Các câu hỏi ‘nóng’ tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ

author 06:40 03/03/2015

(VietQ.vn) - Ngày 2/3, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ – cuộc họp báo đầu tiên của năm mới Ất Mùi, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên.

Sau khi thông báo qua về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2015, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cùng các Bộ trưởng, Thứ trưởng một số Bộ đã dành nhiều thời gian trả lời các câu hỏi của phóng viên tham dự họp báo.

PV Vũ Hạnh (Báo điện tử VOV): Vừa rồi chúng ta có chủ trương bán quyền khai thác một số sân bay cho tư nhân như sân bay Phú Quốc và nhà ga T1-sân bay Nội Bài. Tuy nhiên nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề an ninh và độc quyền khi các cảng này được chuyển giao cho tư nhân khai thác. Chính phủ có chỉ đạo gì về vấn đề này không và Bộ GTVT có phương án như thế nào để chuẩn bị cho việc này hay chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm?

Thứ hai, Thái Lan vừa có thông tin mở cửa cho lao động của Việt Nam. Xin hỏi đại diện Bộ LĐ-TB&XH là Việt Nam đã chuẩn bị phương án gì cho việc này?

Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: Chính phủ hôm nay họp, Thủ tướng có đề cập khi thông qua dự án sân bay Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có đưa ra những kế hoạch tới của ngành giao thông. Chính vì thế, trước mắt chưa có báo cáo với Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ thống nhất quan điểm này và chúng ta hiểu rằng khi thực hiện các bước này không có nghĩa là buông lỏng quản lý mà đưa ra những kế hoạch, tiêu chí để quản lý, thực hiện phát triển kinh tế theo hướng kinh tế thị trường nhưng cũng đảm bảo quản lý chặt chẽ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn HồngTrường: Thứ nhất, hiện nay việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là yêu cầu của chúng ta. Vừa rồi Chính phủ giao Bộ GTVT xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ đường bộ mà cả đường sắt, hàng hải, đường không… Với tinh thần đó, trong năm 2014, Bộ GTVT đã xây dựng tổng thể các phương án, bán, nhượng quyền khai thác các dự án BOT cũng như các dự án có yếu tố xã hội hóa được. Hiện nay chúng tôi đã lập và báo cáo Thủ tướng. Chính vì vậy, việc chuyển nhượng khai thác, bán các dự án cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoàn toàn nằm trong kế hoạch của Bộ GTVT. Còn việc khai thác sân bay có rất nhiều nội dung.

 thứ trưởng Nguyễn hồng trường

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường. Ảnh Viết Cường

Thứ nhất việc khai thác hệ thống nhà ga và dịch vụ trong nhà ga thì các nước trên thế giới hoàn toàn xã hội hóa. Kể cả việc đầu tư nhà ga cho đến dịch vụ bán hàng, check in-check out có thể xã hội hóa được trừ những dịch vụ an ninh. Vì thế với các cảng hàng không, Bộ GTVT đang tiếp tục kêu gọi xã hội hóa. Gần đây, đối với nhà ga T1-sân bay Nội Bài và sảnh E của nhà ga này thì VietJet Air đề nghị nhượng quyền khai thác. Về phía Bộ GTVT hoàn toàn đồng ý nhưng Bộ cũng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không xây dựng phương án đấu thầu, nhà thầu nào đáp ứng được tiêu chí đề ra với giá bán hợp lý nhất thì Bộ GTVT sẽ nhượng quyền khai thác.

Thứ hai, việc xã hội hóa trong đầu tư toàn bộ các sân bay, chúng ta sẽ làm trên cơ sở thành lập các công ty cổ phần, bao gồm các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để tham gia đầu tư và lợi nhuận chia theo tỷ lệ cổ phần đầu tư. Việc này chúng tôi đang báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ. Đối với sân bay Long Thành đi theo hướng như vậy. Sân bay Phú Quốc vừa được xây dựng xong là sân bay quốc tế, đã được quy hoạch để xây dựng một mô hình rất mới cho phát triển. Vì vậy, đối với sân bay Phú Quốc, Bộ GTVT đã xây dựng, trình phương án xin Thủ tướng Chính phủ bán toàn bộ sân bay về phần dịch vụ khai thác và một phần đầu tư xây dựng; còn toàn bộ hoạt động quản lý bay, cũng như an ninh quốc phòng đều thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam. Thông lệ quốc tế đều như vậy. Quản lý điều hành bay thuộc chủ quyền quốc gia, còn quản lý khai thác và nhượng quyền, chúng ta có thể xã hội hóa.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm: Về vấn đề Thái Lan chuẩn bị mở cửa tiếp nhận lao động của Việt Nam là xu thế chung khi tới đây chúng ta trở thành Cộng đồng chung ASEAN. Để chuẩn bị cho việc phái cử lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan và có thể là nhận lao động Thái Lan sang làm việc tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị nội dung, chương trình để tới đây tiếp và làm việc với đoàn Bộ Lao động Thái Lan và tiến tới ký một bản hợp tác lao động giữa hai quốc gia về vấn đề này.

PV Báo Đầu tư Chứng khoán: Sau rất nhiều năm, lần đầu tiên trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ đến đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Xin hỏi là sau những chỉ đạo hết sức cô đọng của Thủ tướng thì đến nay VPCP đã có những bước chuẩn bị, cũng như có kế hoạch chỉ đạo, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc cụ thể hóa các giải pháp nhằm thúc đẩy, phát triển thị trường chứng khoán trong năm nay cũng như giai đoạn tới như thế nào?

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên: Về việc này, xin mời Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu ý kiến.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà: Phải nói rằng thị trường chứng khoán (TTCK) của chúng ta đã trải qua 15 năm hình thành và phát triển. Cho tới tháng 7 năm nay sẽ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập và phát triển TTCK Việt Nam.

Thứ trưởng bộ tài chính trần xuân hà

Thứ trưởng Trần Xuân Hà. Ảnh Viết Cường

Chúng ta đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong việc huy động vốn cho ngân sách Nhà nước, cho đầu tư phát triển, tăng cường nguồn luân chuyển vốn, tạo ra tính thanh khoản vốn cao hơn cho nền kinh tế quốc dân. Từ đó, tạo ra công cụ đầu tư, công cụ thực hiện, thực thi các chính sách về tài chính cũng như tiền tệ. Chúng ta đã phát triển, đảm bảo được yếu tố công khai, minh bạch của thị trường, từ đó tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế-xã hội.

TTCK đã kết gắn được với tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, trên cơ sở chúng ta đấu giá cổ phần, huy động vốn kết hợp với việc đăng ký niêm yết trên TTCK, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp Nhà nước theo chủ trương của Đảng, của Chính phủ.

Tuy nhiên, phải nói rằng TTCK của chúng ta còn những hạn chế nhất định trong việc đa dạng hóa sản phẩm. Các vấn đề về chất lượng, dịch vụ của các công ty, doanh nghiệp cũng còn có những điểm phải khắc phục. Đặc biệt, phải làm sao đó thúc đẩy khơi thông hoạt động huy động vốn, cũng như là dòng chảy của vốn tài chính, vốn tiền tệ, để làm cho hoạt động của thị trường có chất lượng tốt hơn.

Trong phiên giao dịch đầu năm Ất Mùi, chúng tôi rất vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ đến thăm Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đánh cồng khai trương phiên đầu tiên.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi gặp mặt đầu năm đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với VPCP soạn thảo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, định hướng lớn trong việc phát triển TTCK trong năm 2015 cũng như một số năm tiếp theo.

Một số nội dung chính mà Bộ Tài chính nhắm tới trong năm nay và một số năm tới là:

Thứ nhất, chúng ta cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp luật liên quan tới hoạt động chứng khoán và TTCK, trực tiếp là Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Trong đó nhóm vấn đề như phát hành cổ phiếu của các công ty đại chúng, vấn đề tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, và một số nội dung khác sẽ được đưa vào Nghị định sửa đổi Nghị định 58 này.

Văn bản thứ 2 cũng rất quan trọng là Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về tổ chức TTCK phái sinh. Hiện nay, Nghị định này đã được lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Theo chúng tôi tổng hợp, đa số thành viên Chính phủ đều tán thành Nghị định này. Chính phủ dự kiến sẽ ban hành Nghị định này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, chúng tôi báo cáo với Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, để làm sao tăng cường thêm các nhà đầu tư có tổ chức, huy động thêm nguồn vốn dài hạn, đồng thời góp phần vào kênh an sinh xã hội để đảm bảo cho an sinh xã hội của đất nước chúng ta trong thời gian tới.

Nhóm vấn đề thứ 2 là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai công tác tái cơ cấu lại TTCK với nhiều nội dung quan trọng.

Đầu tiên là tái cơ cấu hàng hóa trên thị trường, gắn với đó là tái cơ cấu hệ thống giao dịch, bao gồm hệ thống giao dịch cổ phiếu, giao dịch trái phiếu, và thị trường chứng khoán phái sinh.

Hai là tái cơ cấu các Sở Giao dịch Chứng khoán, theo hướng hợp nhất hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TPHCM, hình thành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, từ đó sẽ sắp xếp lại hệ thống giao dịch của thị trường, tăng cường công tác quản trị, công khai minh bạch.

Thứ 3 là tái cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, theo hướng phát triển nhà đầu tư có tổ chức như quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, tạo nền tảng cho hoạt động của thị trường.

Tiếp tục tái cơ cấu lại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu, số lượng công ty chứng khoán đã giảm từ trên 100 xuống còn 80 công ty, nâng cao năng lực về tài chính và quản trị của các công ty chứng khoán.

Một giải pháp nữa rất quan trọng là sự kết gắn giữa công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp không phải là ngành nghề kinh doanh chính, kết hợp với việc niêm yết và đăng ký trên thị trường chứng khoán.

Trên cơ sở Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế này, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn về đối tượng, về trình tự thủ tục và cách thức triển khai. Trên cơ sở đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể kết gắn hoạt động này cho tốt, một mặt nâng cao hiệu quả của công tác cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện có hàng hóa mới, có chất lượng tốt cho thị trường, tạo môi trường cho các nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu cổ phần hóa có nơi giao dịch đảm bảo công khai, minh bạch.

Các giải pháp tới đây nữa là nhóm giải pháp mở rộng room cho nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi sẽ thể hiện trong Nghị định 58 như đã trình bày. Trong đó có nhóm các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo tinh thần cam kết WTO, các nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu đến 100% cổ phần tại các công ty chứng khoán và quản lý quỹ.

Riêng đối với công ty niêm yết, sẽ chia ra làm các nhóm. Trong đó có nhóm theo quy định pháp luật thì nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia, có nhóm thì thực hiện theo luật chuyên ngành, ví dụ như Luật Tổ chức tín dụng, có nhóm thực hiện theo cam kết WTO. Đối với các nhóm còn lại, sẽ mở rộng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán theo lộ trình.

Một giải pháp khác hết sức quan trọng là kết hợp giữa Bộ Tài chính, NHNN và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ, tạo ra một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo điều kiện cho nền kinh tế của nước ta cũng như thị trường tài chính, thị trường chứng khoán phát triển.

Bên cạnh đó là những giải pháp về quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm một cách công bằng, minh bạch để tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

PV Hoài Thu (Báo Infornet): Có thông tin sắp tới NHNN có thể mua lại cổ phần GPBank và Oceanbank với giá 0 đồng, xin cho biết kế hoạch chi tiết NHNN mua lại các ngân hàng này. Ngoài ra với các ngân hàng khác như SaigonBank, Eximbank… thì NHNN có kế hoạch tái cơ cấu cụ thể thế nào?

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Trong thời gian qua, đối với trường hợp của NH Xây dựng (VNBC), NHNN đã thực hiện giải pháp mua lại NH với giá 0 đồng, khi mà NH này có vốn điều lệ đã âm so với vốn pháp định. Còn trong quá trình tái cơ cấu, việc NHNN trực tiếp mua cổ phần hay chỉ đạo NHTM tham gia mua cổ phần là 1 trong những giải pháp mà NHNN thực hiện trong quá trình tái cơ cấu.

phó thống đốc ngân hàng nhà nước

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh Viết Cường

Trong giai đoạn đầu tiên, NHNN cũng đã đánh giá và thực hiện tái cơ cấu các NHTM yếu kém, đó là các mắt xích có thể gây đổ vỡ hệ thống. Năm 2015, NHNN thực hiện theo đúng các giải pháp đề ra tại Đề án tái cơ cấu theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó sẽ tái cơ cấu toàn diện các NH. Cụ thể, các NH hoạt động chưa tốt sẽ trở nên tốt và các NH tốt sẽ tốt hơn. Theo đánh giá của NHNN, nếu có vấn đề như vốn điều lệ âm nhiều theo vốn pháp định, có thể áp dụng một trong các giải pháp như tôi đã đề cập. Còn đối với các ngân hàng mà phóng viên hỏi kế hoạch cụ thể thì đây là trong lộ trình năm 2015, bản thân các NH làm việc với nhau và có đề án trình NHNN xem xét phê duyệt.

PV Mạnh Quân (Báo Thanh Niên): Bộ Công Thương đang tiến hành thẩm định phương án giá điện năm 2015 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất. Xin Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cụ thể hóa hơn về các phương án giá điện do EVN đề xuất. Xin cho biết những thông tin về đánh giá tác động của những phương án giá điện này đến GDP hay đến thu nhập của các hộ dân cư, đến lạm phát.

Vừa qua Chính phủ đã thực hiện rất mạnh mẽ cổ phần hóa (CPH) các khối doanh nghiệp Nhà nước. Ví dụ như trong các ngành GTVT, Dệt may, trong khi đó, ngành Điện Việt Nam là một ngành sử dụng vốn Nhà nước rất nhiều thì tiến trình CPH gần như là đứng yên trong khi yêu cầu CPH để giảm áp lực về vốn đầu tư của ngành Điện là rất cần thiết, thời gian qua chúng ta gần như không thấy một doanh nghiệp nào của ngành Điện được CPH. Vậy, Bộ Công Thương có những chỉ đạo thế nào để ngành Điện đẩy nhanh CPH trong thời gian tới, giảm áp lực về đầu tư cũng như giảm áp lực tăng giá điện?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Chúng ta đã biết những mặt hàng thiết yếu và có thể nói là nhạy cảm, Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức rõ ràng và qua rất nhiều văn bản. Gần đây nhất là Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 3 bộ, trong đó có Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, trong đó có EVN. Qua báo cáo của các bộ, ngành và các doanh nghiệp, liên quan đến giá điện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ đây là một trong những mặt hàng chúng ta phải kiên quyết tiến dần đến giá thị trường.

Thứ trưởng Bộ công thương đỗ thắng hải

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh Viết Cường

Trước Tết, mặc dù đã có đầy đủ những điều kiện để có thể điều chỉnh giá điện nhưng xét đến việc có thể ảnh hưởng tâm lý người dân, đến các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo không tăng giá điện. Còn sau Tết, theo đề xuất của EVN, tùy theo thẩm quyền nếu tăng từ 7-10%, Bộ Công Thương sẽ có xem xét và quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2015. Còn nếu trên 10% thì EVN trước tiên sẽ báo cáo Bộ Tài chính, khi có ý kiến của EVN và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Thứ hai, chúng ta biết có rất nhiều yếu tố cấu thành giá điện. Như chúng ta đã biết, có những yếu tố để giảm chi phí giá điện do giá dầu thế giới tụt giảm rất nhiều, có nhiều thắc mắc đặt ra là giá dầu giảm như vậy thì có thể giảm được giá điện hay không? Có điều rất đáng tiếc, sản lượng điện sản xuất qua xăng dầu chỉ chiếm có 0,55% sản lượng điện chúng ta đang sản xuất. Như vậy gần như có thể nói giá dầu trên thế giới giảm nhưng không tác động đến yếu tố cấu thành giá điện. Trong khi đó, có nhiều mặt hàng, yếu tố làm ảnh hưởng đến giá điện, ví dụ như giá than tăng đến 22% tính đến 22/7/2014 so với 1/8/2013, trong khi lượng điện được sản xuất bằng nhiệt điện chiếm tới 32,37%. Rồi giá khí có tăng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tăng rất nhiều lần, 1/4/2014 tăng 1 lần, đến 1/7/2014 tăng lần 2, lần 3 là 1/10 và gần đây nhất là 1/1/2015. Những yếu tố cấu thành giá điện như vậy tăng, tỷ giá bình quân cũng tăng, kể cả thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4%, kể cả giá mua điện từ các nhà máy có công suất từ 30MW trở xuống cũng đều tăng.

Vừa qua dư luận có một số ý kiến so sánh giá điện của Việt Nam và các nước khác liệu có đúng như những nhà tư vấn và kiểm toán quốc tế đã nêu ra là dưới giá thành hay không, tôi xin cung cấp một số thông tin để phóng viên tham khảo và có thể tự kết luận được. Có nhiều ý kiến cho rằng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay thấp, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này, có ý kiến cho rằng hiện nay tỷ lệ hao tổn điện của chúng ta rất lớn, chỉ so sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam trước đây có mức giá khoảng 6,27 cent/1 kWh điện, hiện nay mới tăng lên được 7,7 cent/1 kWh điện, trong khi ở Philippines xấp xỉ gần gấp 3 chúng ta: 21,72 cent/1 kWh điện, Singapore là 21,3 cent/1 kWh điện, gần chúng ta là Thái Lan cũng là 10,65 cent/1 kWh điện, Malaysia là 7,29 cent/1 kWh điện. Đó là điện sinh hoạt, còn điện thương mại ở các nước khác cũng là gấp đôi, gấp ba điện ở Việt Nam.

Việc sắp tới có sự thay đổi thế nào theo đề xuất của EVN, chúng tôi cũng xin được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ và theo thẩm quyền của Bộ Công Thương. Trong tháng 3, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì chắc chắn báo chí sẽ được biết hết sức chi tiết về vấn đề này.

Về vấn đề CPH doanh nghiệp, cụ thể là ngành Điện, chúng ta cũng phải đặt lại vấn đề là tại sao người ta không mặn mà đầu tư vào ngành Điện. Đầu ra - giá điện thương phẩm, việc kinh doanh mà đầu ra là cố định, không phải là hấp dẫn thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không thấy thu hút, kể cả trong nước và ngoài nước.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang