Các Chương trình KH&CN quốc gia đã nâng tầm diện mạo công nghệ của doanh nghiệp

author 14:49 04/09/2019

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, qua 7 năm triển khai các chương trình khoa học công nghệ quốc gia, năng lực công nghệ của doanh nghiệp đã được nâng lên đáng kể.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng, để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đầu tư theo hướng hình thành các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh về tính mới, chất lượng, giá thành sản phẩm, để nâng cao năng lực đổi mới, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức KH&CN. Đồng thời, tăng cường hội nhập về KH&CN, tìm kiếm cơ hội chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, từ cuối những năm 2010, 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, giao Bộ KH&CN chủ trì triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN đến năm 2020, Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Hán Hiển 

Các nhiệm vụ thuộc các chương trình đã được triển khai từ cuối năm 2013, cho đến nay, qua 7 năm thực hiện đã thu được những kết quả đáng ghi nhận trong một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Cơ khí - Tự động hóa. Nhờ đó, năng lực công nghệ của doanh nghiệp đã được nâng lên đáng kể.

Doanh nghiệp Việt Nam đã có thể làm chủ công nghệ thiết kế, sản xuất các thiết bị siêu trường, siêu trọng, động cơ, phụ tùng ô tô, sản xuất robot, sản xuất thiết bị phụ trợ cho các hãng cơ khí, điện tử trên thế giới như LG, Samsung; hỗ trợ các sáng chế không chuyên được hoàn thiện và thương mại hóa các kết quả sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và cho toàn xã hội.

Quang cảnh Hội thảo 

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Bộ KH&CN đang xem xét, tổng kết, đánh giá lại các Chương trình KH&CN quốc gia để hướng tới việc tái cơ cấu lại các chương trình. Bộ KH&CN cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan để nhanh chóng xây dựng và trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung các chương trình sẽ triển khai trong thời gian tới (2021-2030).

“Bộ KH&CN mong muốn nhận được nhiều sự đóng góp, chia sẻ thông tin từ các bên liên quan để giúp cơ quan quản lý có thể hoàn thiện và nhanh chóng trình lên Thủ tướng Chính phủ. Việc trình phê duyệt sớm giúp tránh được sự gián đoạn các chương trình, nối liền mạch việc hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ, hướng tới đạt hiệu quả cao”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Thông tin về kết quả triển khai các Chương trình KH&CN quốc gia trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa thời gian qua, TS. Nguyễn Sỹ Đăng - Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia cho biết, hầu hết sản phẩm từ các dự án, các doanh nghiệp tham gia các chương trình KH&CN đều được thương mại hóa thành công, thậm chí được nhiều đối tác nước ngoài chấp thuận, ký kết hợp tác.

TS. Nguyễn Sỹ Đăng - Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia. Ảnh: Hán Hiển 

Đáng chú ý là Dự án “Hoàn thiện thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế”, mã số CNC.08.DAPT/15 thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao do Công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt chủ trì thực hiện, kết quả của nhiệm vụ đã sản xuất được các dây chuyền sản xuất linh hoạt nhà thép nhẹ tiền chế cho nhà dân dụng và công nghiệp; chuyển giao được một số dây chuyền cho các đối tác trong và ngoài nước như Úc, Bờ Biển Ngà, Đài Loan (TQ), giúp doanh thu của doanh nghiệp tăng hơn 20%.

Hay Dự án “Nghiên cứu đổi mới công nghệ thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất cáp điện”, mã số ĐM.14.DN/15 thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia do Công ty TNHH Công nghiệp Quang Nam chủ trì thực hiện đã chế tạo thành công hệ thống thiết bị sản xuất dây cáp điện, chất lượng tương đương của Hàn Quốc, châu Âu, giá thành bằng 50% nhập khẩu, giúp cho các doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện của Việt Nam có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất…

"Đánh giá kết quả triển khai các Chương trình khoa học công nghệ quốc gia trong lĩnh vực cơ khí-tự động hóa trong giai đoạn 2011-2020, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực công nghệ và hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí-tự động hóa thông qua các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia”

Ngoài việc đánh giá kết quả các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia trong lĩnh vực cơ khí-tự động hóa trong giai đoạn 2011-2020, nhìn lại những thành tựu, hạn chế trong 7 năm qua, Hội thảo còn là nơi để trao đổi về định hướng phát triển ngành cơ khí-tự động hóa trong giai đoạn 2021-2030. Trước hết là để phục vụ cho việc tái cơ cấu các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia trong giai đoạn mới mà Bộ KH&CN đang tiến hành, trong đó, có định hướng ưu tiên cho lĩnh vực cơ khí-tự động hóa.

Hội thảo cũng là cơ hội để lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị, ban chủ nhiệm các chương trình lắng nghe ý kiến đề xuất của doanh nghiệp, hiệp hội, các nhà khoa học trong lĩnh vực này để có thể xác định các định hướng ưu tiên hỗ trợ phù hợp nhất" -  Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết.

Hán Hiển

Đề xuất Điều lệ tổ chức, hoạt động Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (VietQ.vn) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang