Các chính sách bảo hiểm tốt nhất dành cho lao động thất nghiệp mùa dịch Covid19

authorNgọc Hà 13:24 24/03/2020

(VietQ.vn) - Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự, hệ luỵ là nhiều lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp. Để giải quyết nỗi lo thất nghiệp, người lao động cần biết thông tin về bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động. Bảo hiểm thất nghiệp được hiểu đơn giản là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Căn cứ pháp lý: Luật việc làm năm 2013; Nghị định 28/2015/NĐ- CP; Thông tư 28/2015 / TT -BLĐTBXH. 

 
Những ai được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp?

1.1 Người lao động có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp là hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn. Người lao động có tham gia bảo hiểm 12 trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng vụ việc có thời gian từ 03 đến 12 tháng.

1.2 Không thuộc các trường hợp sau: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

1.3 Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại trung tâm dịch vụ việc làm của nhà nước.

1.4 Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc bị sa thải người lao động chưa có việc làm.

Hồ sơ thủ tục cần những gì?

(Căn cứ Điều 16 NĐ 28/2015) Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu của Bộ LĐTB&XH

Bản sao chứng thực hoặc bản chính 1 trong các giấy tờ liên quan tới việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như: Hợp đồng lao động hết hạn, quyết định thôi việc, quyết đinh sa thải, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

Sổ bảo hiểm xã hội

Người lao động nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do Nhà nước thành lập nơi người lao động đóng bảo hiểm.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp (Căn cứ Điều 50 Luật Việc làm)

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần lương cơ sở đối với người lao động.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng sẽ được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng không quá 12 tháng.

Ví dụ trong trường hợp của bạn nếu thỏa mãn đủ điều kiện xin trợ cấp thất nghiệp thì: Mức hưởng trợ cấp hàng tháng của bạn được hưởng = 5.000.000 *60% = 3.000.000 đồng. Số tháng bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 04 tháng.

Nơi hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động nhận BHTN tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện theo nơi đăng ký ban đầu. Trường hợp đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu thì người lao động có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Lưu ý: Người lao động phải nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Chuyên gia nói gì về vấn đề này

Theo TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã lên kế hoạch khảo sát đánh giá tác động của dịch bệnh đến đời sống, việc làm của công nhân để báo cáo Chính phủ kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó.

Trước mắt cần giúp người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi, được hưởng đủ bảo hiểm thất nghiệp. Các trung tâm giới thiệu việc làm công cần hỗ trợ tối đa để người lao động có cơ hội tìm được công việc khác, đôi khi đó chỉ là công việc tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh. Hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng nhanh, vì thế người lao động có thể tìm được công việc tạm thời như tham gia vận chuyển hàng hóa.

Từ phía chủ doanh nghiệp, nếu có khả năng nên chia sẻ về mặt kinh tế với những người mất việc làm bên cạnh các chính sách chi trả theo quy định như tự nguyện thỏa thuận hỗ trợ người lao động mất việc như hỗ trợ một nửa tháng lương, tiền tàu xe về quê, hay bất kỳ khoản chi phí nào khác cho cuộc sống của lao động thất nghiệp. Cuối cùng, mỗi người lao động cần chủ động trong tìm kiếm công việc mới phù hợp, đây là giải pháp tốt nhất vì suy cho cùng phải có việc làm mới tạo ra thu nhập.

Trách nhiệm của Nhà nước là bảo đảm an sinh xã hội thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm, còn người lao động phải nỗ lực tìm kiếm công việc mới, chủ lao động bản thân họ cũng khó khăn nên chỉ hỗ trợ được phần nào, trong khả năng cho phép.

Ông Tiến cho biết, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn các địa phương cũng đang khảo sát, lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của công nhân để kiến nghị giải pháp hỗ trợ cụ thể. Nhiều công đoàn cơ sở đã chủ động trao đổi với chủ doanh nghiệp để thực hiện giảm giờ làm xuống còn 6-8 giờ/ngày, cho người lao động được nghỉ theo chế độ giảm lương hoặc được hưởng mức lương cơ sở để ở nhà trông con. Bên cạnh sự vào cuộc của công đoàn cơ sở, nhiều chủ doanh nghiệp cũng rất chia sẻ với người lao động trong lúc khó khăn.

Ngọc Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang