Đại biểu chất vấn: 'Cả xã không có nổi một cái máy cấy thì cơ giới hóa cái gì?'

authorViết Cường 11:23 08/07/2015

(VietQ.vn) - Một câu hỏi khá gay gắt của Đại biểu Hoàng Mạnh Phú (tổ Phúc Thọ) trong phiên chất vấn của kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội…

Chiều 7/7, tiếp tục phiên chất vấn của kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội, đã có 15 lượt đại biểu quan tâm đặt câu hỏi chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Trong đó, đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề nước sạch và nông sản an toàn.

Đại biểu Hoàng Mạnh Phú (tổ Phúc Thọ) cho rằng, chính sách khuyến khích cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa đi vào cuộc sống.

Đại biểu Hoàng Mạnh Phú

Đại biểu Hoàng Mạnh Phú. 

“Tính bình quân hiện mỗi xã chưa được 1 máy cấy thì cơ giới hóa cái gì, các vị nghĩ gì?”, Đại biểu Phú gay gắt đặt câu hỏi.

Đại biểu này cho rằng, như vậy có thể khẳng định đến thời điểm này chính sách này không phù hợp thực tiễn.

Do đó, đại biểu Phú cũng đề nghị Thành phố phải chăm lo đầu tư các nhà máy nước sạch ở các huyện ngoại thành. Cùng chung quan điểm này, đại biểu Nguyên Quân (tổ Ứng Hòa) nêu chất vấn, Sở NN&PTNT là cơ quan tham mưu cho thành phố có đánh giá chính sách này như thế nào để tham mưu cho UBND TP trình HĐND TP sửa đổi chính sách cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thắng (tổ Từ Liêm) nêu vấn đề: Thị trường tiêu thụ nông sản của Hà Nội rất lớn, trong khi năng lực sản xuất của Hà Nội lại không đáp ứng đủ so với nhu cầu, vậy ngành nông nghiệp đã làm gì, đầu tư vào lĩnh vực này như thế nào để kết nối vùng, tạo nguồn cung sản phẩm nông nghiệp. Hiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ vẫn chưa được chú trọng, trong thời gian tới thành phố có giải pháp gì để đưa nông sản an toàn tới người tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Văn Châm (tổ Đông Anh) nêu vấn đề, trên địa bàn huyện Đông Anh có Nhà máy nước sạch Nguyên Khê từ năm 2011 đến nay chưa được đưa vào khai thác, trong khi nước sạch cung cấp cho nhân dân chưa được đảm bảo, vậy lý do nào Nhà máy này lại chậm đưa vào sử dụng. Ngoài ra, đại biểu Phạm Xuân Tài (tổ Thường Tín), đại biểu Lê Thị Hà (tổ Thanh Oai), đại biểu Nguyễn Thị Thùy (tổ Gia Lâm), đại biểu Phạm Nguyên Nhung (tổ Thanh Trì) cũng chất vấn về vấn đề nước sạch trên địa bàn các huyện ngoại thành.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông) chất vấn, cùng với chính sách đầu tư hỗ trợ các cơ sở giết mổ tập trung thì phải quản lý các cơ sở giết mổ thủ công để đảm bảo an toàn cho thực phẩm cung cấp cho nhân dân. Vậy thời gian qua UBND TP đã chỉ đạo quản lý việc này như thế nào?

phó chủ tịch hà nội

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt

Trả lời các câu hỏi đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đã tiếp thu những kiến nghị và khẳng định, Thành phố sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT rà soát lại cơ chế khuyến khích hỗ trợ phát triển nông nghiệp để đánh giá hiệu quả, tham mưu cho UBND TP trình HĐND TP sửa đổi những chính sách không phù hợp thực tiễn, đặc biệt là vấn đề đại biểu nêu về bất cập trong chính sách cơ giới hóa.

Về vấn đề nhiều đại biểu quan tâm trong lĩnh vực nước sạch, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cho biết, Thành phố đang tích cực triển khai và một số dự án đã xong thủ tục đầu tư chuẩn bị khởi công như ở Thường Tín, đồng thời cũng đang tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các dự án cung cấp nước sạch cho nhân dân.

Đối với câu hỏi về việc quản lý các cơ sở giết mổ thủ công, Phó Chủ tịch cho biết, hiện Thành phố đã kiểm soát được 38% lượng giết mổ hàng ngày, nhưng vẫn còn tình trạng lén lút giết mổ trong khu dân cư. Thời gian tới Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo ngành Nông nghiệp ra quân kiểm tra, xử lý những hộ vi phạm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Chu Phú Mỹ cho biết thêm, hiện thành phố đã triển khai được 3 dự án cung cấp nước sạch, dự kiến cuối năm nay hoàn thành thực hiện cấp nước sạch cho nhân dân. Các dự án còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2016, chậm nhất là 2017. Sở Nông nghiệp và PTNT đang tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án này.  Đồng thời thành phố đã liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận và một số tỉnh miền Nam để cung cấp nông sản an toàn cho nhân dân Thủ đô.

Trả lời câu hỏi của cử tri liên quan đến tình trạng nông dân một số nơi bỏ ruộng hoang hóa vẫn đang diễn ra, gây lãng phí đất đai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Chu Phú Mỹ cho biết, hiện có 4 xã thuộc 2 huyện Quốc Oai và Thường Tín và một số ruộng nhỏ lẻ, xen kẹt ven đô thuộc một số quận, huyện (Hà Đông, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm…) không cấy vụ Xuân 2015, trong đó, huyện Quốc Oai 245 ha của 2 xã (Cộng Hòa và Đồng Quang); huyện Thường Tín có 41,4ha của 2 xã (Hòa Bình và Nguyễn Trãi). Nguyên nhân là do vướng mắc trong công tác dồn điền đổi thửa, Ban chỉ đạo của huyện, xã thiếu sâu sát, không đảm bảo quy chế dân chủ ở cơ sở, thiếu công khai, thực hiện không đúng quy trình, trình tự thủ tục quy định, có biểu hiện tư lợi cá nhân, nhân dân chưa đồng thuận với phương án dồn điền đổi thửa và yêu cầu giải quyết một số vi phạm về đất đai. Ở các quận, huyện khác do xen kẹt trong các khu đô thị đang xây dựng, không đủ điều kiện về nước tưới nên nhân dân không sản xuất.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp cùng các huyện kiểm tra, rà soát lại phương án dồn điền đổi thửa, đề nghị xử lý các vi phạm về đất đai và giải quyết các kiến nghị của nhân dân để hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa của các xã trên, đồng thời phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo các xã tổ chức cho nhân dân sản xuất vụ mùa không để ruộng hoang.

Kết luận chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND TP rà soát đánh giá lại 2 nghị quyết của HĐND TP về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp để rút ra kết quả, từ đó đề ra giải pháp để đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách thiết thực, đạt hiệu quả cao. Các sở ngành trong quá trình triển khai nghị quyết phải kịp thời báo cáo, đề xuất để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Cùng với đó, theo chỉ tiêu đến hết năm 2015 có 40% dân cư khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch, vậy từ nay đến cuối năm Sở NN & PTNT phải tập trung thực hiện để hoàn thành xong 4% còn lại.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang