Cá chết trắng sông Đồng Nai: ‘1 đồng tiền bồi thường cũng không có’

author 17:53 10/01/2016

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã xác định cá chết hàng loạt do người dân nuôi sai cách nên sẽ không có chuyện được đền bù (!).

Theo những tin tức mới nhất trên báo Dân Trí, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với Phòng Kinh tế TP Biên Hòa và các ban ngành liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt tại làng cá bè dọc sông Cái. Tại buổi làm việc, ông Châu Văn Hiệp, Chủ tịch Hội nông dân xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa cho biết, tính đến sáng 8/1, tổng số cá chết là hơn 369 tấn của 151 hộ nuôi (còn 40 hộ chưa kê khai), thiệt hại ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.

Người dân chảy nước mắt nhìn cá chết hàng loạt tại làng bè dọc sông Cái

Người dân chảy nước mắt nhìn cá chết hàng loạt tại làng bè dọc sông Cái. Ảnh TNO

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt, ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng Phòng Kinh tế TP Biên Hòa xác nhận nguyên nhân cá chết trắng sông không phải do dịch bệnh (không phát hiện vi khuẩn gây bệnh trong mẫu xét nghiệm). Chủ yếu là do hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) tại khu vực nuôi cá bè rất thấp, không đạt chuẩn.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do có sự thay đổi đột ngột về chế độ thủy triều làm hạn chế sự khuếch tán oxy trong nước dẫn đến suy giảm hàm lượng DO và nguồn nước ô nhiễm. Điều đáng nói, cơ quan chức năng xác định nguồn nước ô nhiễm là do… người nuôi cá.

Cụ thể là người nuôi cá đã sử dụng các phế phẩm từ động thực vật làm thức ăn cho cá khiến nước sông bị ô nhiễm. Mặt khác, nước ô nhiễm còn do người nuôi cá nuôi mật độ cá thịt quá cao (120-130 con/ m3), lồng bè làm sai kỹ thuật, nuôi trái quy định (trên sông Cái cho phép làm 305 bè nhưng người dân lại làm 696 lồng bè).

Cũng theo ông Phước, vụ việc cá chết hàng loạt không phải do thiên tai, dịch bệnh nên người nuôi cá sẽ không được đền bù theo quy định. Tuy nhiên, đơn vị sẽ kiến nghị lên cấp trên để có phương hướng hỗ trợ giúp người dân vượt qua khó khăn.

Tổng thiệt hại ban đầu từ việc cá chết hàng loạt ở Đồng Nai đã lên tới hàng chục tỷ đồng

Tổng thiệt hại ban đầu từ việc cá chết hàng loạt ở Đồng Nai đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Ảnh Zing News

Trong khi đó, cũng có mặt tại tại buổi họp, bà Võ Niệm Tường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên – Môi trường Đồng Nai, nói thêm: “Cá chết không phải do độc tố, dịch bệnh, nguồn nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm mà 100% cá chết là do ngộp thở”.

Ngoài ra, bà Tường cho biết mật độ nuôi dày đặc, khoảng cách bè chật chội làm hạn chế không gian sống của cá, cộng với thức ăn dư thừa tồn đọng dưới bè lâu ngày làm phát sinh một lượng vi khuẩn có hại trong nước, từ đó dẫn đến hàm lượng oxy hòa tan bị suy giảm khiến cá chết hàng loạt.

Tuy nhiên, lập luận này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Chi cục Chăn nuôi và thú y (thuộc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai). Ông Nguyễn Ngọc Quyến, chuyên viên Chi cục Chăn nuôi và thú y, đặt câu hỏi: “Cái này có bằng chứng chưa mà nhận định như vậy? Vì theo kết quả phân tích mẫu cá chết của Cơ quan Thú y vùng VI thì không phát hiện vi khuẩn gây bệnh xuất huyết”.

“Tiếp theo là gia tăng hàm lượng thức ăn dư thừa, tôi đặt lại câu hỏi: Hàm lượng thức ăn dư thừa nó phân hủy có đủ làm cho ô xy giảm thấp vậy hay không? Cho nên, theo tôi nhận định như thế là chưa thỏa đáng lắm” – ông Quyến phân tích.

Vẫn có những ý kiến trái chiều về nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Đồng Nai

Vẫn có những ý kiến trái chiều về nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Đồng Nai. Ảnh Dân Trí

Được biết mặc dù công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt là do lượng oxy trong nước thấp khiến cá bị ngộp và chết, nhưng ông Phước vẫn đề xuất UBND TP.Biên Hòa cần có báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ban ngành liên quan tiếp tục khảo sát, đánh giá nguồn nước sông Cái, sông Đồng Nai; nguồn nước từ các khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp liên quan dọc theo tuyến sông để có kết quả đánh giá hiệu quả nhất, báo Thanh Niên đưa tin.

Minh Thùy (T/h)

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang