Các chiêu 'biến hóa' thịt lợn thối thành đủ món ngon tài tình

author 13:16 04/10/2015

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia về thực phẩm thì chất chính để chế biến các loại thịt lợn ôi thối thường là SO2. Nếu nhúng thịt thiu, thối vào dung dịch này một thời gian ngắn lấy ra để ráo nước, thịt sẽ mất mùi hôi thối và có màu hồng đẹp như thịt tươi,

Sự kiện: Thực phẩm bẩn kinh hoàng

Biến thịt lợn thối thành lợn sữa quay vàng ươm

Theo tin tức từ báo An ninh Thủ đô, đối với thịt lợn sữa thối sẽ được các cơ sở sản xuất chế biến và quay giòn lên bán cho các nhà hàng đặc sản, nhà hàng tiệc cưới, quán nhậu. Còn mỡ thối thì được cắt thành từng tảng và rán lên rồi bán cho các quán bún, quán nhậu.

Theo các chuyên gia về thực phẩm thì chất chính để chế biến các loại thịt lợn ôi thối thường là SO2. Liều lượng sử dụng với người ở điều kiện không hạn chế là 0,1-0,35mg/kg thể trọng, có điều kiện là 0,36-1,50 mg/kg thể trọng. SO2 không được sử dụng trong bảo quản các loại thịt.

thịt lợn thối sẽ được biến thành lợn sữa vàng ươm

Thịt lợn thối sẽ được biến thành lợn sữa vàng ươm. Ảnh: ANTĐ

Nếu nhúng thịt thiu, thối vào dung dịch này một thời gian ngắn lấy ra để ráo nước, thịt sẽ mất mùi hôi thối và có màu hồng đẹp như thịt tươi, đây là thủ thuật đánh lừa thị giác khách hàng chứ thịt đã thối, hư hỏng thì không thể khôi phục tươi lại được. Và như vậy SO2 sẽ đọng lại trên thịt, nếu người ăn phải thì rất nguy hiểm. 

Loại hóa chất này sẽ không gây tác hại tức thì mà ngấm dần vào hệ thống mạch máu, làm phá vỡ hồng cầu, tụt giảm bạch cầu. Dùng nhiều có thể gây tai biến và kéo theo nhiều hiểm nguy khác. Nhất là đối với loại thịt lợn sữa sau khi đã được quay trong dầu mỡ thì chất SO2 càng tăng tính độc hại. Mặt khác, những loại thực phẩm này do đã chế biến kỹ càng nên người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt bằng những kỹ năng thông thường. 

Bò khô giả từ thịt lợn thối

Báo Tiền Phong đưa tin, ông Lâm, chủ một nhà hàng có tiếng trên đường Lạc Long Quân (Tp. HCM) cho biết: "Khô bò bán rong phần lớn là thịt lợn thối được chế biến lại, còn không là… măng!".

Sau khi thu mua thịt nạc lợn nái, phần lớn là thịt cũ trong thời gian phân hủy rồi sử dụng hóa chất để khử mùi tanh hôi, họ luộc lên, thái thành từng miếng nhỏ, ép mỏng để nó có hình dạng y như thớ thịt bò. Tiếp theo, thịt được nhuộm màu, tẩm ướp hương liệu mùi bò cùng một số gia vị rồi đem sấy khô, đóng gói.

Vẫn theo ông Lâm, để làm ra 1kg khô bò, phải cần từ  2,6 đến 2,7kg thịt bò tươi. Hiện tại, giá thịt bò tươi ngoài thị trường phổ biến từ 220.000 đến 240.000đ/kg. Như vậy, chi phí cho một ký bò khô trung bình mất khoảng 650.000 đồng và người bán thường chào giá 750.000 đồng/kg nếu là bán lẻ. Còn bán sỉ thì rẻ hơn từ 20.000 đến 30.000 đồng trong lúc 1kg bò khô làm từ thịt lợn thối chỉ có giá 400.000 hoặc 450.000 đồng.

Thịt bò khô được làm từ thịt lợn thối tẩm hóa chất

Thịt bò khô được làm từ thịt lợn thối tẩm hóa chất. Ảnh: Tiền Phong

Ông Lâm nói:"Nếu nhìn bằng mắt thường thì rất khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả vì ngoài bao bì in ấn rất đẹp, rất sạch sẽ, màu sắc của thịt rất hấp dẫn, nhưng ăn vào mới biết".

Khô bò làm giả từ thịt lợn khi ăn thường có cảm giác bở chứ không dai như thịt bò vì nguyên liệu để làm khô bò thường lấy từ thịt đùi. Bên cạnh đó, nếu cho miếng khô bò giả này vào một chén nước nóng rồi khuấy đảo vài lần thì chỉ sau mấy phút, phẩm màu tan ra, miếng thịt có màu vàng ngà ngà chứ không giữ nguyên màu nâu đỏ như thịt bò khô thật.

Hạnh Chi (T/h)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang