Cả gan dỡ mái đình bán gỗ sưa: Không sợ quả báo?

author 11:14 07/03/2014

(VietQ.vn) - Choáng ngợp trước đồng tiền khiến con người bị tha hóa tâm hồn, ứng xử với của cải xã hội cũng vì đó mà tùy tiện, vơ được cái gì là vơ.

Trước câu chuyện quan chức tại thôn Cựu Quán (Đức Thượng-Hoài Đức-Hà Nội) tự ý dỡ đình làng lấy gỗ sưa đem bán, nhà nghiên cứu văn hóa GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, cho rằng đồng tiền là nguyên nhân của những việc làm bậy bạ như thế…

Đáng nói là những người tự ý dỡ mái đình làng lại trong ban khánh tiết của thôn. Bốn thanh gỗ sưa trên mái đình, bán được giá 1,2 tỷ đồng. Nhìn mái đình làng tan hoang dưới mưa bụi, người dân ngậm ngùi xót xa: “chúng tôi không cần tiền, hãy trả lại mái đình làng như cũ…”

Mái đình bị dỡ, người dân phải căng bạt tạm che mưa

“Từ lâu, đồng tiền đã bị lên án làm tha hóa tâm hồn người dân nghiêm trọng. Niềm tin vào những gì vốn được coi là thiêng liêng, nguồn cội cũng đã bị xói mòn. Buồn hơn không phải là người dân thường dỡ mà lại chính là những người trong bán khánh tiết,  xưa nay thường vẫn được coi trọng về nhân cách, lễ nghĩa…”, GS Trần Ngọc Thêm nói.

Theo nhà văn hóa, đình làng chính là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cả làng. Đây cũng là trung tâm của làng, nơi thờ thần hoàng làng người bảo hộ mang lại những điều tốt lành cho dân làng.

“ Ngay cả hướng làm đình cũng phải được chọn kỹ lưỡng, tuân nghiêm theo luật  phong thủy. Xưa nay, các cụ vẫn quan niệm, cái gì không tốt trong làng cũng đổ tại cho hướng đình không đúng, chả thế mà có câu:  “Toét mắt là tại hướng đình… là vậy”, tác giả cuốn Cơ sở Văn hóa Việt Nam, phân tích.

Đình làng tan hoang sau vụ dỡ trộm...

Dưới góc độ tâm linh, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, người dân Việt vốn tin những ai động chạm tới thần linh ắt sẽ bị của phạt.

“Tôi đã từng chứng kiến những câu chuyện quả báo có thật mà chỉ có thể dùng tâm linh để lý giải. Có những người chặt phá cây đa, tự ý lấp cái giếng làng rồi không hiểu sao những người trong nhà họ đều gặp biến. Có khi mẹ đang đêm nằm lại đè chết con; trẻ con đang ngồi chơi lại bị gà mổ vào mắt…”, ông Thêm nói.

Theo nhà văn hóa, khi  áp lực niềm tin, tính tổ chức của làng, sự coi trọng truyền thống còn mạnh thì không thể có những chuyện làm bậy như việc dỡ đình bán gỗ. Chỉ khi niềm tin, tính tổ chức bị suy giảm nên mới sinh ra lỗi biết là không đúng vẫn cứ làm!

Từ câu chuyện trên, cũng có thể thấy rõ văn hóa làng đã bị suy giảm. Đành rằng trong bối cảnh chung, mọi văn hóa đều có thể thay đổi nhưng quan trọng vẫn giữ được tinh hoa truyền thống khi tiếp thu được những yếu tố tích cực từ văn hóa bên ngoài.

“Đáng buồn là nhiều khi, sự tiếp thu văn hóa của chúng ta lại đi theo hướng ngược lại. Rất nhiều trường hợp mặt xấu văn hóa lại kết hợp với mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, chủ nghĩa thực dụng tạo nên những cái rất quái thai…”, GS Trần Ngọc Thêm nói.

Những “quái thai” do choáng ngợp đồng tiền  được nhà văn hóa dẫn ra cụ thể bằng những câu chuyện cười ra nước mắt: Cuộc sống làng quê đang bình yên, nông dân bống dưng được mớ tiền từ bồi thường đất. Rồi thì cha con, anh em tranh giành nhau không còn  biết thế nào là đúng sai, thế nào là lễ nghĩa…

Có tiền thì phải ăn chơi, cũng phải mua cái xe sang như những “thằng hàng xóm từng mua”. Khổ nỗi cách đi như thế nào cũng đâu đã biết. Cứ ngồi lên là đi rồi đi lung tung, gây tai nạn…

Ăn chơi rồi lại muốn thêm tiền, bất chấp tất cả, người ta ứng xử tùy tiện với của cải xã hội, vơ được cái gì là cứ vơ. Vậy nên mới cả gan dỡ mái đình đi bán….

Hà Nội làm rõ vụ "dỡ đình bán gỗ sưa"

Chiều 6/3, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội thông tin cho các cơ quan báo chí biết về vụ “dỡ cấu kiện kiến trúc đình Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức bán gỗ sưa”.

Theo ông Trương Minh Tiến, sự việc này đã được các cơ quan chức năng bước đầu làm rõ nguyên nhân. Theo báo cáo của Công an xã thì đã có 6 người, trong đó gồm có ông Nguyễn Phú Ngà, Bí thư Chi bộ; Nguyễn Phú Lực, Trưởng thôn Cựu Quán; Nguyễn Ích Chắt, Trưởng Ban các cụ; Nguyễn Ích Bạ, Ban Khánh tiết đã thừa nhận: Vào hồi 18h, ngày 2/3/2014, những người này đã bán 4 thanh gỗ sưa với trọng lượng 127,5kg gỡ ở mái vảy của Đình Quán bán với trị giá 1,2 tỷ đồng.

Trong số tiền thu được này, có 700 triệu đồng đã được gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp huyện Hoài Đức, còn lại số tiền 500 triệu đồng đã mua ruộng gần chùa và mua đồ gỗ sửa lại mái vảy của Đình Quán.

Công an huyện Hoài Đức đã phối hợp với Công an xã thu giữ một sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng và đang tiếp tục điều tra làm rõ động cơ, mục đích của việc bán gỗ.

 

 

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang