Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ để phát triển chỉ dẫn địa lý

author 15:33 06/12/2015

(VietQ.vn) - Việt Nam hiện có 43 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, phần lớn là nông sản, đứng thứ hai sau Thái Lan ở khu vực ASEAN. Chỉ dẫn địa lý không chỉ là công cụ để bảo vệ giá trị của sản phẩm mà còn là động lực cho quá trình phát triển thương mại bền vững.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, mà gần đây nhất là sự kiện Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đòi hỏi Việt Nam cần có sự nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc về vai trò và sự cần thiết của vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Nó không chỉ là công cụ để bảo vệ giá trị của sản phẩm mà còn là động lực cho quá trình phát triển thương mại bền vững. Tuy nhiên, hiện còn nhiều khó khăn cả về thể chế chính sách và thực tiễn khai thác sản phẩm thương mại.

Chất lượng Việt Nam Online đã có cuộc phỏng vấn ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ xung quanh vấn đề này:

Là chuyên gia nhiều kinh nghiệm, đồng thời ở phía cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của các chỉ dẫn địa lý đối với việc phát triển sản phẩm?

Ông Lưu Đức Thanh: Như bạn đã biết, Chỉ dẫn địa lý là công cụ cho phép bảo tồn, chống lại sự lạm dụng, gian lận thương mại dựa trên việc thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, tăng cường lợi thế so sánh và sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua một chiến lược riêng của các sản phẩm khu vực nông thôn, đặc biệt là nông sản thực phẩm. Điều này đã được các nước khai thác một cách hiệu quả, đặc biệt là các nước châu Âu.

Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý

Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ 

Đối với Việt Nam, chúng ta là một nước nông nghiệp, có truyền thống và sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và văn hóa, rất nhiều sản phẩm có lợi thế, điều kiện đặc trưng, hình thành sản phẩm đặc sản vùng miền, đây là thế mạnh của khu vực nông thôn. Trong bối cảnh hội nhập, ngoài một số sản phẩm chủ lực như: lúa gạo, hồ tiêu, hạt điều, cao su… rất nhiều sản phẩm của chúng ta gặp khó khăn về khả năng cạnh tranh, do những hạn chế về quy mô sản xuất, khả năng áp dụng công nghệ… Vì vậy, chỉ dẫn địa lý như một giải pháp quan trọng và phù hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Chỉ dẫn địa lý cho phép chúng ta khai thác những lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa và chất lượng của sản phẩm để tiếp cận thị trường với chiến lược đặc trưng riêng, đồng thời bảo hộ được thương hiệu của sản phẩm, tránh sự lạm dụng trên thị trường.

Chính vì những lợi thế như ông nói nên 15 năm qua, chỉ dẫn địa lý đã trở thành một hướng xây dựng thương hiệu được nhiều địa phương lựa chọn. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của 43 sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nêu trên?

Ông Lưu Đức Thanh: Cho đến nay thì chưa có một đánh giá nào toàn diện về hiệu quả của các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy được những kết quả bước đầu, đó là:

- Chỉ dẫn địa lý đã làm thức tỉnh nhiều địa phương, tác nhân nông thôn về tiềm năng của họ về những sản phẩm đặc sản. Nhiều địa phương đã xác định xây dựng chỉ dẫn địa lý như một trong các hướng đi nhằm xây dựng thương hiệu địa phương, phát triển thị trường.

- Chỉ dẫn địa lý đã giúp các doanh nghiệp, người dân bước đầu định hình việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương.

- Một số chỉ dẫn địa lý bước đầu đã được đưa vào thị trường, làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng, các tác nhân phân phối. Đã có những sản phẩm mang lại hiệu quả về kinh tế cho người sản xuất, nâng cao giá trị trên thị trường, giảm thiểu sự lạm dụng về thương mại của sản phẩm.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam là một lĩnh vực mới, đòi hỏi sự thích ứng phù hợp, đặc biệt là về thể chế và đặc điểm sản xuất. Do đó, những kết quả đạt được đến hôm nay mặc dù còn hạn chế so với mong đợi nhưng đó là những kết quả đáng khích lệ, làm cơ sở cho sự phát triển hiệu quả và bền vững cho chỉ dẫn địa lý ở VN trong thời gian tới.

Theo đánh giá của ông, bên cạnh những kết quả đạt được, những khó khăn mà các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang gặp phải là gì thưa ông?

Ông Lưu Đức Thanh: Nhìn trên khía cạnh về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý trong 15 năm qua của Việt Nam, chúng ta thấy rằng quá trình này còn khá chậm và còn có hạn chế. Chúng ta chưa khai thác hết được giá trị của chỉ dẫn địa lý có thể mang lại, sản phẩm chỉ dẫn địa lý chưa trở thành một dấu hiệu thương mại, xây dựng được kênh thị trường riêng để người tiêu dùng tiếp nhận như một sản phẩm có giá trị. Điều đó làm hạn chế việc sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lý, thúc đẩy thương mại sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của người dân. Có nhiều nguyên nhân để giải thích về vấn đề này, ví dụ như:

-Khó khăn về thể chế, đặc biệt là những quy định về quản lý và sử dụng để hình thành các mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý phù hợp, hiệu quả với điều kiện sản xuất của Việt Nam.

-Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tập quán sản xuất, tiêu thụ mang tính truyền thống, khả năng hình thành chuỗi giá trị khép kín, mức độ tham gia trực tiếp vào kênh phân phối của sản phẩm nông sản còn hạn chế, dẫn đến việc sử dụng chỉ dẫn địa lý của người dân còn chưa nhiều.

-Thứ ba là sự hỗ trợ một cách thường xuyên của địa phương còn chưa nhiều do những khó khăn, hạn chế cả về vấn đề kỹ thuật, thể chế và năng lực của cán bộ hỗ trợ về chỉ dẫn địa lý.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, đặc biệt là Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp, Công Thương chưa chặt chẽ, chức năng, nhiệm vụ trong phát triển chỉ dẫn địa lý chưa rõ ràng, dẫn đến những khó khăn cho việc hỗ trợ các chỉ dẫn địa lý.

Vậy để khắc phục những khó khăn trên, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ như thế nào thưa ông?

Ông Lưu Đức Thanh: Để chỉ dẫn địa lý phát huy được giá trị, hiệu quả và bền vững, nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ, cụ thể là:

- Xây dựng các quy định chung trong quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, cụ thể về mặt kỹ thuật, thể chế và hệ thống tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Đây là nền tảng để các địa phương xây dựng các mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý phù hợp.

- Cần có cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp, Công thương trong hỗ trợ chỉ dẫn địa lý, giúp xây dựng một cách đồng bộ từ tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

- Nhà nước nên ưu tiên hoặc có chính sách đặc thù về hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại gắn với chuỗi giá trị, thúc đẩy sự tham gia trực tiếp vào thị trường đối với các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

- Tăng cường quảng bá, xây dựng thị trường minh bạch, đưa chỉ dẫn địa lý trở thành một dấu hiệu nhận diện về sản phẩm đối với người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của chỉ dẫn địa lý trên thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Trần Hoài (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang