Ca sỹ Hương Lan: "Không thầy đố mày làm nên"

author 08:37 06/01/2013

Ca sĩ Hương Lan một ngôi sao sáng của dòng nhạc quê hương, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời. Chị tâm sự nhiều điều thú vị về cuộc sống, gia đình và khát vọng của một nghệ sĩ luôn hướng về nguồn cội.

*Phóng viên: Đầu năm 2013, Hương Lan có chia sẻ gì với khán giả ở cả hai lĩnh vực ca nhạc và sân khấu cải lương?

Ca sĩ Hương Lan: - Nguyện vọng của tôi trong năm 2013 là có cơ hội diễn trên sân khấu cải lương tiếp tục đem lời ca tiếng hát phục vụ khán giả khắp nơi.  Những năm gần đây, tôi có nhiều chuyến lưu diễn phục vụ kiều bào tại Mỹ, Úc... Nhớ nhất là vào năm 2011, tôi và nghệ sĩ Ngọc Giàu sang diễn ở Ukraina cùng sắm vai trong trích đoạn Hạng Võ biệt Ngu Cơ, được bà con kiều bào tại đây cổ vũ nồng nhiệt. Năm qua, sàn diễn cải lương trong nước ít sáng đèn nên tôi cũng ít có dịp tham gia biểu diễn.
 
Giọng ca vượt thời gian
 
*Nhiều khán giả nhận xét rằng Hương Lan sở hữu “giọng ca không có tuổi”, chị có bí quyết gì để giữ sự tươi trẻ trong giọng hát của mình?
 
- Tôi giữ sức khỏe và tinh thần luôn sảng khoái. Ở nhà, tôi hay đùa giỡn với người thân để lúc nào gia đình cũng tràn ngập tiếng cười. Tâm lý quan trọng lắm, nó có thể làm cho người ca sĩ thăng hoa hoặc mất hết cảm xúc chỉ vì một nỗi niềm ẩn khuất trong lòng.    
                    
*Nghệ sĩ nào lên đỉnh vinh quang cũng có lúc phải bước xuống, chị có từng lo lắng bởi thăng trầm của “kiếp cầm ca”?
 
 
- Ai lên đỉnh cao rồi cũng phải tìm đường xuống, chứ không thể cứ mãi sống trên cái đỉnh mà ở đó sự lạnh giá, cô đơn bao quanh mình. Tôi không có ý nghĩ cố leo lên cao rồi lo sợ ngày xuống dốc bởi dòng nhạc mang âm hưởng dân ca luôn sống âm thầm trong lòng công chúng, thế hệ khán giả nào cũng nghe và yêu thích. Tôi không tự mãn cho rằng mình ở vị trí  “độc tôn” trong nghề, nhưng tôi ý thức rất rõ trách nhiệm của mình để tuân thủ nguyên tắc: làm việc hết mình và không giả vờ có cảm xúc. Vì một bài hát, một vai diễn không có cảm xúc tức là mình lừa dối khán giả. 

*Chị là ca sĩ nổi tiếng kỹ tính trong nghề nghiệp và chưa bao giờ bị chỉ trích hát quên lời ca, điều mà nhiều ca sĩ trẻ hiện đang mắc phải?
    
- Tôi cũng có một nguyên tắc là trước khi đêm lên sân khấu trình diễn một ca khúc tôi phải học và tập dợt thuần thục ca khúc đó chứ không theo kiểu nhớ mang máng lời mà vẫn cứ ra biểu diễn. Nếu bị nhà tổ chức chương trình thúc ép hoặc khán giả yêu cầu tha thiết quá, tôi xin phép được cầm văn bản để hát.
 
Tôi thường tìm gặp các chú nhạc sĩ để hỏi những câu chữ trong bài hát mang ý nghĩa gì, để khi hát mình hiểu và thể hiện một cách trọn vẹn. Chính vì không hiểu nên hát sai, tự giải thích câu hát theo ý mình mà không hiểu ý của tác giả. Niềm vui của tôi là khi hát bài hát nào, tác giả gặp tôi cũng bày tỏ sự hài lòng.
 
Chỉ có một lần, khoảng năm 2007, khi hay tin mẹ tôi bị bệnh nặng ở Mỹ, tôi thật sự bị áp lực, bị phân tâm nên lên sân khấu hát đã quên lời một số bài.  Sự cố trong nghề là bình thường, quan trọng là mình biết sửa sai sau đó.  
 
 Chưa trọn vẹn   
 
*Chị có hài lòng với những thành công đã đạt được?
       
- Tôi cảm thấy mình được tổ nghiệp thương nên trên con đường nghệ thuật gặp nhiều may mắn. Khi còn nhỏ, tôi được ba gửi gắm cho nhạc sĩ Châu Kỳ, để ông dạy thanh nhạc và dìu dắt vào nghề. Tôi trưởng thành theo từng ca khúc trữ tình của các chú, các bác nhạc sĩ mà ngày nay chúng ta gọi là ca khúc để đời. Tôi không phải là người giàu có, nhưng tôi không nghèo tình cảm, sống mất nhân cách, đó là điều tôi hài lòng nhất.
 
*Trong chương trình Hát với thần tượng, chị nói mình thành công chưa  trọn vẹn khi chưa hát những bài hát mang âm hưởng dân ca những vùng miền khác ngoài Nam bộ?
 
- Cho đến nay, tôi chưa có bài hát nào về dân ca, âm hưởng dân ca Bắc bộ. Tôi chỉ mới thành công và được công chúng biết đến qua những ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Tây Nam bộ. Đây là điều tôi cảm thấy chưa hài lòng.
 
*Nhiều người nói nhạc sĩ Bắc Sơn đã làm nên một phần tên tuổi của Hương Lan ở dòng nhạc quê hương trữ tình. Chị cũng từng nói mình yêu tất cả những ca khúc mà nhạc sĩ Bắc Sơn sáng tác riêng cho chị...?
 
- Nhạc sĩ  Bắc Sơn là người Nam Bộ, ông yêu những hình ảnh thôn quê yên bình, có dòng sông, con đò, lũy tre và mái lá. Chỉ với làn khói lam chiều bốc lên thơm mùi rạ mới, cũng trở thành chất liệu trong các sáng tác của ông. Để những giai điệu “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, “Em đi trên cỏ non”, “Sa mưa giông”… đã theo tôi trên suốt con đường nghệ thuật. Đi đến đâu, ở bất cứ đất nước nào, tôi cũng đều được bà con kiều bào yêu cầu hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè”.
 
 
Mỗi lần tôi về nước, hai chú cháu ngồi nói chuyện cả ngày về âm nhạc. Chú chỉ dẫn tôi tận tình lắm. Mỗi bài ca, nốt nhạc, chú phân tích để tôi hiểu và thể hiện chính xác cảm xúc của chú. Tôi kể chú nghe những cảm tưởng khi hát trên đất khách những bài ca đó và chú lấy chất liệu từ câu chuyện của tôi kể mà viết nhiều bài hát hay, trong đó có bài “Tháng mấy em về”. Tôi còn vinh dự được sửa lời bài ca cho thuận với làn hơi của mình, được trao đổi với chú, để chú sáng tác kiểu “đo ni đóng giày” đúng với từng khung nhạc, câu hát hợp với chất giọng của tôi.
 
Không bao giờ phụ nghề
                        
*Hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, có lần nào chị muốn giải nghệ? 
 
- Chưa bao giờ tôi có ý định đó, dù nhiều lúc đối diện với khó khăn, gian nan. Tôi đi hát từ lúc 5 tuổi, đến nay đã 57 tuổi. Ba tôi rất nghiêm khắc, ông dạy những điều cần thiết trong nghề và rèn cho con một ý chí kiên định để có thể đương đầu với mọi sóng gió. Nghề nào cũng có khó khăn riêng nhưng làm nghệ sĩ phải chịu áp lực lớn trong việc tạo dựng và giữ gìn danh tiếng.
 
*Nếu thời gian tới phải giải nghệ thì chị sẽ làm gì?
 
- Tôi dự định sau khi rời sân khấu sẽ gắn bó với công việc từ thiện. Tôi sẽ thu âm những CD để lưu lại tiếng hát của mình. Bản thân tôi đi lên từ những gian truân nên sẵn sàng nâng đỡ đàn em. Tuy nhiên, tôi có một nguyên tắc chỉ dạy những học trò thực sự có khả năng, không dùng nghề hát để làm giàu, làm mất danh dự nghệ sĩ.           
 
*Chị có đúc kết gì từ nghề nghiệp của mình để ai đó muốn lấy nó làm bài học?
                                 
- Điều tôi học được để trưởng thành trong nghề và trong cuộc sống chính là biết yêu quý nghề nghiệp, tôn trọng những người thầy đã dạy dỗ mình, kính trọng những đồng nghiệp đi trước. Người đời vẫn nói nghệ sĩ giàu tình cảm, nhưng không ít ca sĩ ngày nay sống thiếu thiện cảm với đồng nghiệp. Một số ca sĩ trẻ gặp đàn anh, đàn chị không  chào hỏi, thiếu thái độ kính trọng thì làm sao có tình cảm để tồn tại với nghề.
 
Tôi quý câu tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên” và không bằng lòng khi nghe những phát biểu đại khái: “Không nhờ ca sĩ hát hay làm sao khán giả biết đến bài hát của nhạc sĩ”. Vậy thì xin hỏi giọng hát hay đó nếu không có những bài hát hay, ai biết đến họ? Tôi kính trọng và biết ơn những nhạc sĩ dù ở thế hệ nào, đã sáng tác ca khúc cho mình hát.
 
Theo NLD
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang