiện, xử lý.

Với tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, các vụ vi phạm bị phát hiện tập trung chủ yếu vào các loại hàng cấm, hàng hóa gọn nhẹ, có giá trị kinh tế cao và dễ cất giấu như: ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, điện thoại, rượu ngoại... Thủ đoạn phổ biến vẫn là cất giấu hàng hóa trong hành lý mang theo khi nhập cảnh. Khi bị phát hiện, đối tượng bỏ hàng, không làm thủ tục nhận hàng; không trực tiếp vận chuyển mà thuê những người có hoàn cảnh khó khăn vận chuyển thay; lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để buôn hàng cấm và hàng nhập khẩu có điều kiện.

Với tuyến biển, cảng biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như: xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu vẫn xảy ra phức tạp, trọng điểm tại vùng biển Đông Bắc, biển Miền Trung và vùng biển phía Nam. Vi phạm chủ yếu của các đối tượng vẫn là không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa, việc mua bán xảy ra ở khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và nước ngoài, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì chạy khỏi vùng biển Việt Nam, có trường hợp không thừa nhận hành vi, không khai báo. Việc vận chuyển trái phép hàng hóa nằm trong Danh mục Cites: cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi... có chiều hướng gia tăng, các lô hàng nhập khẩu khai là mặt hàng gỗ, tuy nhiên trong các lô hàng lại cất giấu các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp.

Tổ công tác BTL Vùng Cảnh sát biển 1 vừa phát hiện tàu hàng chở khoảng 900 tấn than cám không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: ĐVCC.

Với thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra trong dịp lễ, Tết tại nhiều địa phương, chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao, như: rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần áo, giầy, dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng... Đáng chú ý, tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh kém chất lượng vẫn bày bán công khai trên mạng, không có sự kiểm soát gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 
Quý I/2019 lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 33.549 vụ việc vi phạm (tăng 10 % so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp NSNN đạt 2.470 tỷ 62 triệu đồng (tăng 16% so với cùng kỳ), khởi tố 820 vụ (tăng 67% so với cùng kỳ), 982 đối tượng (tăng gần 70% so với cùng kỳ).
 

Lãnh đạo Ban chỉ đạo 389 cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng một số kế hoạch chuyên đề, trọng điểm và quy định  như: Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động  thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; Kế hoạch chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia; Kế hoạch chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan khu vực biên giới phía Bắc; Kế hoạch chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng...

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm hay của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lan tỏa gương người tốt, việc tốt; tuyên truyền tích cực hơn để nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này...

Hàng giả trên mạng 'giết chết' hàng chính hãng(VietQ.vn) - “Thương mại điện tử sẽ ‘giết chết’ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nếu không được quan tâm đúng mức”, bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó chánh thanh tra Bộ KH&CN nhấn mạnh.

Thanh Phong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang